Cái chết của Nemtsov: Những giới hạn của đối lập Nga

Sự kiện nhân vật đối lập hàng đầu của Nga Boris Nemtsov bị bắn chết giữa thủ đô Matxcơva cách nay 3 ngày vẫn là đề tài để bàn luận nhiều của báo chí Pháp cũng như của nhiều nhà bình luận, chuyên gia về Nga. Nhật báo La Croix có bài về thực trạng đối lập Nga dưới thời Tổng thống Putin. Bài viết của Anna Colin Lebedev, nhà nghiên cứu chính trị tại Trường cao học khoa học xã hội Pháp (EHESS) đặt câu hỏi làm tựa : “Còn lại gì trong đối lập Nga?”

Mặc dù hình ảnh các cuộc tuần hành lớn tại Matxcơva thu hút hơn 50 nghìn người tham gia hôm Chủ nhật đã gây ấn tượng mạnh, nhưng theo đánh giá của chuyên gia Anna Colin Lebedev, đối lập Nga chỉ có ảnh hưởng hạn chế đối với công luận nước này.

Tác giả điểm lại những gương mặt đối lập Nga kể từ khi ông Putin lên làm tổng thống. Tất nhiên Boris Nemtsov là người nổi bật nhất, bởi trước khi trở thành đối lập ông từng nằm trong tốp đầu của bộ máy quyền lực Nga dưới thời Boris Eltsin. Nhiều chính khách cùng thế hệ của Nemtsov như Mikhail Kassianov và Vladimir Ryzhkov từ những năm 2000 đã tách ra trở thành đối lập với V. Putin. Rồi gần đây khi ông Putin chuẩn bị trở lại nắm quyền lần thứ hai thì nổi lên nhân vật Alexis Navalny. Tác giả bài viết cho biết, bên cạnh những nhân vật đối lập nêu trên, người ta còn thấy ở nước Nga nhiều tên tuổi lớn trong giới trí thức hay truyền thông….

Trở lại cuộc biểu tình hôm Chủ nhật tại Matxcơva, tác giả ghi nhận đây là một thành công của đối lập Nga. Thế nhưng có điều chắc chắn là tiếng nói của đối lập chỉ đến được với người dân thành thị hay giới trí thức tiếp cận thường xuyên với internet. Theo tác giả, qua con số 80% dư luận Nga vẫn ủng hộ chính sách của V. Putin người ta có thể đo được sức nặng của đối lập Nga là thế nào.

Họ bị các đối thủ cầm quyền tại Kremlin chỉ mặt gọi là « đội quân thứ 5 làm tay sai cho Phương Tây », hoặc bị gán ghép với những ngôn từ lăng mạ.

Vẫn theo tác giả bài báo : Sau khi được khẳng định dưới thời Boris Eltsine, đối lập Nga đầu những năm 2000 bị đánh bật khỏi trò chơi dân chủ. Giờ đây đối lập đang gặp phải hàng loạt trở ngại : Bị kìm hãm về mặt thể chế, pháp lý cho đến quyền được tiếp cận thông tin đại chúng. Ở Nga, những nhà đối lập với chính quyền không bao giờ được mời lên phát biểu chính kiến hay trên truyền hình, phương tiên thông tin của 90% người Nga.

Trước các trở ngại như vậy, cộng với hình ảnh lu mờ dần, đối lập Nga đổi chiến thuật quay sang tìm cách cắm chân chính trị ở cấp địa phương và tập trung vào các chủ đề mang tính xã hội và kinh tế như đấu tranh chống tham nhũng.

Không khí hận thù , nguyên nhân dẫn đến cái chết của Boris Nemtsov

Vẫn trên sự kiện này, nhật báo le Monde cũng trở lại cuộc biểu tình của hơn 50 nghìn người Matxcơva để tưởng niệm Boris Nemtsov bị sát hại với khía cạnh khác. Tờ báo cho biết, người biểu tình đã lên án cách thức tuyên truyền của chính quyền Putin đã gây không khí thù hận và gián tiếp dẫn đến cái chết đáng ngờ của nhân vật đối lập hàng đầu ở Nga.

Le Monde dẫn lời một phụ nữ trong đoàn biểu tình nói rằng « Tổng thống Vladimir Putin là ngườu chịu trách nhiệm, bởi chính ông ta đã tạo nên bầu không khí thù hận », chính vì thế mà Boris Nemtsov bị giết hại.

Trong khi đó xã luận le Monde khẳng định thêm : « Bầu không khí bè cánh, không khoan dung, dối trá, trấn áp và bạo lực chính trị đã đần dần thiết lập nên ở Nga để cho đến giờ đối lập chỉ còn là một hình thức: Giờ đây, làm người đối lập ở Nga là phải hết sức can đảm và liều mạng. Những người chịu trách nhiệm thực sự trong vụ sát hại Boris Nemtsov là những người đã cố tình tạo ra bầu không khí hận thù đó ».

RFI


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề