“Bốn toàn diện” và “Giấc mơ Trung Hoa” của Tập Cận Bình

Cuối năm 2014, trong chuyến thăm tỉnh Giang Tô, Chủ tịch Trung Quốc đã lần đầu tiên nhắc đến cụm từ “Bốn toàn diện” và coi đó là yếu tố sống còn của sự nghiệp “phục hưng Trung Quốc vĩ đại”.

Sau 10 ngày làm việc, chiều ngày 13/3, Hội nghị Chính trị Hiệp thương nhân dân toàn quốc (gọi tắt là Chính hiệp) Trung Quốc đã bế mạc. Phát biểu tại phiên bế mạc, ông Du Chính Thanh, Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc đã nhấn mạnh người dân Trung Quốc phải kiên trì và tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, quán triệt tinh thần của Hội nghị Trung 4, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khoá 18, quán triệt, đẩy mạnh thực hiện “bốn toàn diện”.

Vậy, thực chất “Bốn toàn diện” mà ông Tập Cận Bình nêu ra là gì? Theo tờ “Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng” (Hong Kong) số ra ngày 26/2, thuyết “4 toàn diện” của nhà lãnh đạo Trung Quốc về cai quản đất nước Trung Quốc đã được truyền thông nước này đưa tin và quảng bá rầm rộ ngay trước kỳ họp Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc.

Tuy nhiên, giới chuyên gia phân tích cho rằng thuyết “4 toàn diện” của ông Tập Cận Bình không có gì mới và vẫn trung thành với các khái niệm cũ, trong đó đề cập đến việc xây dựng toàn diện một xã hội khá giả hài hòa, cải cách mạnh mẽ, quản lý đất nước nghiêm khắc theo luật pháp và thực thi nghiêm ngặt kỷ luật đảng.

Vậy Trung Quốc giải thích gì về “Bốn toàn diện”? Bài viết mới đây đăng trên tờ Nhân dân nhật báo – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc về vấn đề này.

Thứ nhất: Xây dựng xã hội khá giả toàn diện

Trong báo cáo tại Đại hội Đảng lần thứ 18 do Tập Cận Bình làm tổ trưởng tổ soạn thảo lần đầu tiên đưa ra “mục tiêu chiến lược của xây dựng xã hội khá giả toàn diện”, đồng thời đã xác định mục tiêu đến năm 2020 biến Trung Quốc thành một “xã hội khá giả toàn diện”.

Theo các nhà phân tích, mục đích chính ẩn sau cùm từ hào nhoáng này là ông Tập Cận Bình muốn nhắm đến sự ổn định và hòa bình lâu dài trong xã hội tương lai của Trung Quốc.

Có học giả cho rằng “xã hội khá giả” về mặt ý nghĩa nào đó chính là “xã hội tư sản dân tộc” mang bản sắc Trung Quốc. Do vậy, quốc gia hiện đại hóa “giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa”, trước tiên là một nước “khá giả”, tức là nước đông tầng lớp trung lưu. Xây dựng xã hội khá giả toàn diện chính là phải làm cho tầng lớp trung lưu được đông đảo, trở thành dòng chính trong tầng lớp xã hội.

So sánh nghiên cứu chính trị học cho thấy tầng lớp trung lưu là nhân tố và lực lượng bảo vệ thể chế hiện hành nhiều nhất, là chất bôi trơn quan trọng trong chuyển đổi mô hình quốc gia hiện đại.

Thứ hai: Cải cách sâu sắc toàn diện

Về mặt lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc, các Hội nghị toàn thể lần thứ 3 từ khóa 11 đến nay đến nay đều mang màu sắc cải cách. Hội nghị trung ương 3 khóa 18 đưa ra quyết chiến lược “cải cách sâu sắc toàn diện”, công khai với bên ngoài rằng Trung Quốc dưới sự dẫn dắt của Tập Cận Bình sẽ là một thời đại cải cách chưa từng có, một thời đại gánh vác trọng trách lịch sử.

Nhà kinh tế học người Mỹ Mancur Olson đã đưa ra một sự giải thích thông thường đáng tin cậy đối với nguyên nhân suy tàn của các quốc gia, đó là sự tồn tại của nhiều nhóm lợi ích riêng, liên minh lợi ích riêng.

Trải qua mấy chục năm cải cách mở cửa, trong hệ thống kinh tế chính trị của Trung Quốc đã hình thành một số nhóm lợi ích riêng, tham nhũng trục lợi, phân hóa giàu nghèo, thiếu công bằng. Nhiệm vụ của Trung Quốc là phải ngăn chặn sự lan rộng của các nhóm lợi ích riêng, phải phá vỡ được sự ràng buộc cơ chế, thể chế, dám đương đầu với các vấn đề khó khăn và nguy hiểm.

Điều cần chỉ ra là các nhóm lợi ích riêng tồn tại ở rất nhiều quốc gia, kể cả các nước phát triển như Anh, Mỹ… Để phá bỏ các nhóm lợi ích cần có một cuộc cách mạng, tuy nhiên cuộc cách mạng như vậy rất khó thực hiện ở phương Tây.

Chính trị của các chính đảng phương Tây hao tổn nghiêm trọng, ngày càng rơi vào “nền chính trị phủ quyết”, đồng thời sự cạnh tranh các chính đảng phụ thuộc nghiêm trọng vào các nhóm lợi ích riêng, hiện tượng chính sách công bị ép buộc nghiêm trọng.

Việc cải cách sâu sắc toàn diện của Trung Quốc lại là một cuộc cách mạng toàn diện. Một loạt biện pháp cải cách được Hội nghị trung ương 3 khóa 18 đưa ra là hiếm có trong lịch sử cải cách thế giới.

Nội bộ đảng chấp chính Trung Quốc lần lượt thành lập nhiều tổ công tác, đồng thời do các nhà lãnh đạo cấp cao làm tổ trưởng, vừa là giữ tính tự chủ tương đối của nhà nước, làm cho các quyết sách chung không chịu sự ảnh hưởng của các nhóm lợi ích riêng, vừa không chi phối phi lý các cử tri.

Toàn cảnh phiên khai mạc Chính hiệp Trung Quốc hôm 3/3/2015.

Toàn cảnh phiên khai mạc Chính hiệp Trung Quốc hôm 3/3/2015.

Thứ ba: Quản lý đất nước bằng pháp luật toàn diện

Quyết định “thúc đẩy quản lý đất nước bằng pháp luật toàn diện” mà Hội nghị trung ương 4 khóa 18 thông qua là quyết định đầu tiên trong lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc về tăng cường xây dựng pháp trị với triết lý: “Quốc gia không thể mạnh mãi, cũng không thể yếu mãi. Người thực thi pháp luật mạnh mẽ thì nước mạnh, người thực thi pháp luật yếu đuối thì nước yếu”.

Cha đẻ của “Thuyết về hồi kết của lịch sử” Francis Fukuyama nêu rõ một xã hội có trật tự tốt cần ba nhân tố quan trọng tạo thành: Chính phủ mạnh, pháp trị và cơ chế trách nhiệm dân chủ. Hơn nữa, ba nhân tố có thứ tự chặt chẽ. Nhân tố “chính phủ mạnh” đứng đầu chứ không phải “dân chủ”.

Việc chưa có khả năng thống trị hiệu quả sẽ có thể khiến cho tất cả các chính phủ tiến hành dân chủ hóa gặp thất bại. Xem xét tình hình các nước trên thế giới, cho dù là quốc gia phát triển hay đang phát triển, việc quản lý tốt về chính trị của họ đều phải phụ thuộc vào pháp trị. Chẳng hạn, Singapore chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo, đặc trưng lớn nhất của quản lý đất nước là đề cao tinh thần pháp trị.

Ngược lại, những quốc gia hoặc vùng lãnh thổ coi nhẹ pháp trị, nới lỏng pháp trị thường dẫn đến đất nước rối ren, nhân dân oán thán.

Khuyết điểm lớn nhất trong các vấn đề còn tồn tại của Trung Quốc vẫn là thiếu quyền lực pháp trị. Việc tin vào biếu xén hơn là pháp luật, “bẫy Tacits” cảnh báo khi chính phủ mất uy tín thì mọi lời nói dù đúng hay sai của họ sẽ bị dân chúng coi là lời nói dối chắc chắn là do thiếu quyền lực của pháp luật. Muốn giải quyết vấn đề “lo ngại về sự lớn mạnh” của Trung Quốc thì quyền lực pháp trị chắc chắn là biện pháp hiện đại nhất, văn minh nhất, hiệu quả nhất.

Hội nghị trung ương 4 khóa 18 đã đề xuất hơn 180 biện pháp cải cách pháp trị quan trọng, đa phần là những vấn đề khó khăn liên quan đến điều chỉnh mối quan hệ giữa các lợi ích.

Cải cách trong lĩnh vực pháp trị có liên quan chặt chẽ đến cải cách chính trị, mức độ khó khăn về cải cách rất lớn, xã hội rất quan tâm, đặc biệt cần dũng khí tự cải cách. Tuy nhiên, cải cách pháp trị liên quan đến việc đảng cầm quyền có lãnh đạo lâu dài mà điều này thì liên quan đến việc quản lý tốt xã hội có được thực hiện thuận lợi hay không? Liên quan đến việc Trung Quốc có phục hưng được hay không? Ý nghĩa của vấn đề này rất lớn, phải hạ quyết tâm lớn để thực hiện.

Thứ tư: Quản lý Đảng nghiêm khắc toàn diện

Quản lý Đảng nghiêm khắc toàn diện là điều mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chính thức đề xuất khi phát biểu tổng kết hoạt động thực tiễn giáo dục quần chúng của Đảng vào tháng 10/2014.

Trong bài phát biểu của mình, Tập Cận Bình nêu, bài học lớn nhất khiến Đảng Cộng sản Liên Xô sụp đổ vẫn là khả năng quản lý đảng kém. Chỉ cần quản lý đảng tốt, tiến trình hiện đại hóa của Trung Quốc có sự bảo đảm mạnh mẽ từ sức mạnh của chính đảng, có hy vọng lớn để thực hiện giấc mộng Trung Hoa – cuộc phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Quốc.

Quan điểm này rất giống với quan điểm của chuyên gia chính trị người Mỹ Samuel P.Huntington cho rằng điều kiện quan trọng nhất của trật tự tốt là một chính phủ mạnh. Do đó, chỉ khi Trung Quốc duy trì quản lý nghiêm khắc Đảng, quản lý đảng bằng cơ chế, tiến trình hiện đại hóa của Trung Quốc chính là ổn định trật, thì mới có thể phát triển được.

Nếu nội bộ đảng không trong sạch, thiếu chính nghĩa, bị các phe phái và nhóm lợi ích gạt bỏ, cơ chế và quy tắc trở thành ràng buộc mềm, không thể chỉ đạo đất nước đi theo hướng phục hưng.

Đây cũng là nguyên nhân quan trọng khiến Tập Cận Bình nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu “ba nghiêm ba thực” (“ba nghiêm” là nghiêm túc tu thân, nghiêm túc sử dụng quyền lực, nghiêm túc tuân thủ luật pháp, “ba thực” là phải thành thực khi theo đuổi sự nghiệp, phải thành thực khi lập nghiệp và thành thực để làm người), nghiêm túc trong sinh hoạt đảng là vấn đề chính trị quan trọng nhất.

Infonet


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề