Cảnh sát Thái Lan: Tìm thấy dấu tay nghi can trên chai đựng chất nổ

Tập đoàn quân nhân cầm quyền Thái Lan và cảnh sát đang nói tới “những tiến bộ đáng kể” trong cuộc điều tra về vụ nổ bom tại một đền thờ ở Bangkok hồi tháng trước. Vụ nổ tại đền Erawan giết chết 20 người và làm bị thương hơn 100 người. Thông tín viên Steve Herman của đài VOA tường thuật từ Bangkok.

Giới hữu trách Thái Lan vẫn chưa công bố danh tánh hay quốc tịch của hai người đàn ông ngoại quốc mà họ đang thẩm vấn trong cuộc điều tra về vụ nổ bom tại ngôi đền Ấn Độ giáo ở Bangkok.

Trung tướng Prawut Thavornsiri, người phát ngôn của Lực lượng Cảnh sát Quốc gia Thái Lan, nói rằng có bằng chứng cho thấy nghi can thứ nhì, bị bắt hôm qua tại một nơi gần biên giới giáp với Campuchia, có dính líu tới vụ tấn công gây chết người.

“Một cuộc phân tích dấu tay xác nhận nghi can này có để lại dấu tay trên một cái chai đựng thuốc nổ mà cảnh sát tịch thu tại một căn chung cư ở Bangkok. Nghi can này có lẽ là người đã mang quả bom ra khỏi phòng hoặc mang quả bom tới khu vực đền Erawan.”

Trung tướng Prawut Thavornsiri, người phát ngôn của Lực lượng Cảnh sát Quốc gia Thái Lan, công bố hình ảnh một trong những nghi can bị truy nã, ngày 1/9/2015.

Trung tướng Prawut Thavornsiri, người phát ngôn của Lực lượng Cảnh sát Quốc gia Thái Lan, công bố hình ảnh một trong những nghi can bị truy nã, ngày 1/9/2015.

Trong cùng chương trình phát hình buổi trưa, được chiếu trên tất cả các kênh truyền hình, Thiếu uý Pareya Netrawichien, xướng ngôn viên truyền hình quân đội, loan báo tất cả những ai cho người nước ngoài thuê phòng đều phải thông báo cho nhà chức trách.

“Chúng tôi yêu cầu những người chủ nhà và những người làm chủ khách sạn, chung cư và nhà khách có người nước ngoài cư ngụ thông báo cho các giới chức của sở di trú gần nhất hoặc sở cảnh sát địa phương trong vòng 24 giờ đồng hồ sau khi người nước ngoài tới ở.”

Từ khi xảy ra vụ nổ bom ngày 17 tháng 8 tới nay, giới hữu trách Thái Lan đã ra trát bắt 7 người, trong đó có ít nhất một người đàn ông Thổ Nhĩ Kỳ.

Tập đoàn quân nhân lên nắm quyền sau vụ đảo chánh hồi năm ngoái đã chỉ thị cho các giới chức không mô tả vụ nổ bom là một hành vi khủng bố quốc tế và không đề cập tới vấn đề vụ này có thể có dính líu tới Thổ Nhĩ Kỳ hay Trung Quốc.

Một số người suy đoán vụ tấn công có thể là một một vụ trả đũa cho việc Thái Lan trục xuất về Trung Quốc hơn 100 người sắc tộc Uighur hồi tháng 7. Vụ trục xuất đã gặp phải sự chỉ trích của các chính phủ Tây phương và những tổ chức nhân quyền của người Uighur. Họ nói rằng những người bị trả về Trung Quốc có thể bị ngược đãi.

Sau vụ trục xuất đó, những vụ biểu tình bạo động đã xảy ra ở thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ nhắm vào các phái bộ ngoại giao của Thái Lan và Trung Quốc.

Nguồn Voa tiếng Việt


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề