Chiến dịch Hồ Chí Minh: Trận quyết chiến chiến lược

Trải qua hơn một tháng liên tục tiến công và nổi dậy, quân và dân ta đã giành được những thắng lợi cực kỳ to lớn, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng quân sự và hệ thống chính quyền ngụy ở hai quân khu, quân đoàn địch, giải phóng 16 tỉnh, 5 thành phố cùng nhiều quân lỵ, chi khu, yếu khu quân sự. Còn địch bị mất lực lượng và phần đất ở quân khu 1, 2, đồng thời bị thu hẹp dần phạm vi chiếm đóng ở Nam Bộ, tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu gào thét “tử thủ” ở phần đất còn lại, địch tổ chức nhiều tuyến phòng thủ bảo vệ Sài Gòn, trong đó tập trung tăng cường hướng Bắc và Tây bắc. Về phía ta, với những thắng lợi lớn trong các chiến dịch và sự trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam, đây là điều kiện để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta thực hiện quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh, ta đã tập trung mọi lực lượng để mở chiến dịch, nhằm đánh vào đầu não và lực lượng quan trọng nhất của chính quyền và quân đội Sài Gòn, giải phóng Sài Gòn – Gia Định, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trên chiến trường, địch bố trí lực lượng có Quân đoàn 3 (gồm bốn sư đoàn bộ binh 22, 25, 5 và 18), sư đoàn thủy quân lục chiến, 2 lữ đoàn dù, 1 lữ đoàn kị binh thiết giáp, 3 liên đoàn biệt động quân, 19 tiểu đoàn pháo binh, 800 máy bay, 862 tàu hải quân cùng lực lượng bảo an, cảnh sát, phòng vệ dân sự.

Về phía ta, tham gia chiến dịch có 4 quân đoàn (1, 2, 3, 4) và Đoàn 232 (tương đương quân đoàn); tổng số lực lượng gồm 15 sư đoàn, 1 lữ đoàn và 4 trung đoàn bộ binh, 20 lữ đoàn, trung đoàn và 8 tiểu đoàn pháo binh, 3 lữ đoàn, trung đoàn và 6 tiểu đoàn tăng thiết giáp, 8 lữ đoàn, trung đoàn và 2 tiểu đoàn đặc công, 1 trung đoàn tên lửa, một bộ phận không quân, hải quân cùng lực lượng vũ trang địa phương và nhân dân trên địa bàn chiến dịch. Bộ Tư lệnh chiến dịch do đồng chí Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng làm Chính ủy.

Ngày 26-4, ta hình thành thế bao vây Sài Gòn từ 5 hướng: hướng Tây Bắc – Quân đoàn 3; hướng Bắc – Quân đoàn 1; hướng Đông Nam – Quân đoàn 2; hướng Đông – Quân đoàn 4; hướng Tây và Tây Nam – Đoàn 232 và Sư đoàn 8 (Quân khu 8). Đúng 17 giờ ngày 26-4, chiến dịch bắt đầu. Từ ngày 26 đến ngày 28-4, ta đột phá tuyến phòng thủ vòng ngoài, đánh chiếm nhiều mục tiêu quan trọng: Long Thành, Trảng Bom, Nhơn Trạch, thị xã Bà Rịa…; cắt đứt hoàn toàn đường 4 từ Sài Gòn đi các tỉnh miền Tây; chế áp, làm tê liệt các sân bay Biên Hòa, Tân Sơn Nhất. Ngày 29-4, ta tiêu diệt các tập đoàn phòng ngự chủ yếu của địch ở vòng ngoài và vùng ven, đánh chiếm các căn cứ Nước Trong, Long Bình, Thành Tuy Hạ, Đồng Dù, thị xã Hậu Nghĩa…. Sáng ngày 30-4, tổng công kích vào nội thành Sài Gòn, nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm các mục tiêu then chốt: Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu, Biệt khu Thủ Đô, Tổng nha cảnh sát…; đến 11 giờ 30 phút, ta chiếm dinh Độc Lập, bắt toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn, buộc tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Cùng với đòn tiến công quân sự, nhân dân nội thành, ngoại thành Sài Gòn nổi dậy giành chính quyền ở 107 điểm. Nắm vững thời cơ chiến lược, ngày 1-5, quân và dân Khu 8, Khu 9 tiến công và nổi dậy, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng còn lại của địch ở đồng bằng sông Cửu Long, giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam.

Kết quả, ta tiêu diệt, làm tan rã khoảng 250.000 tên địch, gồm 7 sư đoàn bộ binh, 5 lữ đoàn dù, kị binh thiết giáp, pháo binh, 4 sư đoàn không quân… thu 500 khẩu pháo, trên 400 xe tăng, xe bọc thép, 800 máy bay, 600 tàu chiến, 3.000 xe quân sự, 270.000 khẩu súng các loại; giải phóng TP Sài Gòn – Gia Định và các tỉnh Tân An, Gò Công, Hậu Nghĩa, Tây Ninh, Bình Dương, Biên Hòa, Long Khánh, Bà Rịa.

Nhân dân Sài Gòn nô nức đổ ra đường đón Quân giải phóng. Ảnh tư liệu.

Nhân dân Sài Gòn nô nức đổ ra đường đón Quân giải phóng. Ảnh tư liệu.

Chiến dịch Hồ Chí Minh là một điển hình về hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, các binh chủng, quân chủng, sự kết hợp trên quy mô lớn giữa tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng; đòn quyết chiến chiến lược táo bạo, kịp thời, chính xác, kết thúc chiến tranh. Đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đi tới thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Việc tạo thời cơ, nắm bắt và tranh thủ thời cơ phụ thuộc rất lớn vào thế và lực của ta trên chiến trường. Vì thế, trước khi bước vào chiến dịch, ta đã có một thế trận chiến tranh nhân dân phát triển đến trình độ cao. Đó là thế trận của hai lực lượng, ba thứ quân, thế trận bảo đảm cho thực hiện hai đòn tiến công chiến lược là tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng. Bằng một loạt các hoạt động quân sự của ta trước chiến dịch, ta đã tạo được thế bao vây chia cắt Sài Gòn, lập được hành lang chiến lược nối từ hậu phương trực tiếp đến chiến trường, hành lang đó ngày càng được mở rộng và hoàn chỉnh. Các lực lượng ba thứ quân của ta đã đứng chân được ở những vị trí xung yếu. Về lực, với thắng lợi của các đòn quân sự trước chiến dịch trên toàn miền, ta đã làm suy giảm lực lượng địch bằng những trận tiêu diệt lớn (địch đã bị thiệt hại tới 35% quân số, 40% cơ sở hậu cần, 40% binh khí kỹ thuật). Ta đã thực hiện chia cắt chiến lược giữa đồng bằng Sông Cửu Long và Sài Gòn. Do có ý đồ chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược từ trước nên ta đã xây dựng được các binh đoàn chủ lực mạnh.

Về so sánh lực lượng địch, lúc này, ta đã đạt tỉ lệ áp đảo 1,7/1 với chủ lực và 3/1 với số đơn vị tập trung. Về binh khí kỹ thuật, ta đã tập trung được 516 khẩu pháo mặt đất, 550 tên lửa và pháo phòng không, 1 đại đội máy bay A37, 320 xe tăng, xe thiết giáp, 1.600 xe kỹ thuật chiến đấu, hơn 10.000 xe vận tải, 60.000 tấn vật chất (15.000 tấn đạn). Về lực lượng nổi dậy, ta đã tăng cường 1.700 cán bộ cho vùng ven và nội thành, có hơn 1.200 đảng viên và 10.000 quần chúng nòng cốt, 40 vùng lõm chính trị với 7.000 quần chúng làm chủ có mức độ, 400 tổ chức công khai với 25.000 người do ta nắm. Rõ ràng, cả thế và lực ta đều áp đảo địch.

Từ nghiên cứu kỹ thực tế chiến trường, Bộ Tư lệnh chiến dịch đã đi đến kết luận đúng về hai đối tượng tác chiến chủ yếu của chiến dịch là các sư đoàn chủ lực của chúng bố trí ở vòng ngoài và cơ quan đầu não về quân sự chính trị ở nội đô. Hai đối tượng này có quan hệ mật thiết với nhau, đối tượng thứ nhất bị tiêu diệt sáng tạo, đó là kết hợp với thế trận đã được chuẩn bị trước, hình thành thế trận hợp vây lớn, chia cắt hiểm, kết hợp chặt chẽ và phát huy cao độ uy lực của các binh đoàn chủ lực, của lực lượng vũ trang tại chỗ và nổi dậy của quần chúng. Dùng từng bộ phận lực lượng thích hợp trên từng hướng, đủ sức bao vây chia cắt, chặn giữ quân địch lại, không cho chúng rút chạy về Sài Gòn. Tiêu diệt và làm tan rã tại chỗ các sư đoàn bộ binh phòng thủ vòng ngoài của địch; đồng thời sử dụng một lực lượng chủ lực cùng lực lượng tại chỗ đánh chiếm các địa bàn then chốt ở vùng ven, mở đường cho các binh đội được cơ giới hóa và trang bị mạnh, đánh địch trong hành tiến, thọc sâu theo các trục đường, nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu chủ yếu, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ tập đoàn phòng ngự lớn của địch tại trung tâm đầu não của chúng.

Chiến dịch Hồ Chí Minh cũng là một điển hình về sự hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, cả binh chủng và quân chủng, sự kết hợp trên quy mô lớn ba mũi giáp công, tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng. Chiến dịch Hồ Chí Minh – chiến dịch tiến công quy mô lớn nhất của ta, thực sự là đỉnh cao của nghệ thuật chiến dịch tiến công hiệp đồng quân binh chủng, bước phát triển nhảy vọt lớn nhất về sức mạnh và nghệ thuật chiến đấu của toàn quân và toàn dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Có 1 phản hồi cho bài viết “Chiến dịch Hồ Chí Minh: Trận quyết chiến chiến lược”:

  1. Hoàng Lan viết:

    Vũ khí mà không quân đội nào có được của chúng ta đó chính là sức mạnh của ý chí và sự đoàn kết toàn dân.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề