Chuyện riêng với tác động không riêng

Việc Ngân hàng quốc gia Thuỵ Sỹ (SNB) đột ngột thả nổi tỷ giá đồng Franc cuối tuần qua vốn là chuyện riêng của nước này nhưng lại gây ra những tác động, hệ lụy mạnh mẽ và sâu sắc đối với không chỉ nước này.

Với việc thả nổi tỷ giá đồng Franc, SNB đã phó mặc cho thị trường quyết định tỷ giá của đồng tiền này với đồng Euro và khiến đồng tiền này liên tục tăng giá so với các đồng ngoại tệ khác. Đồng bản tệ mạnh rất bất lợi cho hoạt động xuất khẩu và du lịch vốn là 2 trụ cột tăng trưởng kinh tế ở Thuỵ Sỹ. Bởi vậy, nguy cơ kinh tế Thuỵ Sỹ rơi vào suy thoái đang dần định hình. Tình thế này buộc SNB không có sự lựa chọn nào khác bởi không thể cứ tiếp tục in thêm tiền ra để duy trì tỷ giá hối đoái cố định với đồng Euro khi đồng Euro tiếp tục mất giá. Trong khi đó, Ngân hàng T.Ư châu Âu (ECB) dự kiến ngày 22/1 sẽ quyết định chương trình mua trái phiếu trị giá hàng trăm tỷ Euro. Điều đó có nghĩa là giá trị của đồng Euro sẽ còn tiếp tục giảm, đồng Franc không chỉ còn phụ thuộc nhiều hơn vào đồng Euro mà còn trở thành nạn nhân trong sự mất giá của đồng Euro. Vì thế, đối với SNB, thà có cái kết cục với đau đớn và sợ hãi, còn hơn cứ tiếp tục chịu đau đớn và sợ hãi không biết đến khi nào mới hết.

Quyết định nói trên của SNB làm rúng động cả thị trường tài chính ở châu Âu. Tất cả những tổ chức và cá nhân vay tín dụng bằng đồng Franc đều bị thiệt hại lớn. Đồng bản tệ ở nhiều quốc gia Đông và Nam Âu như Ba Lan, Hungary… bị mất giá mạnh. Sẽ có không ít ngân hàng hay tổ chức tín dụng ở Thuỵ Sỹ và thậm chí cả không ít công ty ở nước này sẽ lâm vào nguy cơ bị phá sản.

Đồng Euro bị cú đòn mạnh và tai hại chưa từng thấy kể từ khi ra đời đến nay. Nó vốn đã được coi là một ngoại tệ mạnh và ổn định giá trị, đã quen được sử dụng làm chỗ dựa giá trị cho các đồng tiền khác và chưa từng lần nào bị đẩy vào tình cảnh “bỏ của chạy lấy người” như SNB vừa làm. Tuy nhiên, kinh tế EU đang có cơ hội để kích thích tăng trưởng khi đồng Euro yếu, giá dầu giảm và ECB bơm một lượng tiền khổng lồ vào thị trường như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã hành động để khôi phục và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ.

Chuyện riêng của Thuỵ Sỹ vì thế có tác động tới cả nhiều đối tác khác. Ở đây có thể thấy cả FED lẫn ECB và SNB đều không chỉ thực thi chính sách tiền tệ theo đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng của khái niệm mà còn theo đuổi cả chính sách điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Đối với sự ổn định giá trị tiền tệ mà đảm bảo nó vốn là sứ mệnh chính của các ngân hàng T.Ư thì việc các định chế tài chính này “bắt cá hai tay” sẽ rất nguy hiểm vì như thế chẳng khác gì công cụ hóa chính sách tiền tệ để phục vụ chính trị.

Nguồn: Kinh tế & Đô thị


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề