Chuyện của những người lính ở Nga 27 năm

Họ là những người bạn ở những miền quê Thái Bình, Hải Dương, Hải Hưng, Nam Định…cùng lên đường nhập ngũ và là những người lính rời tay súng sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự ở các vùng miền của tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia vào những năm cuối 70.

Đúng ngày này (31.3.1988) của 27 năm về trước, cùng hàng vạn nam nữ thanh niên Việt Nam, họ đã lên đường sang tham gia Hợp tác lao động tại Liên Xô và các nước Đông Âu vào những năm 80. Họ là những người bạn đã cùng vào sinh ra tử và cùng gắn bó như anh em ruột thịt trong ngần ấy năm trời lao động, làm ăn sinh sống ở nước Nga.

Họ đấy – là: Xuân, Túc, Châu, Hà, Năng, Hưng… hàng năm cứ vào ngày 31.3 là mấy anh em lại cùng nhau họp nhóm, ôn lại kỉ niệm của những ngày tháng ở quân ngũ, rồi những ngày đầu bỡ ngỡ đặt chân đến miền đất xa lạ, xứ sở bạch dương và tuyết trắng – Liên Xô! Xứ sở mà thuở còn ngồi trên ghế nhà trường họ chỉ biết qua trang sách, phim ảnh…

Các anh kể: “Bọn em thấy cái gì cũng lạ lẫm, nhất là lần đầu tiên thấy tuyết, được bốc tuyết trên tay lạnh buốt nhưng mà thích lắm. Được tắm rửa sạch sẽ trong nhà tắm chung như là để làm sạch mọi thứ, phát quần áo đồng phục, ăn uống ở nhà ăn tập thể (gọi là xtalovaia), mỗi phòng ở 2, 3 anh, sạch sẽ tinh tươm, thật “sang trọng” quá! Cứ tưởng như mình nằm mơ, bởi đêm ngủ giật mình tỉnh giấc còn chưa tin là mình đã ở Liên Xô? Anh bảo, từ nơi quê hương ta gian khổ nghèo nàn lạc hậu, bởi trải qua bao năm tháng chiến tranh tàn phá, giờ được sống trong môi trường như thế này ai mà không cảm thấy xúc động?”

Nơi họ làm việc là các nhà máy của Liên Xô cũ (như nhà máy sản xuất ô tô “Zil” nổi tiếng tại thủ đô Mátxcơva) Những tháng năm lao động tuy có lạ lẫm, vất vả nhưng mà vui, mà ấm áp tình bạn bè đồng hương, đồng đội. Hơn nữa, kinh tế bản thân, gia đình tại VN cũng được cải thiện qua những món đồ tuy ít ỏi – thành quả lao động trong nhà máy do họ gom góp làm ăn tích lũy từ đồng lương công nhân gửi về.

Cũng tại mảnh đất nghĩa tình này họ đã gặp rồi yêu thương những cô gái Việt đồng hương: Nghĩa, Lí, Thụy, Liễu, Yến…cùng sang Nga lao động (cũng có người thì nên duyên tại quê nhà) để trở thành bạn đời, xây nên những tổ ấm…Lần lượt con cái ra đời là niềm vui, là hạnh phúc không chỉ riêng mỗi gia đình mà là niềm vui chung của mọi người.

Rồi cái ngày buồn là Liên Xô và các nước Đông Âu tan rã, nhà máy giải tán. Họ đứng trước bài toán nan giải: Trở về VN hay ở lại mưu sinh? Tất thảy anh em đều nhất quyết ở lại mảnh đất mà họ xem như quê hương thứ hai đã từng gắn bó, cưu mang dẫu biết rằng con đường phía trước mắt sẽ khó khăn gấp bội?

Thời kì nước Nga (Liên Xô cũ) những năm 90 này khó khăn về chính trị, kinh tế như một cơn lốc cuốn theo bao lo toan cơm áo gạo tiền hàng ngày? Kinh tế thị trường mở ra buộc mọi người phải tính kế làm ăn. Cũng như bao người Việt khác tại Nga, họ chỉ biết bán buôn hàng hóa may mặc để chắt lót, góp gom từng đồng rúp từ mồ hôi nước mắt và có khi cả máu!

Chợ này mở ra rồi sập, lại khăn gói quả mướp kéo sang chợ khác bán buôn, cứ thế họ xoay như chong chóng. Nhiều khi còn bị mất trắng vì chợ đóng, chợ tan, hàng hóa tan tác (có người còn bị bọn cướp vào nhà chấn lột) Nhưng rồi ông trời không nỡ phụ họ. Do chịu khó làm ăn, tiết kiệm vun vén…cho đến nay, mỗi thành viên trong nhóm đều có của ăn của để, con cái học hành tại các trường đại học có tiếng của Nga như MGIMO, Plekhanov…hoặc đang học tại các đại học trong nước. Cũng có cháu đã ra đi làm. Các cháu nhỏ thì còn học phổ thông, mẫu giáo. Các anh chị cũng có người lên “chức” ông, bà rồi!

Chia sẻ những ngày tháng ngọt bùi đắng cay, anh Hà cho tôi hay: “Cực lắm anh ạ, bọn em phải sớm hôm lặn lội ngoài chợ trời rét buốt thấu xương, âm hàng chục độ C, đi lấy hàng, bán hàng, khi bán được thì vui, còn khi ế thì buồn như chấu cắn. Bởi nghĩ tới tiền thuế, tiền thuê công quầy là ớn. Rồi tiền thuê kva – tức căn hộ, tiền học hành cho các cháu, tiền lo giấy tờ hộ khẩu, chi phí đi lại v.v…bao nhiêu là khoản?” Anh Xuân, anh Châu, anh Hưng…đều có cùng tâm sự trải lòng: “Gắn bó với nhau 27 năm qua trên đất Nga là niềm vui của chúng em, bởi khi xa quê thì cái tình đồng hương, đồng đội là nó quý lắm anh ạ!” Mấy chị Lý, Liễu, Thụy, Yến…thì cứ tủm tỉm: “Các ông ấy ngày nào mà không alô qua điện thoại hay gặp nhau ngoài chợ là bứt rứt lắm anh ơi!” Nhìn các ông bố bà mẹ nay đã U40, U50 cả rồi, mái tóc có người điểm vài sợi bạc, có người còn xanh nhưng nụ cười của họ vẫn tràn đầy niềm lạc quan, bởi con đường gập ghềnh khúc khuỷu mà họ đã đi, đang đi…dù sao cũng đã được đền bù! Còn nữa, nhìn những đứa trẻ khỏe mạnh xinh xắn học hành giỏi giang đang ngồi cười đùa vui vẻ ở kia là những món quà thượng đế ban tặng cho mỗi gia đình mà không có gì có thể quý hơn!

Được thấy các anh, các chị và các cháu quây quần thế này (dù hôm nay còn thiếu anh Túc, anh Năng vì bận việc gia đình ở Việt Nam không sang dự được, nhưng đã có hai người vợ đảm của các anh tại đây: chị Lý, chị Yến. Và còn nhiều chị, nhiều cháu vắng mặt vì bận) trong ngày kỉ niệm 27 năm đặt chân lên nước Nga, quả thật lòng tôi cũng thấy vui vui…Mong sao các anh các chị luôn luôn giữ trọn tình cảm quý báu này mãi mãi, giúp đỡ nhau lúc thường cũng như lúc hoạn nạn, gắn bó với nước Nga như quê hương thứ hai của mình.

Báo Nga


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề