Chủ tịch nước giải đáp quan tâm của kiều bào về biển Đông

Chiều 26-9 tại New York (Hoa Kỳ), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc gặp gỡ thân mật với kiều bào, cán bộ Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc và bạn bè Mỹ.

Tại đây, bằng sự chân tình và thẳng thắn, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang giải đáp thấu đáo sự quan tâm của kiều bào, bạn bè Mỹ về biển Đông, quan hệ Việt – Mỹ và liên tục nhận được những tràng vỗ tay của cử toạ.

Từ cựu thù trở thành bạn bè

Sau khi thông báo các hoạt động của đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững cũng như những thành tựu của đất nước thời gian qua, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết ngày 28-9 theo giờ New York, Chủ tịch nước sẽ dự Hội nghị thượng đỉnh về các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc do Tổng thống Hoa Kỳ Obama và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đồng chủ trì.

“Tôi sẽ có bài phát biểu, trong đó sẽ thông báo cam kết mới của Việt Nam đóng góp cho sứ mệnh cao cả của lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế” – Chủ tịch nước nói.

Chủ tịch nước nêu rõ một trong những thách thức ngày càng nghiêm trọng đối với hòa bình, ổn định, phát triển tại khu vực Đông Nam Á và châu Á – Thái Bình Dương là giải quyết tranh chấp chủ quyền tại biển Đông.

Đặc biệt, việc Trung Quốc tiến hành các hoạt động cải tạo đảo, đá với quy mô lớn tại Trường Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, tuyên bố về cư xử tại biển Đông (DOC) đang gây quan ngại cho hầu hết các nước.

Chủ tịch nước khẳng định Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân trong nước luôn kiên định và quyết tâm bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, bảo vệ hòa bình, ổn định, giải quyết tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982, thực hiện DOC và tiến tới bộ quy tắc ứng xử COC.

“Tôi rất mong bà con và bạn bè Hoa Kỳ ủng hộ lập trường chính nghĩa trên đây của Việt Nam”- Chủ tịch nước nói.

Ông John McAuliff (Giám đốc quỹ Hòa giải và phát triển Hoa Kỳ) nêu câu hỏi, trong những năm 1960 và 1970, Việt Nam kêu gọi nhân dân Mỹ ủng hộ Việt Nam bằng cách chống lại đường lối chiến tranh của Chính phủ Mỹ tại Việt Nam, đến năm 2015 thì Việt Nam lại mong muốn nhân dân Mỹ ủng hộ việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông bằng cách kêu gọi sự hợp tác và tăng cường hiện diện của Mỹ trong khu vực? Vậy ngài Chủ tịch nước có bình luận gì về vấn đề này?

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói câu hỏi vừa nêu có hai phần quá khứ và hiện tại. Về quá khứ thì chắc là những ai ngồi trong hội trường này đều không muốn đã xảy ra như vậy.

Chủ tịch nước kể lại, trong chuyến thăm Hoa Kỳ năm 2013, Chủ tịch nước đã trao cho Tổng thống Obama bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Hoa Kỳ Harry Truman vào tháng 2-1946 mong muốn thiết lập hợp tác đầy đủ giữa hai nước. Rất tiếc là lịch sử đã không đi theo hướng này.

Tổng thống Obama có bình luận với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là rất tiếc lịch sử đã không đi đúng hướng. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng trao đổi lại với Tổng thống Obama rằng “chúng ta từ nay về sau phải đi đúng hướng, ông có nhất trí không”. Tổng thống Obama nói “đồng ý”.

Tiếp tục giải đáp vấn đề quan tâm của ông John McAuliff, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói hiện nay Việt Nam và Hoa Kỳ là đối tác toàn diện, đã bình thường hóa  quan hệ 20 năm qua, “Chắc chắn các bạn đã nhìn thấy rõ trong đời sống hàng ngày cũng như trên mặt báo, không thấy ai dùng chữ kẻ thù mà thường dùng chữ bạn bè, đó là điều mà hai dân tộc chúng ta mong muốn”, Chủ tịch nước nói.

Chủ tịch nước khẳng định quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa là lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc Việt Nam, Việt Nam nỗ lực tối đa để bảo vệ chủ quyền của mình và mong muốn cộng đồng quốc tế thấu hiểu sự thật này, Việt Nam kêu gọi không chỉ Hoa Kỳ và tất cả các nước trên thế giới luôn đứng về lập trường chính nghĩa của Việt Nam.

Chủ tịch nước chia sẻ một câu chuyện: “Có một nhà lãnh đạo nước ngoài đến thăm Việt Nam, hỏi rằng ông bình luận như thế nào về sự hiện diện của nước A, nước B tại vùng Đông Nam Á. Tôi trả lời rằng không chỉ nước A, nước B mà cần rất nhiều nước cũng có quan điểm giống nước A, nước B đó có mặt tại Việt Nam và Đông Nam Á, miễn là họ mang đến hòa bình, hữu nghị, tôn trọng độc lập, chủ quyền của Việt Nam”.

Hội nghị San Francisco đã công nhận chủ quyền của Việt Nam

Trả lời câu hỏi của một kiều bào về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Chủ tịch nước nói những câu hỏi về Hoàng Sa – Trường Sa là những câu hỏi thấm đượm vào trái tim của hơn 90 triệu đồng bào trong và ngoài nước.

Người Việt Nam ta đều nhớ rõ hai thời điểm Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa, lần gần nhất là trước năm 1975. Trung Quốc cũng chiếm đóng phi pháp 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

“Tổ tiên chúng ta đã thực hiện việc quản lý công khai hai quần đảo này, không phải bằng vũ lực mà bằng những biện pháp hòa bình, hoạt động dân sự khai thác hải sản ở đó từ lâu đời rồi” – Chủ tịch nước nhấn mạnh, và nhắc đến việc trên đất Hoa Kỳ vào năm 1951 tại thành phố San Francisco đã diễn ra một hội nghị quốc tế quan trọng, công nhận chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

Chủ tịch nước một lần nữa nhắc lại Việt Nam đã nhiều lần tuyên bố với thế giới Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam đã nỗ lực tối đa trong những năm qua để đấu tranh bảo vệ chủ quyền của mình theo đúng luật pháp quốc tế và luật pháp trong nước.

Chủ tịch nước nói điều quan trọng với nước ta là dựa vào luật pháp quốc tế và cộng đồng quốc tế. Tất cả những vấn đề liên quan đều được đưa ra bàn thảo trong chương trình chính thức của ASEAN và các diễn đàn quốc tế mà Việt Nam tham gia.

“Ngay tại hội nghị thượng đỉnh LHQ về phát triển bền vững lần này, chúng tôi cũng tranh thủ diễn đàn để nói lên tiếng nói của Việt Nam về những biện pháp giữ gìn hòa bình và bảo vệ chủ quyền” – Chủ tịch nước khẳng định.

Trong cuộc gặp gỡ, Chủ tịch nước cũng đã dành thời gian giải đáp sự quan tâm của cử toạ các vấn đề về biến đổi khí hậu, thực hiện hòa giải thông qua những đóng góp thiết thực của kiều bào vào quá trình phát triển đất nước…

Kết thúc cuộc gặp, Chủ tịch nước nán lại hồi lâu để thăm hỏi, trò chuyện thân mật với kiều bào và bạn bè Hoa Kỳ.

Đầu tư cho nông thôn để thu hẹp khoảng cách giàu – nghèo

Ngày 26-9, trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh LHQ thông qua chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, đã diễn ra sự kiện cấp cao về mô hình phát triển nông thôn mới và cộng đồng bền vững do Chương trình Phát triển LHQ (UNDP), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Hàn Quốc tổ chức.

Tổng Thư ký LHQ, Tổng thống Hàn Quốc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước Lào, Tổng thống Peru, Tổng thống Rwanda, Tổng Giám đốc UNDP và Tổng Thư ký OECD được mời là diễn giả chính tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững đã phản ánh khát vọng về một thế giới không còn đói nghèo.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, do ba phần tư số người nghèo đói hiện sống ở nông thôn và hầu hết làm nông nghiệp, Việt Nam đã ủng hộ mạnh mẽ việc đưa vào Chương trình nghị sự 2030 mục tiêu “tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng nông thôn, cho các nghiên cứu và dịch vụ khuyến nông, phát triển công nghệ, các ngân hàng gien thực vật và vật nuôi để nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp ở các nước đang phát triển”, nhằm thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu, nghèo giữa nông thôn và thành thị.

Chủ tịch nước kêu gọi các nước đang phát triển cần có chiến lược phát triển nông thôn phù hợp với hoàn cảnh của mình do nguồn lực và ngân sách hạn hẹp.

Chủ tịch nước đã nêu bật kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới của Việt Nam, đặc biệt là cần có cam kết chính trị mạnh mẽ và sự tham gia tích cực của toàn xã hội, đồng thời coi trọng xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ nòng cốt ở các cấp, trang bị cho họ kiến thức cơ bản về nông thôn mới để công cuộc nông thôn được tiến hành nhanh hơn và tiết kiệm được nguồn lực mới.

Cuối cùng, Chủ tịch nước nhấn mạnh Việt Nam sẵn sàng tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm với các nước để cùng nhau phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững và bảo đảm sẽ “không ai bị bỏ lại sau”.

Theo TTO


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề