Cách đạt được thỏa hiệp với Putin

Trong cuộc đấu với Nga về vấn đề Ukraine, các yếu kém và chia rẽ trong chính sách của châu Âu đã làm cho Tổng thống Nga Vladimir Putin được khuyến khích giống như những gì cách tiếp cận ngập ngừng của Mỹ về vấn đề Syria đã gây ra. Nếu châu Âu phải hành động một cách có trách nhiệm thì chính sách của châu Âu đối với Nga phải được định hình bởi ba khái niệm chủ chốt: tính kiên quyết, sự rõ ràng, và sự sẵn lòng tìm kiếm một thỏa hiệp có thể chấp nhận được.

Nếu không có sự kiên quyết thì không thể làm được gì. Chắc chắn châu Âu và Mỹ đã mắc sai lầm sau sự sụp đổ của Liên Xô. Đặc biệt Mỹ có thể bị lên án là đã hành động một cách ngạo mạn và không cần thiết để làm bẽ mặt Nga.

Nhưng sự sụp đổ của Liên Xô là kết quả của một chuỗi dài các hành động sai lầm, bắt đầu bằng sự bất lực của nước Nga thời tiền Xô-viết trong việc không thể đương đầu với kỷ nguyên hiện đại. Các nhà lãnh đạo Nga thời hậu Xô-viết vẫn chưa phải giải quyết được những thất bại đó.

Với việc áp dụng quan điểm xét lại hung hăng, Putin đã mắc phải một sai lầm về chiến lược và có tính lịch sử. Mô hình của Putin lẽ ra phải là Peter Đại đế. Tham vọng của ông đáng lẽ phải là ràng buộc tương lai nước Nga vào tương lai của châu Âu. Thế nhưng Putin lại hướng cảm hứng vào Nicholas I, nhân vật phản động nhất trong số các Sa hoàng Nga thế kỷ 19.

Thất bại trong chính sách của Putin có thể thấy được qua so sánh Nga với Trung Quốc. Sự cách biệt giữa hai bên – về hành vi và thành tựu của mỗi nước – chưa bao giờ lớn đến vậy. Tại Hội nghị Thượng đỉnh G-20 ở Brisbane vào tháng này, Trung Quốc đã thể hiện vai trò một cách khéo léo, làm nổi bật thiện chí của mình, nhất là về vấn đề biến đổi khí hậu. Trong khi đó Nga lại tỏ ra tự cô lập mình – một cách đáng tiếc, nếu xét đến ảnh hưởng của sự cô lập lên nền kinh tế nước này.

Thị trường chứng khoán của Nga đang suy sụp. Đồng tiền mất giá 30%. Giá dầu lửa và khí đốt – chỗ dựa ngân sách chính của Kremlin – đã giảm hơn 25%. Trái ngược với Trung Quốc, kinh tế Nga phụ thuộc nặng nề vào các nguồn tài nguyên năng lượng, điều này làm nó dễ bị tổn thương khi các thị trường năng lượng trên toàn cầu xấu đi.

Sức mạnh duy nhất của Putin là ở sự yếu đuối và tính không kiên quyết của châu Âu. Vì vậy mục tiêu của châu Âu phải là đặt ra các giới hạn rõ ràng đối với các tham vọng của Putin. Dù ông đang tìm cách làm suy yếu Ukraine hay mở rộng lãnh thổ Nga, phản ứng của châu Âu là phải kiên quyết. Putin phải bị thuyết phục rằng ông ta không thể làm được việc gì trong số hai việc trên mà không phải trả cái giá mà người Nga không sẵn lòng gánh chịu.

Do hành vi mập mờ của Kremlin – nếu không muốn nói là chính sách dối trá có chủ tâm của nó – có vẻ hiển nhiên là Pháp không nên chuyển giao một tàu chiến tấn công lớp Mistral mà trước đó nước này đã đồng ý bán cho Nga. Đối với nước Pháp, bị coi là một tay buôn bán vũ khí không đáng tin cậy còn tốt hơn nhiều so với việc là một chủ thể chiến lược vô trách nhiệm, chỉ quan tâm đến các lợi ích thương mại.

Tính kiên quyết phải đi kèm với sự rõ ràng. Putin không còn là nhà lãnh đạo giống như khi ông lên nắm quyền vào năm 2000, thậm chí cũng không giống vị lãnh đạo mà ông thể hiện vào năm 2008, khi ông ta giành giật những vùng đất của Gruzia bằng vũ lực. Dưới sự thống trị chuyên chế ngày càng tập trung của mình, ông đã kết hợp chủ nghĩa dân tộc tôn giáo cực đoan (ultra-religious nationalism) với các chiến thuật và thói quen thời Xô-viết. Đó là một sự pha trộn nguy hiểm và dễ thay đổi, dựa vào các nguyên tắc và phương pháp vốn đã làm cho các đế chế của Nga – thời các Sa hoàng và Liên Xô – thất bại và tiêu tan.

Tính kiên quyết và sự rõ ràng là tuyệt đối cần thiết. Nhưng chúng không đủ để tạo ra một chính sách châu Âu chặt chẽ. Mục tiêu không thể đơn giản chỉ là kiềm chế nước Nga. Cần phải đạt được một thỏa hiệp. Sự thực, nước Nga đang thiếu phương tiện để đạt được các mục tiêu của Putin. Nhưng dù sao phần còn lại của thế giới vẫn cần sự hợp tác và thiện chí của Kremlin nếu muốn theo đuổi các nỗ lực, chẳng hạn như việc kiềm chế các tham vọng hạt nhân của Iran và cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo.

Chừng nào Nga còn giữ ý định về việc giành lấy các kết quả không thể chấp nhận được, kèm theo các dấu hiệu đe doạ sử dụng vũ khí hạt nhân, thì còn khó đạt được một thỏa hiệp. Putin còn lâu mới là một đối tác lý tưởng để cố gắng hòa hợp hai nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế: quyền dân tộc tự quyết và tính thiêng liêng của biên giới quốc gia. Nhưng một sự hòa hợp như vậy không phải là không thể thực hiện được.

Bất cứ sự thỏa hiệp nào cũng cần phải giải quyết được vấn đề tương lai của Crimea, hiện đang dưới quyền cai trị của Nga, và duy trì sự độc lập của Ukraine. Putin phải bị thuyết phục bằng việc lấy được Crimea, ông đã để mất Ukraine. Về phần mình, các nhà lãnh đạo Ukraine sẽ phải cam kết không vào NATO để đổi lấy việc Nga chấp nhận quyền của Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu. Tiếp sau sẽ là việc xoá bỏ dần các biện pháp trừng phạt, cho phép tất cả các bên tập trung sức lực của mình vào các ưu tiên khác, dù là về kinh tế hay về chiến lược.

Trong các cuộc đàm phán với Nga, châu Âu đang giữ các quân bài mạnh hơn. Nhưng nếu chúng được đặt lên bàn một cách kém cỏi, như tình hình cho đến lúc này, thì Putin sẽ vẫn còn tiếp tục thắng mọi ván bài.

Dominique Moisi, Giáo sư Học viện Chính trị Paris (Sciences Po), là Cố vấn Cao cấp của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI) và Giáo sư thỉnh giảng Đại học Hoàng gia London (King’s College London). Ông là tác giả cuốn The Geopolitics of Emotion: How Cultures of Fear, Humiliation, and Hope are Reshaping the World (Địa chính trị Cảm xúc: Văn hóa của sự Sợ hãi, Sỉ nhục và Hy vọng Đang Định hình lại Thế giới Như thế nào)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề