Câu chuyện giá dầu giảm và bài học Dubai

Giá dầu giảm đang là câu chuyện được chú ý nhiều nhất trên thế giới trong những ngày qua. Việc giá dầu chạm đáy thấp nhất trong gần 3 năm qua đang gây ra những xáo trộn không hề nhỏ trên toàn thế giới.

Nga đang loay hoay với ngân sách đang giảm đi đáng kể từ việc dầu giảm giá trong việc giữ giá đồng Rup và phải quay sang bắt tay Trung Quốc để giải quyết khó khăn. Venezuela, đất nước vừa vượt mặt Ả Rập Saudi để trở thành nước có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới đã phải chính thức nhập khẩu dầu để đáp ứng nhu cầu trong nước. Ngoại trừ cơn sốt giá dầu ở thế kỷ 20, có lẽ chưa bao giờ xu thế chính trị thế giới lai xoay vần xung quanh giá dầu hơn lúc này.

Nếu như cơn sốt giá dầu ở những thập kỷ 60, 70 của thế kỷ trước với sự tăng vọt bàng hoàng của giá dầu thế giới, gây ra sự xáo trộn nền kinh tế thế giới một cách kinh khủng, đẩy các quốc gia và các tập đoàn lao vào cuộc chiến thăm dò và khai thác dầu và cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến chiến tranh Vùng Vịnh.

Nếu như sự tăng giá dầu khi đó đã trở thành cây đũa thần biến các quốc gia Trung Đông thành những đối tượng quan trọng bậc nhất và được ve vuốt ở khắp nơi với cái túi tiền rủng rỉnh do dầu tăng giá, thì giờ đây câu chuyện giá dầu lại đang biến thành những trái đắng thực sự, đối với những quốc gia quá phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ.

Những dự đoán của các tập đoàn dầu khí Mỹ những năm 60 của thế kỷ 20 về giới hạn của trữ lượng dầu mỏ thế giới hóa ra đã không chính xác. Các tập đoàn Mỹ khi đó tiên đoán hầu hết các mỏ dầu lớn nhất thế giới đã được phát hiện, và với mức độ khai thác khi đó thì trữ lượng dầu mỏ thế giới sẽ giảm dần.

Nhưng thực tế là các mỏ dầu mới vẫn tiếp tục được tìm thấy, Venezuela vừa chính thức trở thành nước có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới thay thế vị trí của Ả Rập Saudi. Đã không còn cảnh giá dầu tăng chóng mặt như cơn sốt giá dầu thế kỷ 20, nhưng số quốc gia phụ thuộc chặt chẽ vào giá dầu thì vẫn không ngừng tăng lên. Nga, trong chiến lược phát triển thời hậu Liên Xô của mình đã đặt trọng tâm vào dầu, khi một nửa ngân sách của xứ sở bạch dương đến từ xuất khẩu dầu.

Thực tế là, dầu mỏ vẫn chiếm một vị trí cực kỳ quan trọng với những quốc gia có nguồn tài nguyên này. Từ Nga, Venezuela, Ả Rập Saudi, Iran hay kể cả Việt Nam, xuất khẩu dầu mỏ luôn chiếm một tỷ lệ lớn trong thu nhập quốc gia của những nước này bất kể họ có trình độ phát triển ra sao. Và những quốc gia này cũng đang phải trả những cái giá không nhỏ cho sự phụ thuộc vào dầu mỏ của mình, bất cứ một động thái giảm giá dầu nào cũng đe dọa phá vỡ các kế hoạch phát triển của các nước này.

Giá dầu giảm chóng mặt đã khiến Nga phải phá vỡ kế hoạch sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối để bình ổn giá đồng Rup, trong khi Venezuela cũng lần đầu tiên không đảm bảo được sản lượng của mình để cung cấp cho thị trường quốc nội.

Dầu mỏ, vì thế là một con dao hai lưỡi, nó có thể là món quà trời cho, nhưng cũng là một liều thuốc độc với những nước quá phụ thuộc vào nó. Rất ít quốc gia có nguồn tài nguyên quý giá này lại không phụ thuộc vào nó và coi nó là một động lực chính yếu phát triển kinh tế, ngoại trừ Dubai, nơi đã coi dầu mỏ chỉ là phương tiện tạm thời để đạt tới một nền kinh tế thịnh vượng, trong đó nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ chỉ là thứ yếu.

Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất đã nhanh chóng thấy được sự thất thường của dầu mỏ, và ngay trong thời điểm giá dầu đang biến những tiểu vương Ả Rập ở Trung Đông thành những ông vua vàng trong Nghìn lẻ một đêm, và đầu tư mạnh vào hạ tầng, công nghệ và du lịch.

Và kết quả giờ đây đã chứng minh cho tầm nhìn đúng đắn ấy, Dubai trở thành một trong những thành phố phát triển nhất thế giới, một trung tâm tài chính, một trung tâm thương mại và du lịch hàng đầu thế giới với vẻ đẹp lộng lẫy. Thế kỷ 20, cả Trung Đông bơi trong dầu, nhưng không đâu phát triển bằng Dubai, nơi đã coi dầu mỏ chỉ là bàn đạp để tiến tới thành công.

Sự giảm giá dầu và những hệ lụy tầm cỡ quốc tế xoay quanh nó ở thời điểm hiện tại lại một lần nữa nhắc lại bài học Dubai, nơi đã chỉ ra một thực tế rằng, tầm nhìn đúng đắn và một chiến lược phát triển hiệu quả mới là giải pháp phát triển cho mọi quốc gia, thay vì chỉ phụ thuộc vào sự ưu đãi của tài nguyên.

Nguồn: Một Thế giới


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề