Câu chuyện về ‘Nhà giáo trẻ tiêu biểu’ 6 năm liên tục của Thành phố HCM

Thạc sĩ Võ Trung Tín – hiện là giảng viên của trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, chuyên ngành Luật môi trường trực thuộc khoa Luật Thương Mại, thầy liên tục được rất nhiều giải thưởng, tiêu biểu là “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” 6 năm liên tục của Thành phố.

Có thể nói, trong quá trình giảng dạy tại trường cũng như tham gia các hoạt động công tác đoàn cũng như hoạt động xã hội, Thầy liên tục được rất nhiều giải thưởng, tiêu biểu là “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” 6 năm liên tục của Thành phố, bằng khen của Ủy ban nhân dân Tp. HCM về tham gia tình nguyện, về cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Kỷ niệm chương Vì thế hệ trẻ và các Bằng khen của Trung ương Đoàn về thành tích trong công tác Đoàn và phong trào sinh viên nhiều năm.

Ngoài ra Thầy còn là người đề xuất quỹ học bổng mang tên “San sẻ yêu thương” – quỹ này chính thức được khởi động từ tháng 9/2012. Chia sẻ về lý do vì sao thành lập quỹ học bổng này, Thầy Tín tâm sự : “Sinh viên – đặc biệt là các sinh viên học xa nhà, thường gặp phải những hoàn cảnh khó khăn đột xuất như tai nạn, ốm đau.

Xuất phát từ hoàn cảnh đó, quỹ “San sẻ yêu thương” được lập ra nhằm hỗ trợ sinh viên những lúc khẩn cấp như vậy. Quỹ này hoạt động chủ yếu dựa vào các nguồn từ cựu sinh viên của Trường và bên cạnh đó còn may mắn là được nhận sự ủng hộ, giúp đỡ của những mạnh thường quân ngoài trường . Cho đến nay, Quỹ đã giúp đỡ trực tiếp khoảng 100 triệu tiền mặt cho các em sinh viên gặp tai nạn.”

Thầy Tín chia sẻ về lý do vì sao chọn con đường giảng viên đó là vì Thầy Tín được sinh ra trong một gia đình mà cả Ba, Mẹ đều là giáo viên (đặc biệt là Mẹ – Cô giáo đầu tiên dạy lớp 1) cho nên có thể nói hình ảnh “Người thầy” đầu tiên rất thiêng liêng và cao đẹp.

Do đó, thầy Tín quyết định theo con đường mà ba mẹ thầy Tín đã chọn. Còn về cơ duyên trở thành giảng viên của trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh thì thầy tâm sự : “Khi học đại học, chuyên ngành của mình là Luật Thương mại. Ngày tốt nghiệp vì lời khuyên của cô giáo mà mình rất kính trọng rằng mình nên đăng ký ở lại trường vì thế mà sau một hồi suy nghĩ bên cạnh việc trao đổi với gia đình, mình quyết định xin ở lại trường.

Mình lựa chọn giảng môn luật môi trường vì đây là môn mới, ít có người nghiên cứu. Cả khóa luận tốt nghiệp đại học, luận văn cao học và luận án tiến sĩ mình đang làm đều liên quan đến Luật môi trường. Mình nghĩ, song hành cùng kinh tế, môi trường cũng cần được quan tâm không kém. Nhưng đúng là hiện nay chúng ta chỉ tập trung phát triển kinh tế, nên vấn đề môi trường trở thành thứ yếu.

Mình chọn môn này còn vì nó mới, các văn bản về luật này tại Việt Nam vẫn chưa hoàn chỉnh, và kiến thức về môn này luôn đổi mới liên tục, có nhiều thứ để đào sâu và đòi hỏi chúng ta phải liên tục cập nhật.”

Nói về những người Thầy cô để lại trong lòng thầy Tín ấn tượng sâu nặng nhất thì thầy chia sẻ : “Người Thầy đầu tiên đó là Mẹ vì Mẹ cũng chính là cô giáo dạy mình năm lớp mình. Có kỷ niệm vui mà không sao mình quên được là khi học lớp 1 với Mẹ, vô lớp, lúc phát biểu hay giơ tay và kêu: “Con, Mẹ!”.

Về nhà bị Mẹ la: “Vô lớp phải gọi Cô chứ không được gọi Mẹ!”. Mẹ rất nghiêm khắc! Học sinh nào làm biếng sẽ bị khẻ tay, kể cả con trai. Người thứ hai có lẽ là Cô giáo Cô giáo Trần Thị Quang Vinh. Mình biết Cô khi bắt đầu vào học năm 3 chuyên ngành.

Cô lúc đó là Trưởng Khoa, và phụ trách môn Luật Hình Sự. Chính Cô là người giúp mình hiểu rõ hơn thế nào là “cấu thành tội phạm”, “hình phạt”, “tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng”,… thay vì trước đó, chỉ suy nghĩ đơn giản là “có tội thì đi tù”. Những lớp Cô giảng, sinh viên chúng mình bao giờ đi học cũng rất đông.

Cô có phương pháp giảng rất dễ hiểu, lại lồng ghép các vụ việc mang tính thực tiễn, nên kết thúc giờ học, hầu như chúng mình đều nắm nội dung chính của bài học. Không chỉ là người giảng dạy về kiến thức chuyên môn, Cô còn là người rất gần gũi và chia sẻ nhiều câu chuyện liên quan đến tình cảm và cuộc sống với sinh viên.”

Có thể nói Thầy Tín là một trong những giảng viên được nhiều thế hệ học sinh yêu mến vì sự gần gũi của mình. Vì Thầy Tín rất hay tham gia liên hoan cùng với các học trò cũ khi họ tổ chức họp. Thầy còn thích nghe các em kể về sự thành công của bản thân, từ đó chính thầy cũng tác động không ít để các em tiếp tục hỗ trợ cho những sinh viên khóa sau.

Thầy Tín hay dùng facebook của mình như môt nơi để có thể chia sẻ những vấn đề trong học tập, cuộc sống, hỗ trợ được các học trò trong khả năng. Có nhiều học trò cứ xem thầy như chuyên gia tâm lý,hỏi đủ thứ kể cả tư vấn chuyện tình cảm. Bây giờ thì thậm chí đến cả phụ huynh của một số học trò cũng thông qua đấy nhờ Thầy để ý đến chuyện học hành con của họ.

Dù được sinh ra với tuổi thơ cơ cực nhưng Thầy vẫn vươn lên trong cuộc sống và giờ đây biết bao thế hệ học trò của trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh cũng như các bạn đã được quỹ “San sẻ yêu thương” giúp đỡ có lẽ sẽ không bao giờ quên được một người thầy rất mực yêu thương học trò.

Thầy Tín không đơn thuần chỉ là một người thầy mà Thầy còn là một người bạn, một người anh – có chuyện gì thì học trò đều tìm đến và tâm sự. Và cũng nhân dịp 20/11, thay mặt rất nhiều thế hệ học trò mà Thầy từng giảng dạy lời cảm ơn chân thành nhất vì cái tâm của một người Thầy luôn sáng soi cho tâm hồn của học trò mình không chỉ về kiến thức mà còn về cách sống, cách làm người. Và những điều tốt đẹp mà Thầy mang đến cho học trò mình sẽ luôn được các em khắc sâu trong trí nhớ mình như những hồi ức đẹp nhất khi các em còn được ngồi trên ghế nhà trường.

Theo Đất Việt.


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề