Cần một Kế hoạch Marshall cho hạ tầng nước Mỹ

Khi một chiếc cầu cao tốc chủ chốt ở California sụp đổ hồi tháng trước, những ảnh hưởng của nó đối với toàn vùng Đông Nam nước Mỹ đã lại một lần nữa làm nổi bật vấn đề nghiêm trọng nhất hiện nay của đất nước – vấn đề cơ sở hạ tầng. Quả thật, có thể nói theo một nghĩa nào đó rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay đang tan vỡ.

Tư tưởng lãng tránh đầu tư vào khu vực công, cùng với lối suy nghĩ ngắn hạn cố hữu của những người soạn thảo ngân sách, đã khiến mức chi tiêu cho đường sá, sân bay, hệ thống đường sắt, viễn thông và sản xuất điện thấp hơn rất nhiều so với mức cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề này không thể tiếp tục bị bỏ qua. Nếu nước Mỹ không hành động nhanh chóng để cung cấp cho sự phục hồi kinh tế yếu ớt hiện tại một nền tảng vững chắc về cơ sở hạ tầng hiện đại thì đất nước này sẽ lại từ từ chìm trở lại vào tình trạng trì trệ.

Có một điều khá rõ ràng là một nền kinh tế phát triển luôn đòi hỏi sự đầu tư liên tục và thích đáng vào các hàng hóa công. Tuy nhiên, tình trạng cơ sở hạ tầng hiện nay của Hoa Kỳ lại cho thấy dường như nhiều nhà hoạch định chính sách ở đây không cùng chung quan điểm này. Một bản báo cáo năm 2013 được thực hiện bởi Hiệp hội Kỹ sư Xây dựng Hoa Kỳ (American Society of Civil Engineers) đã đưa ra một mức đánh giá tổng thể thảm hại là D+ cho cơ sở hạ tầng của nước Mỹ. Bản báo cáo trích dẫn nhiều thiếu sót cụ thể ở từng bang như “88 con đập ở mức nguy hiểm cao và 1.298 cây cầu kết cấu yếu” ở bang Michigan, hay “cần 44,5 tỉ đô la để nâng cấp hệ thống cấp nước sinh hoạt” ở California.

Báo cáo kết luận rằng đến năm 2020, nước Mỹ sẽ cần đến khoảng 3,6 nghìn tỷ đô (tương đương khoảng 1/5 GDP hàng năm của đất nước) để cải thiện chất lượng của hệ thống cơ sở hạ tầng, bằng cách giải quyết “những tồn đọng nghiêm trọng do quá hạn bảo dưỡng và xử lý nhu cầu bức thiết cần hiện đại hóa”. Nếu không, hệ thống cơ sở hạ tầng đổ nát của đất nước sẽ kéo nền kinh tế tụt dốc trong những năm tới.

Ở một vài phương diện nhất định, nhu cầu khẩn thiết của Hoa Kỳ đối với việc hiện đại hóa cơ sở hạ tầng tình cờ lại xuất hiện thật đúng lúc. Khi mà nền kinh tế đang phục hồi yếu ớt thì một chương trình đầu tư vào cơ sở hạ tầng do ngân sách nhà nước chi trả sẽ giúp mở ra triển vọng cho công nhân Mỹ bằng cách cung cấp cơ hội việc làm cho những người lao động tay nghề thấp hoặc không có kỹ năng.

Trong khi đó, việc mở rộng quy mô đầu tư vào cơ sở hạ tầng cũng có thể cung cấp một cơ hội vẫn thường bị bỏ qua cho các nhà đầu tư tổ chức dài hạn. Các quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm hoặc các quỹ tương hỗ ở Mỹ quản lý tổng số tài sản lên đến 30 nghìn tỷ đô, và họ vẫn đang phải vật lộn để tìm kiếm nơi đầu tư phù hợp với nghĩa vụ lâu dài của họ. Việc lãi suất thấp kéo dài đang là thách thức đặc biệt khó khăn đối với các quỹ hưu trí do phải đối mặt với mức nợ tăng cao (tính trên cơ sở chiết khấu).

Một chương trình quy mô lớn để cải thiện cơ sở hạ tầng đổ nát của Hoa Kỳ sẽ có tác dụng lâu dài trong việc thu hẹp khoảng cách này giữa tài sản và nợ, cung cấp cho các quỹ hưu trí nguồn đầu tư dài hạn (và do vậy đảm bảo thu nhập cho những người về hưu tương lai), trong khi đó lại tận dụng được nguồn vốn tư nhân cho hàng hóa công. Trên thực tế, các quỹ hưu trí của Hoa Kỳ đã tham gia đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhưng lại là ở Canada, Úc, Vương quốc Anh và Hà Lan.

Đáng tiếc thay, những chống đối về mặt tư tưởng và chính trị đảng phái có khả năng sẽ gieo rắc nhiều trở ngại cho những nỗ lực hiện đại hóa cơ sở hạ tầng của Hoa Kỳ cũng như những nỗ lực tạo ra các cơ hội như thế cho nước nhà. Từ trước đến nay, đầu tư vào khu vực công luôn là vấn đề làm khơi dậy cuộc tranh luận lâu đời giữa những người cho rằng chính phủ không nên tham gia vào các nỗ lực tạo ra công ăn việc làm và những người cho rằng một phần nhiệm vụ của chính phủ là cung cấp công việc cho nguồn nhân lực chưa được tận dụng đúng mức.

Một cách để tránh khúc mắc này là để Tổng thống Barack Obama thành lập ra một Ủy ban Cơ sở hạ tầng lưỡng đảng với nhiệm vụ là tìm ra giải pháp cho vấn đề này. Ủy ban này sẽ vận hành như Ủy ban Quốc gia lưỡng đảng về Cải cách và Trách nhiệm Tài khóa, được thành lập năm 2010 để giải quyết các thách thức về tài khóa của nước Mỹ, hoặc như những ủy ban về đóng cửa các căn cứ quân sự những năm 1980, 1990. Với việc trách nhiệm được chia sẻ giữa hai đảng chính của đất nước, các thành viên của ủy ban sẽ không phải chịu áp lực từ chính trị hằng ngày và do vậy có thể tập trung hoàn toàn vào sức khỏe của nền kinh tế. Sau đó, quốc hội sẽ bỏ phiếu đồng ý hay không đồng ý với các đề xuất của ủy ban.

Cơ sở hạ tầng từ lâu vẫn luôn được công nhận là mang tính quyết định đối với tương lai kinh tế của quốc gia. Khi xem nhẹ những đầu tư cần thiết vào lĩnh vực này, nước Mỹ đã tự đi vào một con đường khá bấp bênh, có nguy cơ dẫn đến trì trệ và tụt dốc, khi đó sẽ càng khó khăn để phục hồi.

Không có lý do gì để những nhà làm chính sách Hoa Kỳ chấp nhận một số phận như vậy. Tỷ lệ lãi suất thấp, đồng đô la tiếp tục giữ vai trò là đồng tiền dự trữ chính của thế giới và tiềm năng tăng chi tiêu của lĩnh vực công là những lí do khiến tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng trở nên thuyết phục. Trong thế kỷ 20, chính phủ Mỹ đã đầu tư hàng tỷ đô la để tái thiết nền kinh tế châu Âu. Điều tương tự cần được thực hiện trong nửa đầu thế kỷ này ngay trên chính đất Mỹ.

Dambisa Moyo là tác giả của các cuốn sách Dead Aid, Winner Take All, How the West Was Lost.

Copyright: Project Syndicate 2015 – A Marshall Plan for the United States

Nguồn: Dambisa Moyo, “A Marshall Plan for the United States”, Project Syndicate, 03/08/2015.

Biên dịch: Trần Thị Thu Hiền | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

theo Nghiên Cứu Quốc Tế


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề