Bóng đá Việt Nam và cái giá của niềm tin

Khi “vết thương lòng” vừa mới lên da non, thì một lần nữa nền bóng đá rơi vào trạng thái khủng hoảng niềm tin. Trận thua mất mặt trước Malaysia ở bán kết lượt về AFF Cup 2014 chỉ là cái cớ, vấn đề còn lại với những người đứng đầu nền bóng đá là: Ứng xử thế nào với cuộc khủng hoảng không hồi kết, đã và đang phát tác trên diện rộng?

Không thể chối bỏ quá khứ được, song với những động thái và diễn biến tiếp theo, vẻ như U19 Việt Nam đang trở thành cái phao, để người ta vin vào, với đích ngắm gần nhất là vòng loại U23 châu Á và SEA Games 28 (Singapore, năm 2015). Điệp khúc vá víu thấy quen quen!

Một lần bất tín…

Người xưa vẫn có câu: “Một lần bất tín, vạn lần bất tin”, đại ý rằng, khi con người ta bội ước dù chỉ một lần, cả đời họ sẽ phải tìm cách sửa sai, để hy vọng vớt vát lại niềm tin. Nhưng, nền bóng đá Việt Nam, không chỉ một lần bội ước, mà rất, rất nhiều lần chúng ta khiến người hâm mộ phải tổn thương, hoang mang, không biết tin vào ai và vào đâu.

Câu chuyện dài nhiều tập này đã diễn ra hàng thập niên rồi, đau lòng, nhưng vẫn phải nhắc lại, bởi lịch sử vẫn hiện diện ở đó.

Chỉ trong năm 2014, nền bóng đá đã phải đối diện với 2 đại án tiên cực: Vụ 9 cầu thủ V.Ninh Bình tham gia dàn xếp tỷ số và đánh bạc ở AFC Cup và sự việc 6 cầu thủ khác của Đồng Nai phải xộ khám, với tội danh bị khởi tố tương tự, tại các trận đấu ở V-League 2014. Cùng với những thất bại liên miên, khó hiểu của các đội tuyển quốc gia từ 6 năm qua, khiến nền bóng đá trở nên hỗn mang, như một đống hoang tàn.

Việc gầy dựng lại, chí ít là niềm tin, vì thế rất khó khăn.

Với Toshiya Miura, thực tế là, Olympic Việt Nam và đội tuyển Việt Nam, đã rất nỗ lực cải thiện hình ảnh và hy vọng “trục vớt” con tàu mang tên bóng đá Việt Nam không bị… “đánh đắm”. Chúng ta chơi tưng bừng ở Asian Games 17, kế đến, những biểu hiện khá lạc quan của đội tuyển Việt Nam ở AFF Cup 2014. Song, như thể đã là thuộc tính rồi, khi tất cả đang hướng về điều tốt đẹp, thì nỗi ám ảnh lại trở về.

Tất cả đều thống nhất với nhau rằng, kết quả (thắng hay thua) một trận đấu bóng đá, là điều rất đỗi bình thường, nhưng cái dị thường nằm ở cách đội bóng thua trận. Malaysia không hay hơn ở Mỹ Đình, thế mà chúng ta đã tự dâng chiến thắng cho họ, bằng một chuỗi những sai lầm khó chấp nhận của hàng thủ.

Những người có chút am tường về bóng đá, hoặc tốt hơn là từng chơi bóng, sẽ thấy rất khó hiểu với cách thức tiếp cận trận đấu của đội tuyển Việt Nam và cách cầu thủ mắc sai lầm.

Chúng ta ném cơ hội chơi chung kết qua cửa sổ và quan trọng hơn, các học trò của HLV Toshiya Miura tự triệt tiêu dịp may hiếm có, để cứu vãn đức tin, nơi người hâm mộ. Họ đã chơi bóng, đã chiến đấu, đã phải đổ bao mồ hôi và nước mắt, thậm chí cả máu, nhưng nếu chơi bóng để chiến bại bởi sai lầm của một vài mắt xích trong đội hình, thì bao công sức đều đổ sông, đổ bể hết.

“Vá” đến bao giờ

Sau trận thua khó hiểu của đội tuyển Việt Nam, khiến chúng ta bị loại khỏi cuộc chơi và nguy hiểm hơn, khiến vết thương lòng trở nên nặng hơn, khi đích thân Chủ tịch VFF, ông Lê Hùng Dũng “quá nhanh” tuyên bố mời cơ quan chức năng vào điều tra trận thua bất thường.

Phát biểu của người đứng đầu VFF có thể không sai, nhưng rõ ràng đã khiến bóng đá Việt Nam thêm một phen dậy sóng. Rất nhiều ý kiến từ những nhà chuyên môn, các HLV và cầu thủ, cho rằng, VFF đã quy chụp thiếu căn cứ, thậm chí là xúc phạm họ ghê gớm. Mới ngày hôm qua còn tung hô, chúc tụng, thì hôm nay thái độ đã lại khác hoàn toàn. Lằn ranh giữa người hùng và tội đồ trong bóng đá, chưa bao giờ mong manh đến thế. Nhưng lỗi là do ai?!

Thủng, thì phải vá. Ví như sau đại án Bacolod, Philippines năm 2005, các đội tuyển quốc gia (tiếp tục được dẫn dắt bởi HLV Alfred Riedl) đã chơi tưng bừng tại vòng loại Olympic Bắc Kinh và vòng chung kết Asian Cup, cho đến bây giờ, vẫn để lại tiếng thơm. Dù ông Riedl đã thất bại ở kỳ SEA Games 24 khi ấy, nhưng một năm sau, phù thuỷ Henrique Calisto đã giúp nền bóng đá gỡ gạc, thậm chí trả cả vốn lẫn lãi, bằng chức vô địch AFF Cup 2008, lần đầu tiên trong lịch sử nền bóng đá.

Song, giới am tường hiểu rằng, đó chỉ là cách vá víu mang tính tạm thời, chứ về lâu dài rõ ràng không ổn. Khi cái tên U19 Việt Nam, với nòng cốt là lứa cầu thủ đầu tiên thuộc Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG của bầu Đức, xuất hiện, chúng ta bắt đầu nghĩ đến một viễn cảnh tốt đẹp hơn. Bóng đá là một sản phẩm và suy cho cùng, người hâm mộ có quyền chọn và mua sản phẩm có thể chưa phải tốt nhất, nhưng ưa nhìn nhất, hợp với túi tiền nhất. Tình yêu không có lỗi!

Sau thất bại của đội tuyển Việt Nam, giới thạo tin tin rằng, kỷ nguyên U19 bây giờ mới thực sự bắt đầu: Vòng loại U23 châu Á và thiết thực hơn, sân chơi SEA Games 28 dành cho các cầu thủ dưới 23 tuổi. Kế đến, đương nhiên là vòng loại World Cup, vòng loại Asian Cup. Vv và vv. Và thế, phần còn lại của nền bóng đá, trở nên thừa thãi?!

Theo TTVH.


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề