Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: Chúng tôi “sẽ bay, sẽ ra khơi và sẽ hành động” ở Biển Đông

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã nhấn mạnh một lần nữa, sau một cuộc họp với đồng cấp người Úc, rằng Mỹ sẽ không bị đe dọa vì những lời cảnh báo của Bắc Kinh và sẽ có mặt ở Biển Đông theo luật quốc tế.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố rằng quân lực Hoa Kỳ sẽ có mặt ở Biển Đông, cũng như ở các vùng biển quốc tế khác.

Tại một cuộc họp báo chung được tổ chức tại Boston sau cuộc họp với đồng cấp người Úc Marise Payne, Carter nói rằng khu vực nhạy cảm không phải là một “ngoại lệ”.

“Tôi nói một cách chắc nịch thế này, chúng tôi sẽ bay, sẽ ra khơi và hành động bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép, như chúng tôi đang làm như vậy trên toàn thế giới và Biển Đông sẽ không là một ngoại lệ”, Carter tuyên bố.

Ông cũng trả lời một câu hỏi về sự hiện diện của Mỹ trong khu vực 12 hải lý (22 km) đã được phân ranh giới xung quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trong quần đảo Trường Sa và trên đó Bắc Kinh đã tuyên bố đấy là lãnh thổ Trung Quốc.

“Chúng tôi sẽ làm việc đó vào thời gian và địa điểm chúng tôi chọn”, Carter nói.

Các quan chức ở Bắc Kinh đã bày tỏ sự không hài lòng vào tuần trước về các cuộc diễn tập theo kế hoạch của các tàu chiến Mỹ ở vùng biển tranh chấp. Hôm thứ Sáu, Trung Quốc đã công bố sẽ không cho phép xâm phạm vùng lãnh hải của họ với danh nghĩa tự do hàng hải.

“Chúng tôi sẽ không bao giờ cho phép bất cứ nước nào xâm phạm vùng biển và vùng trời Trung Quốc thuộc quần đảo Trường Sa với lý do bảo vệ tự do hàng hải và tự do bay [trên khu vực]”, bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố.

Mỹ và các đồng minh của mình ở châu Á, kể cả Nhật Bản, đã yêu cầu Bắc Kinh đình chỉ các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo – đây là một vấn đề trung tâm của quan hệ ngày càng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng nước ông không có ý định quân sự hóa các đảo, nhưng các nhà phân tích ở Washington và các quan chức Mỹ cho rằng Bắc Kinh đã bắt đầu triển khai quân sự ở đó.

Đô đốc Harry Harris, chỉ huy lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương, cho biết việc phát triển các đảo nhân tạo của Trung Quốc, kể cả việc xây dựng một số đường băng cho quân đội sử dụng, là nguồn gốc của mối lo ngại lớn và mối đe dọa cho toàn bộ khu vực.

Trong tháng 5, hải quân Trung Quốc đã ban hành tám cảnh báo cho phi đội máy bay giám sát Mỹ P8-A Poseidon trong thời gian phi đội này đang bay gần các đảo nhân tạo của Trung Quốc, theo lời một nhóm phóng viên CNN khi đó đang có mặt trong khoang của máy bay Mỹ cho biết.

Biển Đông là một tuyến đường thủy chiến lược được sử dụng để vận chuyển hàng hóa, chiếm một giá trị tổng cộng 5 nghìn tỷ USD mỗi năm, trong đó có 1,2 nghìn tỷ USD thu được trong thương mại.

Trung Quốc tuyên bố hầu hết các vùng biển Nam Trung Quốc (tên quốc tế đang được dùng để gọi Biển Đông), nơi có quần đảo Trường Sa đều thuộc chủ quyền của mình. Trong khi đó, Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền đối với một số phần trong khu vực này.

Trí Lê (Theo Đại Kỷ Nguyên)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề