Cân đối ngân sách 2016 nhìn từ dầu thô

 Kinh tế năm 2015, theo báo cáo của Chính phủ trình ra Quốc hội hôm khai mạc 20-10, sẽ tăng trưởng ở mức 6,5%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6,2%). Các cân đối vĩ mô khá ổn định.

Tổng thu ngân sách nhà nước năm nay ước vượt dự toán 16.400 tỉ đồng (tăng 1,8% so với dự toán và tăng 7,4% so với thực hiện năm 2014) là một nỗ lực rất lớn của Chính phủ và Bộ Tài chính trong điều hành cân đối ngân sách. Trong số này, thu nội địa ước vượt dự toán hơn 48.000 tỉ đồng, tăng đến 17,7% so với năm trước, nhất là trong điều kiện rất nhiều yếu tố giảm thu tác động.

Năm 2015, ngân sách hụt thu từ dầu là 63.000 tỉ đồng

Chính phủ đã làm đúng những gì đã nói từ đầu năm, là vẫn đảm bảo mục tiêu tăng trưởng trước sức ép giá dầu giảm, do 10% thu ngân sách là từ dầu thô. Nhưng cân đối ngân sách đã rất căng thẳng và dự kiến nó sẽ còn căng thẳng hơn trong năm 2016, theo đánh giá của Ủy ban Tài chính – Ngân sách (Quốc hội) khi thẩm tra dự toán ngân sách 2016.

Cuối năm 2014 và đầu năm 2015, khi giá dầu giảm xuống mức bình quân 58 đô la/thùng, dự báo ngân sách sẽ hụt thu 50.000 tỉ đồng, Bộ Tài chính vẫn khẳng định cân đối được ngân sách. Nhưng hụt thu thực tế từ dầu thô và các khoản thu khác do giá dầu giảm trong năm nay, theo Ủy ban Tài chính – Ngân sách, là 63.000 tỉ đồng. Cơ quan này cho rằng tình hình này ảnh hưởng đến cân đối ngân sách trung ương, bởi dù tổng thu ngân sách năm nay ước vượt dự toán 16.400 tỉ đồng, nhưng do tăng thu chủ yếu từ ngân sách địa phương (hơn 47.000 tỉ) còn ngân sách trung ương hụt thu 31.300 tỉ.

Ảnh hưởng ở chỗ, có thể bội chi ngân sách năm nay không giữ được mức Quốc hội phê duyệt là 5% GDP (226.000 tỉ đồng) bởi vì theo kết quả giám sát của Ủy ban Tài chính – Ngân sách, mức giải ngân vốn ODA năm 2015 sẽ vượt dự toán đã được Quốc hội quyết định. Một số khoản chi chưa có nguồn bù đắp như dư nợ cấp bù chênh lệch lãi suất cho hai ngân hàng chính sách xã hội và ngân hàng phát triển… Do vậy, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ rà soát lại các số liệu giải ngân vốn ODA và các khoản nợ của Nhà nước để xem xét chính xác số bội chi ngân sách và nợ công.

Bán cổ phần nhà nước để bù đắp giảm thu

Tìm mọi cách để bù đắp giảm thu là chuyện phải làm, nhất là khi việc phát hành trái phiếu chính phủ trong năm nay gặp vô số khó khăn do Quốc hội không cho phép huy động trái phiếu ngắn hạn.

Mặt khác, cho dù Chính phủ không thừa nhận việc cho phép bán toàn bộ vốn nhà nước tại 10 doanh nghiệp lớn, làm ăn hiệu quả là để bù đắp ngân sách đang thiếu hụt, thì công luận vẫn cho rằng dự đoán này là có cơ sở. Bởi lẽ, năm nay, Chính phủ đã đề nghị phương án sử dụng một phần tiền bán cổ phần nhà nước tại doanh nghiệp (cỡ 10.000 tỉ đồng) để góp phần xử lý hụt thu ngân sách trung ương. Tuy nhiên, số còn lại khoảng 21.300 tỉ đồng còn thiếu sẽ được xử lý từ nguồn nào thì chưa rõ.

Ngoài ra, trong hai năm 2015-2016 Chính phủ còn nợ 363.000 tỉ đồng trái phiếu chính phủ đến hạn thanh toán chưa có nguồn trả, mà tìm cách tái cơ cấu nợ cũng chưa xong.

Hơn nữa, chuyện bán cổ phần nhà nước tại những doanh nghiệp đang “ăn nên làm ra” cũng có trong phương án bổ sung ngân sách cho năm sau. Ủy ban Tài chính – Ngân sách đã nhất trí với đề nghị bán bớt phần vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp nhà nước để thu về 30.000 tỉ đồng (khoảng hơn 1,3 tỉ đô la Mỹ) bổ sung cho chi đầu tư phát triển, cho một số dự án lớn. Tuy nhiên, giải pháp bù đắp này chỉ được xem là ngắn hạn.

Năm 2016, dự kiến tăng chi ngân sách là 11%, trong khi tăng thu chỉ ở mức 9,4% khiến cho cân đối ngân sách sẽ khó hơn. Đó là chưa tính đến những khoản nợ ngân sách chưa tìm được nguồn trả: nợ xây dựng cơ bản, nợ trái phiếu đến hạn, nợ hai ngân hàng chính sách…

Thông thường những năm trước, việc vượt dự toán vài chục ngàn tỉ đồng từ giá dầu thường giúp các nhà điều hành ngân sách giải quyết những khoản thiếu hụt khác một cách linh hoạt. Tuy nhiên năm nay, và có thể cả năm 2016, tình hình không còn như trước, nhất là khi nhiều nguồn thu khác giảm mạnh do Việt Nam phải cắt giảm mạnh thuế theo các cam kết hội nhập.

Và khó có thể nói rằng, giá dầu giảm sẽ tác động tích cực đến tính cạnh tranh của doanh nghiệp, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế khi Chính phủ đã được “bật đèn xanh” để tăng thu nội địa bằng cách tăng mức huy động từ thuế, phí và lệ phí không thấp hơn 20%, trong khi tỷ lệ này ở các quốc gia khác ngày càng giảm.

Theo (TBKTSG)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề