Chuyện “chàng Down đi bán phở” khiến ai cũng giật mình suy nghĩ

Hải, một anh chàng mắc hội chứng Down cũng có một “văn phòng” để mỗi ngày được đến làm việc như một nhân viên mẫn cán, cần cù

Hàng ngày, bạn đến văn phòng của mình để làm công việc mà bạn yêu thích. Hải, một anh chàng mắc hội chứng Down cũng có một “văn phòng” để mỗi ngày được đến làm việc như một nhân viên mẫn cán, cần cù. “Văn phòng” của anh ngập ngụa mùi quế, mùi thịt bò, rau ngò, húng lủi… Một “văn phòng không giống ai”, bởi tại đây, anh được đối xử bình đẳng như tất cả mọi nhân viên bình thường khác.

Vào một ngày cách đây hai năm, tiệm phở nhỏ bé trong một con hẻm yên tĩnh ở quận Gò Vấp dường như sôi động hơn mọi khi. Người ta kháo nhau chuyện ông bà chủ tiệm phở phát 100 phiếu cơm chay miễn phí cho người nghèo, lang thang, cơ nhỡ. Họ đến đó, được ăn uống no nê, ra về trong hân hoan, và niềm tin tuyệt đối vào lòng tốt. Trong bao nhiêu người đến rồi đi ấy, có Hải. Anh là người duy nhất đến, nhưng không đi, mà quyết định ở lại tiệm phở để “làm việc”.

3 giờ sáng hôm ấy, khi ông chủ mở cửa dọn hàng, đã thấy một người đàn ông đứng chờ sẵn ở đó. Là Hải. Anh mặc một cái sơ mi trắng, quần kaki xắn trên mắt cá, chân đi đôi dép tổ ong đã mòn vẹt. Điều ngạc nhiên là, những món đồ anh mặc trên người tuy rất cũ, nhưng áo vẫn được bỏ vào quần tử tế, dường như sẵn sàng trong tư thế của một người đi xin việc. Anh lúng búng nói: “Cho Hải làm việc“, và rồi “Hải muốn làm việc!“. Từ đó, anh trở thành một “nhân viên” đặc biệt hơn tất cả mọi nhân viên mà quán phở từng tuyển dụng.

Bà chủ quán phở, một người phụ nữ xinh đẹp đã ngoài tứ tuần, mắt sáng lên khi kể về Hải: “Không ai bảo Hải đến phụ việc ở quán mình. Tự cậu thích thì cậu đến thôi. Tất nhiên là mình không dám giao việc gì cho cậu cả, cậu thấy bàn dơ thì cậu lau, chanh ớt tương mắm cậu đặt vào vị trí của nó. Mà phải đúng vị trí mới chịu. Ai để sai là cậu khóc, bắt để lại cho đúng. Nhân viên lau bàn qua loa là cậu mắng dữ lắm. Xong cậu lấy khăn ra lau lại, vuốt từng cạnh bàn sạch bóng. Khách đến cậu lăng xăng dắt xe, mời khách vào trong. Trẻ con thấy cậu không bình thường nên sợ. Cậu bảo, Hải đâu có làm gì đâu mà sợ?”.

Thật ra, với một anh chàng có Down, hạn chế về nhận thức, thì những việc họ làm không thể nào chỉn chu trọn vẹn như một người bình thường được. Khi quán đông khách, cậu bắt đầu luống cuống sợ hãi, cứ đi ra đi vô chụp cái này, lấy cái kia một cách vô thức. Những lúc ấy, sự có mặt của cậu đôi khi trở thành vướng víu và bất tiện cho mọi người. Nhưng ông bà chủ không quan tâm điều đó. Họ biết rằng không ai có thể đòi hỏi Hải phải làm việc một cách đàng hoàng tử tế như những người bình thường. Sự tử tế nhất ở cậu, chính là khát khao được lao động như bất cứ ai trong xã hội này, và ý thức “có làm thì mới có ăn” khiến cậu trở thành một anh chàng tự trọng hơn nhiều người may mắn có hình hài lành lặn khác.

Bà chủ kể, sáng Hải đến, quán pha sẵn li cà phê, cậu nhất quyết không uống. Đợi khi có khách rồi cậu mới hỏi xin li cà phê khi nãy. Ai cũng hiểu khi cậu chưa làm việc thì cậu chưa dám đòi quyền lợi cho mình, dù chỉ là li nước hay bát phở lót dạ. Quán thường trả lương cho nhân viên vào cuối tuần, cậu cũng mặc nhiên xem mình là nhân viên và chỉ nhận tiền từ cô bé kế toán, chỉ nhận tờ tiền có mảnh giấy kẹp lại bên ngoài giống như mọi nhân viên khác trong quán. Tiền không có mảnh giấy kẹp bên ngoài, cậu bảo cái này là của bà chủ cho chứ không phải “lương”.

“Đi làm” và “nhận lương”, cậu vui lắm, hớn hở khoe hết người này đến người kia, dù đồng lương cậu cầm chỉ là một tờ tiền tượng trưng, thậm chí cậu còn không biết giá trị và cách sử dụng nó. Nhưng chắc chắn là cậu có được niềm hạnh phúc khi được cầm trên tay thành quả của một tuần làm việc, như bao nhiêu người bình thường xung quanh cậu.

20150817-012432-11880304_10153122082245748_1457876796_n_520x388

Có một điều ít ai biết, mà bản thân cậu có lẽ cũng không nhận thức được, rằng gia đình cậu thuộc hàng khá giả trong khu Xóm Mới. Ba mẹ cậu đã lớn tuổi, nhưng không thiếu tiền bạc của cải để cưu mang cậu suốt đời mà không cần cậu phải bươn chải nuôi thân.

Có lần thương cậu cứ 3g sáng là lại lồm cồm bò dậy “đi làm”, ba cậu thuê xe chở cậu lên trang trại của gia đình ở Đà Lạt để nghỉ ngơi, kết hợp chữa bệnh. Trong suốt một tháng đó, ngày nào cậu cũng khóc đòi về. Cậu bảo “Hải nhớ cô lắm, cho Hải về bán phở phụ cô đi“. Thuyết phục mãi không được, cho tiền cậu cũng không thèm, cuối cùng ba cậu đành phải kêu taxi chở cậu về.

Xe chạy về gần đến nhà rồi, ngang qua tiệm phở cả đoạn dài, cậu la bải hải “Dừng lại, dừng lại“. Xong cứ thế mà mở cửa xe, lao xuống, tay cầm cái va li nặng trịch, hớt hơ hớt hải chạy bộ một mạch đến thẳng tiệm phở. Chưa kịp nghỉ ngơi sau chặng đường dài hàng trăm cây số, cậu vội vàng đi đến chỗ để vật dụng cá nhân của mình, lấy ra nào cà vạt, nào mũ, nào bảng tên, mang vào chỉnh tề đâu ra đó.

Một nhân viên trong quán kể, khi Hải “đóng đủ bộ” như thế, nghĩa là cậu đã sẵn sàng để làm việc. Còn nếu thấy cậu lột từng món ra, cho vào túi ni lon đem cất, chấp nhận ăn mặc xuề xoà, nghĩa là cậu mệt rồi, cậu về nghỉ thôi. Hôm sau hết mệt cậu lại đến. Đều đặn như một chiếc đồng hồ.

Khi tôi bước ra khỏi “văn phòng” đậm mùi ngò gai, húng quế rất đặc trưng của Hải, cậu lăng xăng dắt giúp tôi chiếc xe, chỉ chỉ vào chiếc mũ bảo hiểm bắt tôi đội vào. Tôi mỉm cười cám ơn cậu. Dù có thể cậu không hiểu người khách trước mặt cậu vừa nói gì, và cậu càng không thể hiểu được cậu đã vừa nhen trong lòng tôi hay bất cứ ai đến tiệm phở này, một niềm tin về cuộc sống, về tình yêu thương, về trách nhiệm của mỗi người với cuộc đời mình, về cậu – một người không bình thường tự trọng hơn nhiều người bình thường khác…

Và một lời cám ơn dành cho Hải, với từng đó thứ, làm sao cho đủ? Nhưng chắc chắn là rất thật lòng.

Nguồn yan.vn 

 


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Có 3 phản hồi cho bài viết “Chuyện “chàng Down đi bán phở” khiến ai cũng giật mình suy nghĩ”:

  1. Hương Linda viết:

    Một anh chàng mắc hội chứng Down còn luôn ý thức. Vậy chúng ta hơn hẳn a ta nhưng ý thức lại chưa bằng. 1 câu chuyện tưởng như nhẹ nhàng nhưng sẽ làm thay đổi tất cả nếu ta có ý thức của 1 con ng.

  2. Chuyên Dương viết:

    Anh chúc em luôn mạnh khỏe và luôn vui vẻ. Đọc bài viết về em cảm động quá. Một người bị thiểu năng về trí tuệ nhưng tâm sáng như pha lê. Nhân cách của em đáng để những người lành lặn như anh phải học tập.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề