Các đối tác không cân xứng: Trung Quốc và Nga tại vùng Âu-Á

Trung Quốc và Nga thúc đẩy hợp tác song phương, ngay cả khi hai nước cạnh tranh với nhau để chiếm ưu thế trong vùng Âu-Á. Và trong cuộc ganh đua này, Trung Quốc chiếm ưu thế. Đây là nội dung chính bài « Các đối tác không cân xứng : Trung Quốc và Nga tại vùng Âu-Á – Unequal Partners: China and Russia in Eurasia » của Anita Inder Singh(*). Bài được đăng trên website The Diplomate, ngày 03/06/2015. RFI xin giới thiệu.

Các thay đổi chiến lược gần đây của Trung Quốc và Nga diễn ra cùng một lúc – và trái ngược nhau – đánh dấu mối quan hệ gần gũi hơn giữa hai nước, thể hiện các thách thức đối với Hoa Kỳ, nhưng đây là mối quan hệ đối tác không cân xứng và thể hiện sự cạnh tranh giữa hai nước tại vùng Âu-Á.

Những thay đổi này đã được khẳng định hồi tháng trước. Ngày 08/05, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là khách mời danh dự trong cuộc Diễu binh mừng Chiến thắng phát xít tại Matxcơva, một vài ngày sau đó, vào ngày 11/05, Trung Quốc và Nga đã bắt đầu cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên ở Địa Trung Hải. Cuộc tập trận 10 ngày này thể hiện sức mạnh và hợp tác của hai nước tại khu vực Địa Trung Hải mà Hoa Kỳ ngự trị và cả Nga cũng như Trung Quốc không hề có bờ biển ở đây. Như vậy, Nga và Trung Quốc đã cạnh tranh với vị trí thống trị của Mỹ ở các vùng biển quốc tế, nơi kết nối Châu Âu, Châu Phi và Trung Đông. Bắc Kinh đã đưa ra tín hiệu là Trung Quốc có thể biểu dương sức mạnh hải quân của mình ở vùng biển xa, ở tận Châu Âu, nơi được coi như « ao nhà » của NATO, cũng giống như Mỹ hoạt động trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Trung Quốc và Nga có nhiều điểm chung. Cả hai đều là các quốc gia toàn trị coi Mỹ như một mối đe dọa đối với quyền lực của họ. Cả hai đều có những đòi hỏi tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng, và duy trì chính sách ngoại giao thầm lặng liên quan đến các tham vọng của mình, bao gồm Ukraine, Tây Tạng, Nhật Bản, và Philippines. Thiên hướng hù dọa sử dụng vũ lực và đánh chiếm làm cho cả hai nước bị cô lập nhưng trở thành mối đe dọa và có sức mạnh. Cả hai đều gia tăng chi tiêu quân sự vào lúc Mỹ và các đồng minh NATO cắt giảm ngân sách quốc phòng. Và Trung Quốc và Nga có rất nhiều thứ để cung cấp cho nhau. Cả hai được hưởng lợi khi tiến hành trao đổi thương mại bằng các đồng tiền quốc gia. Cả hai đều là thành viên của nhóm thị trường mới trỗi dậy, được gọi là BRICS, thành viên của Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á do Trung Quốc đỡ đầu (AIIB), và tham gia Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Tuy nhiên, nền kinh tế của nước Trung Quốc khổng lồ tạo cho nước này có lợi thế trong các tổ chức nói trên.

Các lợi ích của Nga

Các thúc ép về chính trị và kinh tế đã đẩy Nga gần gũi hơn với Trung Quốc. Giá năng lượng thấp và các trừng phạt kinh tế của phương Tây nhắm vào Matxcơva sau vụ sáp nhập Crimée hồi tháng 03/2014 đã gây tổn hại cho nền kinh tế Nga. Nước Nga cần tiền để nâng cấp cơ sở hạ tầng và tăng cường bán vũ khí để giữ cho bộ máy công nghiệp quân sự hoạt động trôi chảy. Sai khi không muốn bán các vũ khí hiện đại cho Trung Quốc, chính quyền Matxcơva, lo ngại vì suy giảm kinh tế, gần đây đã chào bán tên lửa phòng không tân tiến nhất S-400 cho Bắc Kinh. Trung Quốc là quốc gia đầu tiên được phép mua loại tên lửa này, và có thể sử dụng để tấn công các mục tiêu ở Đài Loan, Nhật Bản, và trên một phần lãnh thổ Ấn Độ.

Trong thời gian ông Tập Cận Bình công du Matxcơva, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo việc thành lập « một không gian kinh tế chung Âu-Á », cho phép phối hợp hài hòa chiến lược Một Vành đai, Một Con đường với Liên minh Kinh tế Âu-Á (EEU) mà Nga thúc đẩy; Liên minh này hiện nay bao gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan. Thông báo của Putin đánh dấu việc từ bỏ ý tưởng mà ông đã có từ 5 năm nay về một « Đại Châu Âu », trải dài từ Lisboa tới Vladivostok, gồm Liên Hiệp Châu Âu và Liên minh Kinh tế Âu-Á do Nga dẫn đầu. Giờ đây, Matxcơva xoay trục sang hướng đông.

Mục đích của các thành viên Liên minh Kinh tế Âu-Á, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 1 năm 2015, là bảo đảm tự do di chuyển hàng hóa, dịch vụ, tư bản và nhân lực trong không gian chung này.

Thị trường chung của Liên minh Kinh tế Âu-Á có tầm quan trọng đối với dự án Vành đai kinh tế Con Đường Tơ lụa, vì nó đòi hỏi phải có sự phối hợp ngoại giao chặt chẽ, chuẩn hóa các cơ sở thương mại và các khu vực tự do mậu dịch. Thực hiện thành công chiến lược này sẽ giúp Trung Quốc chiếm ưu thế về ngoại giao và kinh tế tại vùng Âu-Á.

Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình đã ký 32 thỏa thuận tại Matxcơva, trong đó có một hứa hẹn đầu tư hàng tỷ đô la của Trung Quốc vào dự án đường sắt nối liền Matxcơva với Kazan, cả hai nơi này đều nằm trên phần lãnh thổ Châu Âu của Nga. Nếu Matxcơva và Bắc Kinh đồng ý kéo dài tuyến đường sắt, qua Kazakhstan, tới Trung Quốc, thì tuyến đường này có thể trở thành một dự án Con đường Tơ lụa khác, nối liền Trung Quốc với các thị trường ở Trung Đông và Châu Âu.

Hồi tháng 05/2014, một thỏa thuận 400 tỷ đô la đã mở đường cho việc cung cấp khí đốt của Nga sang Trung Quốc trong 30 năm tới. Tuy nhiên, Matxcơva và Bắc Kinh vẫn chưa đồng ý về cách thức khí đốt sẽ được chuyển giao cho các trung tâm công nghiệp của Trung Quốc và giá mua khí đốt mà Trung Quốc phải trả. Với mục đích tìm kiếm nguồn cung ứng rẻ nhất, Trung Quốc, vốn đói năng lượng, có thể mua khí đốt rẻ của Turkmenistan hơn là mua khí đốt của Nga, hiện đang bán cho các nước Châu Âu với giá cao.

Trong quan hệ hợp tác mới giữa Trung Quốc và Nga, rõ ràng Trung Quốc là đối tác mạnh hơn. Điểm yếu của Nga thể hiện qua việc không đủ khả năng cung cấp nhiều thứ cho Trung Quốc ngoài năng lượng đắt tiền, vũ khí và các quặng khoáng sản. Bắc Kinh có thể hài lòng vì sự bối rối của Nga khi Trung Quốc cho Nga vay những khoản tiền lớn và mở rộng các đầu tư tại Nga. Những điều này làm nổi bật các khó khăn kinh tế và vị thế yếu kém trong đàm phán của Nga.

Hợp tác ở Địa Trung Hải

Nhưng quan hệ đối tác không cân xứng Trung-Nga là do nhiều yếu tố chứ không chỉ có kinh tế. Trong vài năm qua, Địa Trung Hải có tầm quan trọng chiến lược đối với Bắc Kinh. Địa Trung Hải có tới 70% nguồn năng lượng của thế giới, có thể hỗ trợ cho các tiến bộ của Trung Quốc. Hơn nữa, các tham vọng của Trung Quốc trên thế giới, mong muốn đa dạng hóa thị trường và nguồn năng lượng của Trung Quốc đã buộc nước này chuyển hướng các lợi ích kinh tế và chiến luợc sang phía tây, từ vùng ngoài Châu Á đến bờ biển của miền nam Châu Âu, Bắc Phi, và Vịnh Ba Tư.

Địa Trung Hải là điểm kết phía tây của Con đường Tơ lụa của Trung Quốc, được thiết kế để nối liền Trung Quốc với các thị trường Trung Á và vào Châu Âu, Trung Đông. Con đường Tơ lụa cần có lối thoát phía tây ra biển. Do vậy, các công ty Trung Quốc đang góp phần vào việc hiện đại hóa các cảng ở Địa Trung Hải, ở các nơi như Piraeus (Hy Lạp) Marseilles (Pháp) và Barcelona (Tây Ban Nha). Tại Israel, Trung Quốc đang xây dựng các tuyến đường sắt nối liền Tel Aviv và Haifa bên bờ biển Địa Trung Hải đến Eilat, điểm kết phía bắc của Hồng Hải có tầm quan trọng chiến lược, một trong những tuyến đường biển nối liền Châu Âu, vùng Vịnh Ba Tư và Đông Á. Tại Châu Phi, Trung Quốc đang phát triển cảng Sudan nhằm cải thiện phương tiện vận chuyển của họ ở Hồng Hải, Đông Phi, và khu vực Sừng Châu Phi.

Các lợi ích kinh tế có thể tạo động lực cho việc mở rộng sự hiện diện quân sự của Trung Quốc trong vùng Địa Trung Hải. Qua việc hợp tác với Nga, Trung Quốc có thể cạnh tranh với hải quân các nước phương Tây để có ảnh hưởng tại Địa Trung Hải.

Đấu trường chiến lược tại Trung Á

Tuy nhiên, quan hệ hợp tác Trung-Nga không thể che giấu được sự tranh đua ảnh hưởng kinh tế tại Trung Á.Việc Nga bị bao vây về kinh tế không thể cung cấp cho các nước Trung Á những hào phóng tài chính và đầu tư mà Trung Quốc có thể cung cấp họ các nước này. Thật vậy, Trung Quốc đã thay thế Nga trong vai trò người cung cấp tài chính chủ yếu cho vùng Trung Á. Bắc Kinh có lý do để đầu tư vào mạng lưới giao thông vận tải và cung ứng tại Trung Á: Các phương tiện vận chuyển tốt hơn có thể kết nối Trung Quốc với các thị trường Châu Âu và giúp Trung Quốc gia tăng khả năng tiếp cận nguồn dầu lửa của Kazakhstan, các mỏ khoáng sản của Kyrgyzstan và khí đốt tự nhiên do Turkmenistan sản xuất.

Có một thực tế khuyến khích Trung Quốc là không phải tất cả các nước Trung Á đều hồ hởi với những lợi ích có thể có của việc gia nhập Liên minh Kinh tế Âu-Á; họ sợ rằng Nga có thể sử dụng Liên minh này để chèn ép và làm cho họ phụ thuộc vào một đồng rúp đang mất giá. Các quốc gia Trung Á là đối tác tham gia tích cực vào một trò chơi lớn, mới giữa Trung Quốc và Nga. Chỉ một thập kỷ trước, năm quốc gia mới độc lập đã phải bơm một khối lượng lớn dầu và khí đốt cho Nga, nguyên là đế quốc áp bức họ trong nhiều thập niên. Giờ đây, cái may là có một nguồn nhiên liệu mới được đưa sang phía đông tới Trung Quốc. Hai năm trước, Tập Cận Bình khánh thành vùng mỏ khí đốt lớn thứ hai thế giới ở Galkynysh, tây nam Turkmenistan. Là nước đứng hàng thứ tư trên thế giới về trữ lượng khí đốt, Turkmenistan hối hả bắt đầu sản xuất khí đốt từ Galkynysh vào lúc nước này tìm kiếm những con đưòng mới để xuất khẩu nhiên liệu nhằm giảm bớt phụ thuộc vào đường ống dẫn dầu sang Nga đã có từ lâu.

Trong khi đó, đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực năng lượng tại Kazakhstan làm cho Nga phiền muộn, vì Matxcơva muốn duy trì nắm giữ các công ty của họ trong lĩnh vực dầu khí của Kazakhstan.

Quan hệ kinh tế ngày càng gia tăng của Trung Quốc với vùng Trung Á đang tiếp tục được đẩy mạnh với các kế hoạch lập một quỹ 16,3 tỷ đô la để tài trợ cho các dự án đường sắt, đường bộ, ống dẫn khí đốt trong khắp vùng. Bắc Kinh đã xây dựng mạng lưới ống dẫn khí đốt Trung Á-Trung Quốc, bắt đầu từ Turkmenistan (dọc biên giới với Uzbekistan) và chạy qua Uzbekistan, Kyrgyzstan và Kazakhstan (hai nước láng giềng) trước khi tới tỉnh Tân Cương, phía tây Trung Quốc. Năm ngoái, Trung Quốc khởi công một đường ống dẫn khí đốt chạy từ Tajikistan (cũng là một láng giềng) đến Tân Cương ở tây bắc Trung Quốc; một hệ thống đường ống khác sẽ cung cấp dầu từ ngoài khơi biển Caspian của Kazakhstan tới tỉnh này.

Khi xoay trục chiến lược sang phía đông, Nga đang đấu tranh để duy trì ảnh hưởng của mình tại Trung Á – trong lúc Trung Quốc đang di chuyển về phía tây với ý đồ trở thành một cường quốc Âu-Á lớn. Thực tế là Nga-Trung đang tìm kiếm cơ sở chung và mối quan hệ kinh tế, quân sự chặt chẽ của họ chỉ làm nổi bật những lợi ích cạnh tranh của hai nước tại « vùng ngoại biên gần gũi » của Nga. Với thái độ hữu nghị bề ngoài và hai bên cùng có lợi, Nga, «cường quốc hết thời » và Trung Quốc, « nước muốn trở thành cường quốc lớn », đang lao vào một cuộc ganh đua để chiếm ưu thế tại vùng Âu-Á.

Theo RFI tiếng Việt

(*) Anita Inder Singh là giáo sư thỉnh giảng tại Trung Tâm vì Hoà bình và Giải quyết Xung đột, tại New Delhi.


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề