Cô Thông và lớp học nơi cửa biển

12 năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Thông (68 tuổi, trú tại xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) cần mẫn gieo từng con chữ cho các học sinh nghèo, tật nguyền nơi cửa biển Ngư Lộc.

Hơn mười năm sau, chúng tôi mới có dịp gặp lại cô giáo Nguyễn Thị Thông. Không còn kể lại những ngày đầu mở lớp học tình thương hồi năm 2002 khi cô phải tháo cánh cửa, lấy bàn uống nước kê cho học trò làm bàn học.

Hôm nay, cô giáo Thông vui mừng bởi nhiều năm qua chính quyền xã Ngư Lộc đã quan tâm, bố trí phòng học khang trang tại trung tâm học tập cộng đồng ngay UBND xã để cô dạy miễn phí.

Dù tuổi đã cao, mắt có mờ, nhưng hằng ngày cô giáo Thông vẫn miệt mài lên lớp, cần mẫn cầm tay từng học trò để tập viết những nét chữ đầu đời, truyền dạy kiến thức bậc tiểu học thật say mê.

Bầu nhiệt huyết vẫn nóng

Đối tượng học trò của cô giáo Thông vẫn là những em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tật nguyền, thiểu năng trí tuệ, không có điều kiện đến trường học tiểu học như các bạn cùng trang lứa.

Bằng phương pháp sư phạm gần gũi, gắn bó với từng học trò của mình, cô giáo Thông vừa là bà, là mẹ, là cô giáo của hàng trăm học sinh nghèo nơi cửa biển Ngư Lộc, để truyền đạt kiến thức môn tiếng Việt, môn toán, môn tự nhiên – xã hội (bậc tiểu học) cho học trò một cách dễ hiểu, dễ tiếp thu.

Bên cạnh dạy học miễn phí cho hàng trăm học trò nghèo bậc tiểu học tại lớp tình thương suốt 12 năm qua, cô giáo Thông còn đến từng nhà vận động những người trưởng thành tham gia học lớp xóa mù chữ vào buổi tối.

Hiểu được tâm lý nhiều bà con ngư dân độ tuổi 30-55, do hoàn cảnh gia đình trước kia khó khăn, chưa bao giờ được đến trường biết mặt chữ, tay đã cứng, mặc cảm là người mù chữ nên cô giáo Thông luôn kiên trì vận động.

Bằng tình cảm và nhiệt huyết của mình, những năm qua cô Thông đã đưa được 59 người trưởng thành đến lớp học và hoàn thành chương trình xóa mù chữ tại Trung tâm học tập cộng đồng xã Ngư Lộc.

Ngoài việc dành hầu hết thời gian, tâm huyết cho lớp học tình thương, cô giáo Thông còn là người luôn quan tâm, chăm sóc học trò nghèo, tật nguyền, mồ côi như con cháu của mình.

Hằng năm cô đều trích tiền lương hưu trí, cộng với sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm để may cho mỗi em học sinh một bộ quần áo mới. Ngày lễ tết, ngày 20-11, cô tự tổ chức nấu ăn tại gia đình mình để học trò được chung vui, sinh hoạt trong không khí đầm ấm. Khi học trò ốm đau, cô đến thăm hỏi tận tình với cân đường, hộp sữa. Cô không bao giờ nhận quà của học trò và phụ huynh.

Cô Thông tâm sự: “Học trò đến với mình là những người thiếu ăn thiếu mặc, thiếu sự chăm sóc của bậc sinh thành (vì bố mẹ đi làm ăn xa, đi biển dài ngày hoặc mồ côi). Vì vậy tụi nhỏ rất cần được mình chăm sóc, dạy dỗ ân cần trước khi dạy chữ, kiến thức phổ thông. Còn sức lực đến đâu, tôi sẽ gắn bó với lớp học tình thương này đến đó”.

Phần thưởng xứng đáng

Hai ngày nay, biết tin cô giáo Thông được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi thư khen, rất nhiều học trò của cô nay đã trưởng thành, lập gia đình gọi điện thoại, đến chúc mừng người cô đáng kính của mình. Còn các em học trò nhỏ ở lớp học tình thương cô Thông đang dạy ríu rít bên cô, tràn ngập niềm vui, tiếng cười.

35 năm gắn bó với ngành giáo dục xã Ngư Lộc, về hưu năm 2001 với danh hiệu nhà giáo ưu tú, nhưng suốt 12 năm qua cô giáo Thông chưa một ngày ngơi nghỉ. Bước chân cô vẫn hằng ngày đến với lớp học tình thương, lớp xóa mù chữ tại Trung tâm học tập cộng đồng xã Ngư Lộc. Nơi đây, những đứa trẻ nghèo khó, tật nguyền, mồ côi vẫn đang cần tấm lòng thơm thảo, bầu nhiệt huyết truyền thụ kiến thức của cô giáo Thông.

Nhiều phần thưởng, bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành đã ghi nhận sự đóng góp của cô đối với sự nghiệp trồng người nơi chân sóng Ngư Lộc.

Ông Nguyễn Văn Ngữ – chủ tịch UBND xã Ngư Lộc – tự hào cho biết: “Sự đóng góp tận tâm của cô giáo Thông đối với sự nghiệp giáo dục xã nhà thật đáng trân trọng. Việc làm bình dị của cô giáo mang tính nhân văn sâu sắc, hiệu quả xã hội lan tỏa, giúp hàng trăm học trò nghèo địa phương được học hết bậc tiểu học, có điều kiện tiếp cận với kiến thức phổ thông để vững bước vào đời. Cô giáo Thông luôn là tấm gương sáng để mọi người học tập, noi theo với lòng kính trọng”.

Theo Tuổi trẻ.


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề