Chuyến đi bí mật đến Crimea của Stalin

Với mong muốn được tận mắt chứng kiến cảnh đất nước hồi sinh sau chiến tranh, vào tháng 8/1947, Iosif Stalin quyết định đi thăm Crimea bằng ôtô. Những câu chuyện của các cán bộ cảnh vệ lần đầu tiên được công bố đã làm rõ thêm nét tính cách của Lãnh tụ Liên Xô trong những năm tháng khó khăn ấy.

“Ôi may quá, chúng mình đã được gặp Stalin”

I. Stalin không thực sự thích đến thăm Crimea, mặc dù ông có các công thự ở đó. Tuy nhiên, vào năm 1947, ông lại nảy ra ý định đi thăm Crimea, nhưng phải đi bằng ôtô bởi ông muốn được tận mắt chứng kiến đất nước đang hồi sinh sau chiến tranh. Vào đầu tháng 8/1947, Stalin nói với Nicholas Vlasik, Đội trưởng cảnh vệ của ông về ý tưởng này. Tướng Nicholas Vlasik đã viết trong nhật ký: “Vì biết rằng ông ấy sẽ rất vất vả với chuyến đi dài như vậy trên xe ôtô, tôi đã cố gắng thuyết phục để ông từ bỏ, nhưng Stalin không đồng ý”.

Các cán bộ cảnh vệ và bác sĩ hiểu rằng ở tuổi gần 70 như ông mà lại đi ôtô trên chặng đường đất dài gần 1.500 km là điều không đơn giản. Nhưng, Stalin không mảy may nghi ngờ vào điều đó. Không thuyết phục được, N. Vlasik cho đơn vị chuẩn bị khởi hành.

Yuri Soloviev, người cùng làm việc trong đội bảo vệ Stalin, nhớ lại: “Các sỹ quan Starostin và Gurundaev được giao lái hai chiếc ôtô đi từ Moskva đến Sevastopol và ngược lại để làm quen với hành trình sắp tới. Chuyến đi của họ diễn ra bình thường. Mất hơn ba ngày đêm để đến đó và trở lại”.

Chuyến đi Crimea bằng ôtô của Stalin được giữ bí mật tuyệt đối, do vậy, đã phải triển khai nhiều công việc để nghi binh. Các lực lượng quân sự được thông báo rằng Stalin sẽ đi bằng đường sắt. Đồng thời, có 3 chuyến tàu hỏa xuất phát đi Crimea vào các thời điểm khác nhau. Nhưng, trên cả 3 con tàu đó đều không có Stalin.

Đoàn hộ tống Stalin gồm 4 xe ôtô: Xe chính là chiếc Packard-180 bọc thép, xe dự phòng là chiếc ZIS-110C bọc thép và 2 xe của đơn vị cảnh vệ. Trong cuốn nhật ký của Tướng N. Vlasik có một số chi tiết thú vị, nhưng, thú vị nhất là các cuộc tiếp xúc ngẫu nhiên giữa Stalin với những người mà ông gặp trên đường.

“Đoàn đã xuất hành, hình như, vào ngày 16/8, – Vlasik viết. – Chúng tôi đến Kharkov sau khi tạm dừng ở 3 điểm: Shchekino thuộc tỉnh Tula, Orel và Kursk. Tại các điểm dừng, tất cả đều diễn ra rất nhẹ nhàng, đơn giản, không gây ồn ào và vì vậy, Stalin rất thích. Chúng tôi ăn cùng với Stalin. Ông còn đi dạo phố ở Shchekino và Kursk. Trên đoạn đường giữa Tula và Orlom, lốp chiếc xe Packard đã bị hỏng do quá nóng. Stalin ra lệnh dừng xe lại và nói rằng ông sẽ đi bộ một lúc khi người lái xe thay lốp, sau đó ôtô sẽ đuổi theo chúng tôi”.

Lốp xe bị quá nóng là điều dễ hiểu. Chiếc Packard bọc thép nặng gần năm tấn không phù hợp để chạy một chặng đường đất dài như vậy. Mới vượt qua được khoảng 100 km trên đường đất sau khi đi hết phần đường nhựa, lốp xe đã bị hỏng. N. Vlasik nhớ lại: “Đi thêm một chút theo quốc lộ, chúng tôi thấy có 3 chiếc xe tải cũng phải dừng lại bên vệ đường và lái xe cũng đang thay lốp cho một trong những chiếc xe đó. Thấy Stalin, họ đã rất bối rối…

Khi chúng tôi đi qua, họ ôm lấy nhau và reo: “Ôi may quá, chúng mình đã được gặp Stalin”. Đi tiếp thêm một chút, chúng tôi gặp một cậu bé khoảng 11 – 12 tuổi. Stalin dừng lại, chìa tay cho cậu bé nắm lấy và nói: “Nào, chúng ta làm quen nhé. Tên của cháu là gì, cháu đi đâu?” Cậu bé nói rằng tên nó là Vova, nó đi chăn bò và đang học lớp 4. Đúng lúc đó, xe tới, chúng tôi chia tay Vova và tiếp tục hành trình. Stalin chuyển sang đi trên chiếc ZIS…”.

Tặng nước hoa cho một người phụ nữ lạ

Sau khi dừng chân ở tỉnh Tula, Stalin đã đến thành phố Oryol một cách thuận lợi. Ấn tượng về một thành phố đổ nát là khá nặng nề. Các cán bộ cảnh vệ của Stalin nhớ lại: “Ông ấy rất tức giận, lo lắng khi nhìn thấy các thành phố, làng mạc bị chiến tranh tàn phá và những người dân phải sống trong các căn nhà hầm”.

Ở Kursk, nơi đoàn nghỉ đêm theo kế hoạch, chỉ có Bí thư thứ nhất Tỉnh ủy Pavel Doronin biết về chuyến đi của Stalin. Cảnh sát địa phương cũng như các lực lượng khác vì lý do bảo mật đều không được thông báo về sự có mặt của các vị khách quý. Đơn vị cảnh vệ cũng đã đến Kursk trên một chuyến tàu đặc biệt.

Vladimir Vasiliev, một trong những cán bộ cảnh vệ của Stalin, kể lại rằng họ đã mặc thường phục trong suốt chuyến đi: “Trong những chuyến đi như vậy, gần như có tới gần hai phần ba số cán bộ trong đơn vị cảnh vệ tham gia… Tuy nhiên, không giống như mặc quân phục, khi mặc dân sự, họ phải để súng vào trong các hộp đựng đàn violin. Cảnh tượng thật buồn cười. Bằng cách này, họ đã mang theo được cả những khẩu tiểu liên Shpagin và Sudaev”.

Ở Kursk, Stalin đến nghỉ tại nhà của Bí thư thứ nhất Tỉnh ủy. Bí thư cùng gia đình tạm thời chuyển đi nơi khác. N. Vlasik nhớ lại: “Căn hộ rất gọn gàng và ấm cúng, trên kệ phía trên ghế sofa bày nhiều đồ sứ trang trí nhỏ, và trên bàn trang điểm có để nhiều lọ nước hoa đẹp, có lọ còn, có lọ đã dùng hết. Stalin chăm chú quan sát căn hộ, ông xem kỹ các đồ trang trí. Khi chúng tôi chuẩn bị đi tiếp, ông nói với tôi rằng nên có thứ gì đó để lại cho chủ nhà làm kỉ niệm, và, tốt nhất là một lọ nước hoa. May mắn thay, chúng tôi cũng tìm được một lọ nước hoa khá đẹp. Stalin tự mình mang vào phòng ngủ, nơi ông đã nghỉ ngơi, đặt nó lên bàn trang điểm”.

Stalin (thứ 2 từ bên trái) với các thủy thủ tàu tuần dương Molotov trong chuyến thăm Crimea, tháng 8/1947.

Stalin (thứ 2 từ bên trái) với các thủy thủ tàu tuần dương Molotov trong chuyến thăm Crimea, tháng 8/1947.

Một vụ tai nạn đã xảy ra

Ở Crimea, đoàn xe của Stalin đã gặp chuyện bất ngờ. Yuri Soloviev viết: “Khi Stalin đi trên chiếc Packard bọc thép theo đường núi Simferopol – Yalta, tại khu vực đèo dốc sau chỗ rẽ ngoặt vắng vẻ, một người lái chiếc xe tải nhẹ đã gây tai nạn với xe của chúng tôi. Trời nhiều mây, mưa phùn…

Để ngăn chiếc xe tải đột ngột xuất hiện sau chỗ rẽ tiến thẳng về phía xe của Stalin, chiếc xe cảnh vệ thứ nhất đã lao lên, chặn chiếc xe tải trước khi nó húc vào chiếc Packard. Do cú va chạm của xe tải, cánh cửa sau bên cạnh chiếc xe của cảnh vệ đã bay khỏi bản lề. Chiếc xe tải cũ kỹ bị hỏng khá nặng. May mắn, trong vụ tai nạn này không có ai bị thương. Tất cả những người có mặt đều rất ngạc nhiên khi thấy từ buồng lái của chiếc xe tải một người phụ nữ khoảng 45 tuổi bò ra. Stalin cũng ra khỏi xe. Người nữ lái xe, tuy vẫn còn bị sốc do vụ tai nạn và không hiểu chuyện gì xảy ra, đã nói chuyện với Stalin với sự ngây thơ và chân thật của phụ nữ.

Bà ta hỏi Stalin: “Các ông có đi tiếp được không?”. Stalin, khi nhìn thấy người phụ nữ đáng thương và chiếc xe tải bị hư hỏng hoàn toàn, nhận ra rằng sự việc xảy ra vì những màn mưa phùn. Đáp lại người phụ nữ, ông nói: “Chúng tôi đi được, thế cô sẽ đi bằng gì?”.

Trong đoàn xe của Stalin có cả Bộ trưởng Bộ An ninh Quốc gia Viktor Abakumov. Stalin đã yêu cầu V. Abakumov không phạt người phụ nữ đã gây tai nạn. Tuy nhiên sau đó, bà ta vẫn bị bắt, nhưng, không phải chịu hình phạt nặng.

Sau khi đi qua những con đường đất bị tàn phá, Stalin rất quan tâm xây dựng tuyến đường ôtô Moskva – Crimea. Theo Tướng N. Vlasik, Stalin lưu ý rằng con đường phải được xây dựng tốt nhất có thể, phải chia thành các khu vực, cắt đặt người canh gác, xây nhà và cấp đất cho những cán bộ này để họ yên tâm chăm sóc con đường, xây dựng các trạm tiếp xăng vì sẽ có nhiều xe chạy… Tuy nhiên, ý tưởng của Stalin về những người canh gác, xây nhà, cấp đất cho họ gần như xa rời các nguyên tắc của Chủ nghĩa xã hội và cuối cùng đã không được thực hiện. Chính con đường, sau khi chuyến đi của ông, đã trở thành công trường trọng điểm. Hàng chục ngàn tù nhân gồm cả những người Liên Xô và các tù nhân chiến tranh người Đức đã xây dựng “con đường Crimea vĩ đại”. Sau đó, việc chủ trì xây dựng được giao cho các đơn vị quân sự đã giải thể với 120.000 người.

Ngày 1/8/1950, con đường trải nhựa dài 1.395 km từ Moskva đến Simferopol đã được đưa vào sử dụng sau gần 4 năm thi công. Còn các trạm xăng bên đường, thực tế, chỉ xuất hiện vào cuối những năm sáu mươi…

Theo hồi ức của các sĩ quan cảnh vệ, chuyến đi Crimea dường như đã làm dấy lên trong Stalin nhiều cảm xúc. Ông đau khổ trước sự tàn phá của chiến tranh và rất vui mừng khi nhìn thấy một cái gì đó đã được xây dựng lại, có thể “chỉ là một hàng rào mới”.

Trí Lê (Theo CAND)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề