(bộ nhớ đệm: 06:00:59 20/04/2024)
Kygia
Có nên “độc quyền” phong chức danh giáo sư?

Việc Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TP.Hồ Chí Minh) tiếp tục khẳng định việc tự bổ nhiệm chức vụ giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) cho các chuyên gia, nhà khoa học của trường không hề vi phạm quy định (khác với chức danh GS, PGS do Hội đồng Chức danh GS Nhà nước phong) đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều.

Về cơ sở pháp lý, việc bổ nhiệm chức vụ chuyên môn cho các chuyên gia, nhà khoa học của trường dựa trên quyền tự chủ được Thủ tướng cho phép thí điểm theo Quyết định 158. Trong khi đó việc phong hàm giáo sư lâu nay vẫn được cho là “độc quyền” của Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước.

Liệu đã đến lúc cần xem lại việc phân cấp bổ nhiệm chức danh GS về các trường ĐH. Bởi lẽ, đây là xu hướng hiện đại, phù hợp với thông lệ của nền ĐH tiên tiến trên thế giới.

Thế giới đã làm rồi

Trao đổi với Báo Lao Động chiều 17.9, GS Phan Huy Lê cho biết, đây không phải lần đầu tiên giới khoa học trong nước đề cập đến vấn đề phân cấp bổ nhiệm chức danh GS cho các trường ĐH, thậm chí xu hướng này nằm trong chủ trương, định hướng của VN theo cách làm tiến bộ của các nước trên thế giới. “Tuy nhiên, điều kiện nước ta hiện nay chưa cho phép làm được, bởi phần lớn các trường không đủ tiêu chuẩn để phong chức danh GS, PGS. Thậm chí, nhiều trường ĐH chỉ có duy nhất 1 GS thôi thì làm sao để các trường tự phong GS hay PGS được?” – GS Phan Huy Lê đặt vấn đề.

 

GS Phan Huy Lê cũng chia sẻ, ở nhiều nước trên thế giới có nền ĐH phát triển, việc phong GS thuộc về các trường ĐH và GS là của trường ĐH đó khi các trường đủ trình độ để xem xét và xác định trình độ phong học hàm. VN chắc chắn sẽ tiến tới thông lệ quốc tế nhưng trước mắt, chỉ một số trường đủ năng lực, tiêu chuẩn để phong GS, PGS. Để tiến tới một nền ĐH thực sự, thì việc phong GS và PGS phải thuộc quyền hạn và nhiệm vụ của các trường ĐH. Muốn làm được điều này, trước hết Bộ GDĐT đứng ra xây dựng tiêu chí, thông qua một hội đồng khoa học như là Hội đồng Chức danh, sau đó trình Thủ tướng ban hành. Các trường ĐH sẽ có “hệ quy chiếu” để thực hiện công việc này.

Đây cũng là ý kiến của GS Nguyễn Văn Khánh – Hiệu trưởng ĐH KHXH&NV (ĐHQG HN) – khi ông đồng tình về việc cần thiết phải có nhiều thay đổi trong việc công nhận và bổ nhiệm các chức danh khoa học cao cho các trường ĐH. Nhưng để có những cải tiến này, chắc chắn phải có thời gian, phải được bàn thảo kỹ lưỡng. Một trong các điều kiện tiên quyết, theo ông là chỉ áp dụng với các vị trí giảng dạy ở các trường ĐH. Thứ hai, trên cơ sở tiêu chí hay quy định chung của Hội đồng Chức danh GS Nhà nước về công nhận GS hay PGS như các tiêu chuẩn về khoa học, công bố… thì các trường cũng được xem xét để công nhận chức danh này theo số lượng cứng, thay vì muốn bổ nhiệm số lượng bao nhiêu tùy thích.

Không nên “độc quyền”, cũng không nên tùy tiện bổ nhiệm chức danh GS

“Ở các nước trên thế giới, trình độ của mỗi GS của mỗi trường ĐH khác nhau. Thương hiệu, uy tín của từng GS phụ thuộc vào thứ hạng của mỗi trường ĐH. Có nhiều trường đòi hỏi GS ở vị trí rất cao, hàng trăm đơn tuyển vào chỉ chọn 1 người” – GS Nguyễn Văn Khánh nói. Theo ông, đã đến lúc cần suy nghĩ theo hướng cải cách, tiếp cận xu hướng thế giới và hội nhập, không nên cực đoan rằng mọi GS chỉ đều do Hội đồng Chức danh GS Nhà nước cấp, hoặc tùy tiện để cho các trường tự do công nhận chức danh này mà không có chế tài chung. Theo đó, cần có quy định để xem xét về yêu cầu tổ chức, đào tạo khoa học các cơ sở giáo dục, quy định về tiêu chuẩn đủ điều kiện xem xét vị trí GS. Những tiêu chuẩn này do Bộ GDĐT đưa ra sau khi trao đổi, thống nhất với các Hội đồng khoa học. Dựa trên tiêu chuẩn chung, có thể giao cho Hội đồng trường, trước mắt thí điểm một số trường ĐH có truyền thống, có lực lượng nhà KH trình độ cao để thực hiện, sau đó mở rộng ra trường ĐH khác”.

 Khuôn viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TP.Hồ Chí Minh).   Ảnh: TL

Đồng quan điểm, GS-TS Ngô Văn Lệ – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH& NV TPHCM – cho rằng: “Việc phong học hàm, học vị GS ở các trường ĐH như là các nước là điều tất yếu mà Việt Nam cần làm. Trên thế giới chức vụ GS là do trường phong và chỉ có hiệu lực ở trong trường đó. Hơn nữa, nhu cầu về chức danh này là cần thiết đối với việc giảng dạy tại trường ĐH. Tuy nhiên, đối với Việt Nam thì chưa có quy định của pháp luật, chưa có văn bản nào giao quyền cho các trường bổ nhiệm chức danh GS, PGS.

Việc chúng ta hướng đến và thực tiễn chưa song hành với nhau khiến cho điều này trở nên bất cập. Thêm vào đó, những quy định, tiêu chuẩn và thủ tục bổ nhiệm cũng cần được xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo chất lượng và trách nhiệm của người được bổ nhiệm.

Trong khi đó, trao đổi với Lao Động, TS Nguyễn Quốc Chính – Trưởng ban Đào tạo ĐH và sau ĐH, ĐH Quốc gia TPHCM – cho rằng: “Trong mỗi hệ thống có những cách nhìn khác nhau nên việc này có thể đúng ở đây nhưng sai ở chỗ khác. Việc phong GS, PGS ở các nước cũng khác nhau. Ví dụ ở Mỹ và Tây Âu thì chức vụ này do các trường ĐH bổ nhiệm và mang tính trách nhiệm. Còn ở Đông Âu hay Nhật Bản thì lại do tổ chức chính phủ phong tặng.

Hệ thống Việt Nam còn nhiều điểm chưa được tốt, chúng ta muốn cải tiến thì cần phải đóng góp để hoàn thiện và phát triển. Tôi và nhiều người khác cũng đã đóng góp ý kiến về việc giao quyền cho các trường trong việc bổ nhiệm GS, PGS. Thế nhưng đây là điều cần có các ý kiến đóng góp chính thống và được thông qua, được phép điều chỉnh thì chúng ta mới bắt đầu làm.

Tôi cho rằng việc phong học hàm, học vị ở cấp độ nhà nước là hơi nặng nề và nên điều chỉnh linh hoạt. Tuy nhiên, sự điều chỉnh đó phải phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam, chứ không thể một sớm một chiều và cần có thời gian bàn luận thật kỹ lưỡng.

Cần phải nhìn ra bên ngoài, tổng hợp những cách làm tiên tiến, cần đóng góp để điều chỉnh, vừa đạt chuẩn quốc tế vừa phù hợp với tình hình Việt Nam. Nhu cầu về chức vụ hay học vị GS, PGS ở các trường để phục vụ việc giảng dạy hay làm việc quốc tế là luôn có. Nhưng không phải vậy mà mở thêm lớp để phong thêm. Tất cả đều phải có sự tính toán kỹ để hợp lý hóa mọi thứ, công bằng và thúc đẩy sự phát triển chung”.

 Ý KIẾN LUẬT SƯ:

Nên ủng hộ việc thí điểm bổ nhiệm chức vụ GS, PGS của Đại học Tôn Đức Thắng

Việc Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TĐTU) đang triển khai thực hiện việc bổ nhiệm chức vụ giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) cho cán bộ, giảng viên, nhà khoa học của trường là có thể nhằm đáp ứng nhiệm vụ trên. Đây là hướng đi mới, đột phá và cũng rất đúng với mục tiêu thí điểm. Chính TĐTU thừa nhận chức vụ như GS, PGS này do TĐTU bổ nhiệm chỉ là chức vụ chuyên môn thuần tuý, không có ý nghĩa như học hàm GS, PGS do Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước phong tặng và phạm vi áp dụng tại trường mà thôi.

Đồng thời, chức vụ GS, PGS này có được các trường đại học khác hay xã hội chấp nhận hay không là tuỳ thuộc họ. Tuy nhiên, TĐTU cũng nên tham khảo và cần có sự đồng thuận cao từ Bộ GDĐT về chủ trương thí điểm bổ nhiệm chức vụ GS, PGS này.

Luật sư HỒ NGUYÊN LỄ – Trưởng Văn phòng luật sư Luật Tín Nghĩa, TPHCM

 Bộ GDĐT cần có ý kiến về việc này

Trao đổi với Lao Động sáng 17.9, PGS-TS Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội – cho biết, quy chế công nhận, bổ nhiệm giáo sư đã có quy định rồi, hiện nay việc này do Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước đảm nhiệm. Việc Trường ĐH Tôn Đức Thắng tự công nhận chức danh GS chỉ có giá trị trong nhà trường thì được, nhưng không có giá trị như chức danh GS được Hội đồng công nhận theo quy chế chung của Nhà nước. Tuy nhiên, việc này cần phải xin ý kiến của Bộ GDĐT. “Trường ĐH có quyền tự chủ trong đào tạo, tài chính…nhưng có những cái anh lại không được phép. Việc công nhận, bổ nhiệm chức danh giáo sư từ trước đến nay đều do Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước thực hiện nên việc này phải báo cáo, xin ý kiến của Bộ GDĐT xem nhà trường có được phép tự công nhận, bổ nhiệm hay không?” – bà An cho biết. Theo bà, cần phải xây dựng quy định chung, nếu không trường nào cũng được công nhận chức danh GS thì dễ dẫn đến tình trạng lợi dụng chức danh GS để làm việc khác, nên việc này dứt khoát Bộ GDĐT phải có ý kiến.

Theo LĐ


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề