“Cậu Thủy” đã lừa hàng tỉ đồng như thế nào?

Ngày 16/10, tại thành phố Đông Hà (tỉnh Quảng Trị), TAND tỉnh Quảng Trị đã mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án “cậu Thủy” và đồng phạm làm giả hài cốt liệt sĩ.

Các bị cáo bị đề nghị truy tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Xâm phạm mồ mả, hài cốt”, gồm: Nguyễn Văn Thúy (tức “cậu Thủy”, SN 1959, trú tại huyện Yên Phong, Bắc Ninh), Mẫn Thị Duyên (SN 1962, vợ Thúy), Mẫn Đức Phương (SN 1978, em ruột Duyên, trú huyện Yên Phong, Bắc Ninh), Nguyễn Trường Sơn (SN 1978, con rể Duyên, trú huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) và Nguyễn Anh Chiều (SN 1983, con rể Duyên, trú huyện Đông Anh, Hà Nội).

Nguyễn Văn Hoành (SN 1969, em ruột Thuý, trú tại huyện Tiên Du, Bắc Ninh) bị truy tố tội “Trộm cắp tài sản” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Xâm phạm mồ mã, hài cốt”. Riêng Vũ Đức Chung (SN 1946, trú tại huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum, là nhân viên quản trang tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Đăk Tô) bị truy tố về tội “Xâm phạm mồ mả, hài cốt”.

Lừa đảo chiếm đoạt trên 8 tỷ đồng

Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Quảng Trị, sau khi nhận được thông tin của tổ chức và các gia đình thân nhân liệt sĩ có nhu cầu tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, vào khoảng cuối tháng 11/2010 đến ngày 25/3/2013, Thúy và các đồng phạm đã có hành vi dùng xà cày cạy phần thân mộ lấy khoảng 20 bộ hài sốt liệt sĩ tại các Nghĩa trang Liệt sĩ (NTLS) huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) và NTLS huyện Gio Linh (Quảng Trị) khoảng 20 bộ hài cốt liệt sĩ; NTLS Hương Điền (huyện Phong Điền, Thừa Thiên – Huế) 20 bộ hài cốt liệt sĩ; NTLS xã Hải Trường và NTLS huyện Hải Lăng (Quảng Trị) nhiều lần khoảng 9 đến 10 bộ hài cốt liệt sĩ; mua hài cốt liệt sĩ tại NTLS huyện Đắk Tô (tỉnh Kon Tum).

"Cậu Thủy" được lực lượng công an áp giải đến hầu tòa sáng 16/10

“Cậu Thủy” được lực lượng công an áp giải đến hầu tòa sáng 16/10

Sau đó, Thúy chỉ đạo các đồng phạm chia hài cốt, khắc giả đồ vật và làm giả hiện trường nơi có chôn cất 105 liệt sĩ, nhằm làm cho tổ chức và gia đình thân nhân liệt sĩ tin Thúy có khả năng tìm kiếm cất bốc hài cốt liệt sĩ, thông qua lĩnh vực tâm linh dưới danh nghĩa “nhà ngoại cảm” để chiếm đoạt trên 8 tỷ đồng. Trong đó, Thúy và đồng phạm chiếm đoạt của Công đoàn Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam 7 tỷ đồng, chiếm đoạt của 11 thân nhân gia đình liệt sĩ trên 1 tỉ đồng và chiếm đoạt của thân nhân cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam 115 triệu đồng.

Ngoài thực hiện hành vi cùng các đồng phạm, Nguyễn Văn Hoàng đã có hành vi lén lút lấy trộm 1 máy tính xách tay, 1 dây nguồn máy tính và 1 con chuột máy tính của Nguyễn Duy Hân trị giá trên 8,6 triệu đồng.

Cáo trạng của Viện KSND tỉnh Quảng Trị nêu rõ, Nguyễn Văn Thúy và Mẫn Thị Duyên là những đối tượng đã từng phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Sau khi chấp hành xong án phạt trở về sinh sống tại huyện Yên Phong (Bắc Ninh) tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội bằng thủ đoạn lợi dụng lòng tin của tổ chức và người có nhu cầu tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, làm cho họ tin tưởng Thúy và Duyên có khả năng tìm kiếm cất bốc hài cốt liệt sĩ thông qua lĩnh vực tâm linh dưới danh nghĩa “nhà ngoại cảm” nhằm chiếm đoạt tài sản.

Sự tinh vi và độc ác của “cậu Thủy” cùng đồng bọn

Để thực hiện hành vi, Thúy tự xưng là “nhà ngoại cảm có khả năng tìm thấy hài cốt”. Kể từ năm 2008, Thúy bắt đầu tìm kiếm hài cốt, mồ mả cho những gia đình có nhu cầu tìm kiếm, quy tập hài cốt, mồ mả bị thất lạc. Vợ chồng Thúy và Duyên đã rủ Hoành, Phương, Chiều và Sơn cùng tham gia thực hiện hành vi phạm tội. Khi có người liên hệ nhờ Thúy tìm kiếm mồ mả, hài cốt, Thúy chỉ cần lấy tiểu sành cũ đưa chọn làm giả nơi có mộ. Nhiều khi tìm kiếm Thúy cố tình nói cho người chứng kiến nghe để tạo lòng tin.

Mẫn Thị Duyên (vợ "cậu Thủy, áo Hồng)

Mẫn Thị Duyên (vợ “cậu Thủy, áo Hồng)

Thời gian đầu, Thúy chủ yếu làm cho “có tiếng” chứ chưa ra giá mà do các gia đình tự nguyện chi trả. Thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội của Thúy và Duyên là khi thân nhân của liệt sĩ hy sinh có nhu cầu tìm kiếm hài cốt thì Thúy yêu cầu cung cấp các thông tin liên quan đến liệt sĩ (họ tên, quê quán, đơn vị chiến đấu, thời gian và địa điểm hy sinh…), thỏa thuận giá cụ thể với họ; trong đó phải đặt tiền trước cho Thúy từ 10 – 15 triệu đồng (gọi là Lễ trình) khi nào tìm kiếm được hài cốt thì Thúy sẽ điện báo và hẹn thời gian, địa điểm, tổ chức cất bốc. Sau khi hoàn thành việc tìm và cất bốc hài cốt, phải đưa tiếp cho Thúy từ 100 triệu đồng trở lên (gọi là Lễ tạ).

Để phục vụ cho việc làm đó, Duyên đã đứng ra mở 2 tài khoản tại ngân hàng để phục vụ cho việc nhận tiền của các cá nhân, tổ chức có nhu cầu tìm kiếm. Sau khi thỏa thuận và có thông tin liệt sĩ của gia đình người thân, thì vào ban ngày, Thúy và Duyên đưa cả nhà đến NTLS ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế thắp hương giả vờ là khách viếng Nghĩa trang để quan sát tìm chọn khu vực mộ và hướng dẫn cho Hoành, Chiều, Phương và Sơn đêm xuống mang theo dụng cụ vào đó lấy trộm hài cốt.

Dưới dự chỉ đạo của Thúy – Duyên, Hoành, Chiều, Phương, Sơn đã lấy trộm khoảng 70 bộ hài cốt của các Liệt sĩ chưa biết tên của các liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ tại Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế… Sau lấy được hài cốt, Hoành, Sơn, Phương, Chiều bỏ vào xô nhựa do Duyên mua mang theo rồi đưa vào chôn tập kết tại khu vực đất cát cạnh Cây xăng dầu Ngô Đồng 3 (xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, Quảng Trị) để khi cần thì lấy đưa đi chôn làm giả vị trí có chôn cất liệt sĩ để lừa cá nhân và tổ chức có nhu cầu “tìm kiếm, khi quật, cất bốc” nhằm chiếm đoạt tiền của tổ chức, cá nhân.

Để tạo lòng tin lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thúy – Duyên tìm mua đồ dùng cũ như: bi đông, ăng gô, dép cao su, mũ cối, ngôi sao, cúc áo của bộ đội… Thúy và Phương trực tiếp khắc một số thông tin của một số liệt sĩ lên bi đông, ăng gô… Ngoài ra, Duyên, Phương, Hoành còn lấy đất đen ở gần các khu công nghiệp để rải chung cùng với xương cốt, đồ vật khắc tên liệt sĩ khi làm giả hiện trường nơi chôn cất liệt sĩ tại các địa phương đã chôn xương cốt cùng đồ vật khắc tên liệt sĩ.

Trước khi làm giả hiện trường chôn cất các hài cốt liệt sĩ mà thân nhân cần tìm, Duyên đưa hài cốt (đã lấy trộm) từ vị trí tập kết về tại nơi nghỉ và cùng Sơn chia hài cốt thành các nhóm xương, rồi bỏ vào các túi bóng khác nhau. Để tiện cho việc đi lại làm giả một tập thể, khi đến địa bàn nào thì Duyên tìm mua 1 xe máy cũ, giao cho Phương, Hoành và Sơn sử dụng đi làm giả hiện trường trong đêm và sau mỗi lần làm xong Duyên bán lại xe máy cho cửa hàng nơi mua. Việc đào hố chôn hài cốt liệt sĩ với kích thước lớn bé, vị trí đầu, chân, di vật có tên liệt sĩ đặt vào hố nào… đều do Thúy – Duyên hướng dẫn, vẽ sơ đồ giao cho Hoành, Phương và Sơn thực hiện.

Các bị cáo trong vụ án "cậu Thủy" đang "an tọa" trước khi diễn ra phiên xét xử sáng 16/10

Các bị cáo trong vụ án “cậu Thủy” đang “an tọa” trước khi diễn ra phiên xét xử sáng 16/10

Khi đào hố, Hoành, Sơn, Phương sử dụng tấm vải đặt bên cạnh và lấy đất trong hố đào bỏ vào đó, không cho rơi vãi ra ngoài làm xáo trộn hiện trường, sử dụng môi múc canh múc đất để tạo hình sọ người, sống lưng và rải 1 lớp đất đen mang theo xuống dưới hố, sắp xếp hài cốt xuống hố theo hình người, rồi đặt đồ vật xuống và rải 1 lớp đất đen lên xương cốt, đồ vật và để đất gắn kết chặt lại, dùng nước đổ vào để kết dính giữa đất đen và xương, rồi chúng lấp đất, dùng chân nện cứng và rải nước để ngụy trang bề mặt.

Sau khi làm giả nơi có hài cốt liệt sĩ cần tìm, Thúy gọi điện thông báo thời gian, địa điểm cho các cá nhân và tổ chức có nhu cầu tìm kiếm biết. Đồng thời, Thúy và đồng phạm đi xe ô tô đến các địa điểm làm giả nơi có hài cốt liệt sĩ để gặp và tiến hành thắp hương làm lễ để đưa người nhà của gia đình liệt sĩ hoặc của cán bộ tổ chức thuê tìm kiếm đi đến vị trí đã chôn cất sẵn. Thúy cho cắm hương xác định vị trí có xương cốt, đồ vật đã làm giả và chờ đến chiều tối hoặc đêm xuống mới cho tiến hành khai quật.

Để tránh sự phát hiện những sai sót mà đồng phạm đã làm trước đó, khi khai quật, Duyên là người trực tiếp cuống cất bốc hài cốt. Thúy còn cho Chiều hoặc Phương sử dụng camera ghi lại đưa về biên tập, dàn dựng ghi thành đĩa VCD và bán lại cho nhiều người, nhằm đưa ra các thông tin Thúy có trường khả năng ngoại cảm với nhiều người để nhờ Thúy tìm kiếm hài cốt người thân. Để đề phòng bị phát hiện, Thúy luôn mang theo 2 giấy báo tử và Bằng Tổ quốc ghi công của 2 anh trai mình là liệt sĩ khi trộm hài cốt và làm giả hiện trường, nơi chôn cất các hài cốt liệt sĩ. Với thủ đoạn trên, Thúy, Duyên và các đồng phạm đã nhiều lần làm giả nơi có chôn cất liệt sĩ ở tại các tỉnh Quảng Trị, Đắk Lắk, Bình Phước để lừa tìm có hài cốt liệt sĩ nhằm chiếm đoạt tài sản của tổ chức và cá nhân.

Tổng cộng, nhóm “cậu Thủy” đã trộm được khoảng 70 bộ hài cốt của các liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ tại Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế. Tuy nhiên, trong đợt phối hợp “tìm kiếm, cất bốc” hài cốt liệt sĩ tại thôn Lâm Xuân, xã Gio Mai, huyện Gio Linh (Quảng Trị) vào tháng 7/2013, “cậu Thủy” cùng các đồng phạm bị phát hiện có dấu hiệu làm giả hài cốt. Cơ quan điều tra vào cuộc đã chứng minh các hài cốt mà “cậu Thủy” đã cất bốc đều là giả.

Mở rộng điều tra, xác định ngoài việc làm giả nơi chôn liệt sĩ tại Quảng Trị, thì Thúy – Duyên và các đồng phạm còn thực hiện hành vi phạm tội tương tự tại tỉnh Đắk Lắk và Bình Phước. Trong đó, ngoài lấy trộm hài cốt liệt sĩ chưa biết tên tại Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế, “cậu Thủy” cũng đã móc nối với cán bộ quản trang NTLS huyện Đắk Tô (Kom Tum) là Vũ Đức Chung và đưa cho Chung 30 triệu đồng để Chung cho lấy hài cốt tại một số ngôi mộ chưa biết tên.

Cáo trạng cũng xác định, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam là nạn nhân của “cậu Thủy”. Từ cuối năm 2012 đến giữa 2013, ngân hàng này đã phối hợp với “cậu Thủy” tiến hành 4 đợt “tìm kiếm cất bốc” hài cốt liệt sĩ tại Bình Phước, Đắk Lắk, Quảng Trị. Tổng số hài cốt liệt sĩ tìm được trong 4 đợt này hơn 100 bộ. Mỗi bộ hài cốt tìm được phía ngân hàng này trả cho “cậu Thủy” 75 triệu đồng.

Hoàng Hải (Theo Giao Thông)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề