Bộ trưởng Nội vụ Châu Âu họp khẩn bàn về khủng hoảng di dân
Vài giờ sau khi Đức, Pháp và Anh Quốc lên tiếng kêu gọi phải có biện pháp chung giải quyết cuộc khủng hoảng di dân, hôm qua, 30/08/2015, Luxembourg, nước hiện là Chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu, đã ra thông cáo triệu tập một cuộc họp khẩn cấp các Bộ trưởng Nội vụ trong Liên Hiệp, vào ngày 14/09, bởi vì làn sóng nhập cư ở bên ngoài và bên trong đường biên giới Liên Hiệp Châu Âu đã lên tới mức chưa từng thấy.

Cuộc họp ngày 14/09 có mục đích đánh giá tình hình trên thực địa, các biện pháp đang được tiến hành và thảo luận những sáng kiến mới để tăng cường hành động chung của Châu Âu.

Trong khi đó, Hà Lan cho biết sẽ tăng cường các biện pháp cứng rắn ngăn chặn nạn nhập cư bất hợp pháp, như bãi bỏ trợ giúp lương thực và nhà ở đối với những người đã bị từ chối quy chế tỵ nạn. Những người này sẽ chỉ có vài tuần để rời khỏi lãnh thổ Hà Lan.

Từ Bruxelles, thông tín viên Quentin Dickinson cho biết thêm thông tin:

Đối với chính phủ Hà Lan, những người xin tỵ nạn mà hồ sơ đang được xem xét, hay những người mà đơn xin tỵ nạn đã được chấp nhận thì không có vấn đề gì. Ngược lại, Hà Lan không chấp nhận nhiều người nước ngoài không chịu rời khỏi lãnh thổ nước này, trong khi họ không được hưởng quy chế tỵ nạn theo công ước Liên Hiệp Quốc và thậm chí, họ đã được thông báo rõ ràng là bị từ chối cấp quy chế tỵ nạn.

Nói một cách khác, chính phủ Hà Lan muốn chuẩn bị chỗ để đối phó với làn sóng người nhập cư Syria hoặc Ethiopia, bởi vì đơn xin tỵ nạn của những người này hầu như luôn luôn được chấp nhận.

Do vậy, chính phủ Hà Lan đã quyết định ngừng các hoạt động của khoảng ba chục trung tâm đón tiếp, có tên gọi là Bed, Bad, en Brood – Giường, nhà tắm và bánh mỳ. Sáu trung tâm lớn sẽ đóng vai trò đón tiếp tạm thời, trước khi đưa những người bị từ chối quy chế tỵ nạn trở về nước của họ.

Quyết định này, cho dù là hợp pháp, nhưng theo Thủ tướng Mark Rutte, cho thấy rõ tình trạng nhắm mắt làm ngơ của các chính phủ tiền nhiệm. Thế nhưng, liên minh cầm quyền hiện nay, trong đó có đảng xã hội dân chủ suýt tan vỡ vì nhiều thành viên đảng này rất chống lại quyết định nói trên và cho rằng đó là biện pháp vô nhân đạo.

Nguồn RFI tiếng Việt


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề