Chiến dịch Móng vuốt đại bàng – Nỗi xấu hổ của đặc nhiệm Mỹ

Năm 1980, đội đặc nhiệm lừng danh Delta xâm nhập Iran nhằm giải cứu 52 con tin, tuy nhiên sứ mệnh thất bại ngay trong lúc hành quân do chuẩn bị kém.
Kế hoạch giải cứu con tin đầy nguy hiểm
Theo Global Security, năm 1979, 52 nhà ngoại giao và công dân Mỹ bị bắt làm con tin tại Đại sứ quán Mỹ ở Tehran trong giai đoạn nổ ra Cách mạng Hồi giáo Iran.
Sau nhiều cuộc đàm phán không thành công, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter chỉ đạo Lầu Năm Góc tiến hành chiến dịch giải cứu.
Sứ mệnh mang mật danh Eagle Claw (Móng vuốt đại bàng) do thiếu tướng James B. Vaught chỉ huy.
Lực lượng đột kích chủ đạo là đội đặc nhiệm lừng danh Delta gồm 120 người. Bên cạnh đó, đội đặc nhiệm Ranger và Cơ quan tình báo trung ương CIA phối hợp hỗ trợ cho đội hình chính.
Theo kế hoạch, chiến dịch sẽ diễn ra trong 2 đêm. Đầu tiên, các máy bay sẽ xâm nhập không phận Iran và thiết lập một trạm trung chuyển mang mật sanh Sa mạc 1.
Tiếp đó, 8 trực thăng RH-53 chở đội Delta cất cánh từ tàu sân bay USS Nimitz. Các máy bay sẽ tiếp nhiên liệu tại Sa mạc 1 để bay đến điểm trung chuyển thứ 2 mang mật danh Sa mạc 2 cách Tehran 83,6 km.
Họ sẽ ngụy trang máy bay và chờ đến đêm để tiếp tục hành động. Các điệp viên CIA bên trong Iran sẽ đưa xe tải đến Sa mạc 2 chở lực lượng đột kích tiến về phía Đại sứ quán Mỹ ở Iran.
Vài phút trước diễn ra cuộc tấn công, một nhóm biệt kích sẽ cắt điện toàn khu vực nhằm làm chậm phản ứng của quân đội Iran.
Trong khi đội Delta tấn công vào đại sứ quán Mỹ, đặc nhiệm Ranger sẽ chiếm sân bay Manzariyeh cách 96 km về phía Tây Nam Tehran để dọn đường cho máy bay vận tải C-141 hạ cánh. Lực lượng Delta sẽ giải cứu các con tin và hẹn với trực thăng tại sân vận động Shiroudi.
Các trực thăng sẽ chở tất cả binh lính và con tin đến sân bay Manzariyeh, nơi máy bay C-141 chờ sẵn để di chuyển đến quốc gia thân với Mỹ.
Trong suốt quá trình diễn ra chiến dịch, phi đoàn CVW-8 thuộc tàu sân bay USS Nimitz và CVW-14 thuộc USS Coral Sea sẽ làm nhiệm vụ yểm trợ trên không.

Ngày đen tối của biệt đội Delta

Tối 20/4/1980, 6 máy bay vận tải C-130 rời căn cứ ở đảo Masirah, Oman và 8 trực thăng cất cánh từ tàu sân bay USS Nimitz hướng đến điểm Sa mạc 1. Khi đội hình đến điểm hẹn đầu tiên, 2 trực thăng gặp sự cố không thể tiếp tục hoạt động phải bỏ lại trên sa mạc.

Trong lúc đó, một chiếc xe tải buôn lậu xăng dầu của người dân địa phương vô tình lọt vào khu vực bố trí của đội. Biệt kích Ranger đã tấn công chiếc xe khi nó cố thoát khỏi khu vực do sợ lộ bí mật.

Bên cạnh đó, một xe buýt chở theo 43 người chạy qua tuyến đường mà nhóm tấn công sử dụng làm đường băng. Biệt kích Mỹ buộc phải giữ chiếc xe cùng toàn bộ hành khách. Nội bộ đội hình trở nên căng thẳng do nhiệm vụ có nguy cơ bị lộ.

Quá trình kiểm tra sơ bộ cho kết quả, chỉ có 5 trực thăng đủ khả năng chở người và thiết bị đến Sa mạc 2.

Các chỉ huy không thống nhất được với nhau về kế hoạch tiếp theo. Trung tá Edward R. Seiffert, chỉ huy đội trực thăng từ chối sử dụng trực thăng đã gặp sự cố về hệ thống thủy lực. Trong khi đó, đại tá Charlie Beckwith, chỉ huy đội Delta bác bỏ việc giảm quân số.

Ngoài ra, vị chỉ huy Delta cũng thất bại trong việc kết hợp thông tin tình báo từ một nguồn ngoại giao Canada cho kế hoạch thay thế trong trường hợp máy bay tiếp tục gặp sự cố.

Đại Tá James H. Kyle, chỉ huy đội máy bay vận tải nhận thấy, khả năng di chuyển thành công đến Sa mạc 2 rất thấp, vì yêu cầu ban đầu của kế hoạch phải đảm bảo ít nhất 6 trực thăng hoạt động tốt.

Ban chỉ huy chiến dịch thống nhất với nhau từ trước rằng, nếu số trực thăng giảm xuống dưới 6 sẽ hủy nhiệm vụ.

Điều tồi tệ là các chỉ huy đã không chuẩn bị một kế hoạch dự phòng trong trường hợp máy bay gặp sự cố khi hành quân. Thay vì thảo luận với để tìm giải pháp tối ưu hơn, ông đề nghị tướng James B. Vaught hủy nhiệm vụ.

Tướng Vaught đệ trình kiến nghị của các chỉ huy cấp dưới lên Tổng thống Carter và được chấp thuận. Các máy bay KC-130 sẽ tiếp nhiên liệu cho trực thăng để quay trở về căn cứ.

Do điều kiện đêm tối tầm nhìn hạn chế kết hợp với bụi cát, một trực thăng RH-53 đâm vào máy bay tiếp nhiên liệu khiến cả 2 nổ tung.

Vụ nổ khiến 8 người thiệt mạng, 4 trường hợp thương vong. Quả cầu lửa khổng lồ bùng cháy từ vụ nổ khiến quân đội Iran đổ dồn về phía đó. Toàn bộ đội hình buộc phải lên máy bay C-130 nhằm nhanh chóng rời khỏi khu vực.

Họ tháo chạy vội vã tới mức không kịp phá hủy máy bay và tài liệu liên quan, 5 trực thăng RH-53 còn nguyên vẹn bị bỏ lại hiện trường, Iran sau đó trưng dụng 2 chiếc, hiện vẫn còn hoạt động trong hải quân nước này.

Móng vuốt đại bàng, chiến dịch lớn đầu tiên của đội Delta kết thúc trong thảm họa. Cuộc điều tra sau đó cho thấy, việc lập kế hoạch, chỉ huy, kiểm soát của chiến dịch có vấn đề. Bên cạnh đó, Không quân Mỹ thiếu các phi công chuyên dụng cho các sứ mệnh bay đêm đặc biệt.

Ngoài ra, nhóm điều tra viên chỉ trích gay gắt việc sử dụng phương pháp tiếp nhiên liệu trên mặt đất trong điều kiện sa mạc chính là nguyên nhân dẫn đến thất bại.

Số trực thăng sử dụng cho nhiệm vụ quá ít, đáng lý nhóm tấn công phải sử dụng ít nhất 12 chiếc để đảm bảo 6 máy bay cần thiết cho sứ mệnh.

Ủy ban điều tra kết luận, Eagle Claw thất bại ngay từ việc lập kế hoạch, chuẩn bị lực lượng và đào tạo.

Theo Trí thức trẻ


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề