Bộ Quốc phòng Việt Nam lên tiếng về quân cảng Cam Ranh

Đoàn cán bộ cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam do Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh dẫn đầu vừa có chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ trong mấy ngày qua.

Việt Nam không tham gia trò chơi quyền lực của nước lớn

Trả lời phỏng vấn báo VietNamNet, trước câu hỏi về những trọng tâm trong quan hệ quốc phòng song phương Việt Nam – Hoa Kỳ, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định, điều quan trọng nhất trong quan hệ quốc phòng 2 nước là xây dựng lòng tin. Hai bên cần hợp tác để cùng giữ gìn hoà bình, cùng phát triển đóng góp cho ổn định của khu vực và thế giới. Đó là điều quan trọng nhất mà hợp tác quốc phòng đem lại.

Để đạt được mục tiêu này, theo ông, có rất nhiều việc phải làm trong thời gian dài, với một nhịp độ vừa phải, làm hài lòng cả hai bên, phù hợp với tình hình phát triển hiện nay, đồng thời cũng phải phù hợp với đặc thù của lịch sử quan hệ hai nước.

Về hướng hợp tác quốc phòng Việt-Mỹ trong bối cảnh khu vực châu Á – TBD, Đông Nam Á, đặc biệt là khu vực Biển Đông vẫn còn những nguy cơ tiềm tàng gây bất ổn an ninh, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết:

“Trong quan hệ quốc phòng nói riêng và quan hệ chiến lược nói chung, trong bối cảnh khu vực châu Á – TBD có sự can dự của nhiều thế lực, nhiều nước lớn, với nhiều yếu tố và sức mạnh khác nhau, thì chúng tôi yêu cầu hai điểm.

Thứ nhất là hoà bình, ổn định cho Việt Nam.

Thứ hai, chúng tôi sẽ không tham gia vào bất cứ trò chơi cạnh tranh quyền lực nào của các nước lớn. Việt Nam không theo bất cứ một phía nào để chống một phía khác”.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam khẳng định: Chúng ta với tư cách là một thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế, thành viên LHQ cũng như thành viên ASEAN, chỉ thực hiện nghĩa vụ của mình đóng góp vào hoà bình, ổn định của thế giới trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, hiến chương LHQ.

Đó cũng chính là đường lối đối ngoại độc lập tự chủ của nước ta.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng nếu VN không phát triển mạnh mẽ hơn nữa quan hệ quốc phòng với Mỹ, thậm chí là liên minh quân sự với Mỹ, thì sẽ bỏ lỡ cơ hội đảm bảo tốt hơn chủ quyền, đặc biệt là chủ quyền trên biển?

Đây không phải là điều chúng ta nghĩ ra vào thời điểm này. Đây là quy luật, là chân lý, là bài học ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Đây cũng là quy luật phát triển của đất nước ta trong những năm mãi về sau này. Giữ độc lập tự chủ, không tham gia bất cứ trò chơi quyền lực nào, không dựa vào bên này chống bên kia… Cái đó không có nghĩa là chúng ta cố thủ, mà có nghĩa là chúng ta giữ được trách nhiệm của mình với hoà bình ổn định khu vực.

Không phải chỉ các hành động gây ảnh hưởng đến quốc gia thì chúng ta mới chống, mà gây phương hại đến bất cứ quốc gia nào khác ta cũng sẽ không đồng tình và sẽ phản đối bằng khả năng của mình. Nên việc giữ được độc lập tự chủ ấy sẽ đảm bảo cho Việt Nam có được một nền hoà bình lâu dài, bền vững.

Hợp tác ở Cam Ranh không gây nguy hại cho bên thứ ba

Trong khi đó, đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh cũng có buổi đối thoại với đại sứ Mỹ ở Việt Nam Ted Osius tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) ở Washington (Mỹ) ngày 24/3.

Trước đó, Reuters dẫn lời một quan chức ngoại giao Mỹ giấu tên cho biết, Washington đã đề nghị Hà Nội ngừng để Nga sử dụng căn cứ Cam Ranh để tiếp dầu cho máy bay ném bom.

“Chúng tôi đã thúc giục các quan chức Việt Nam đảm bảo để Nga không thể sử dụng việc tiếp cận căn cứ Cam Ranh để tiếng hành các hoạt động gây căng thẳng trong khu vực”, quan chức này nói.

Về vấn đề này, trong buổi đối thoại, đại sứ Phạm Quan Vinh cho rằng, Việt Nam có chính sách đối ngoại độc lập và chính sách đối tác thân thiện đối với tất cả các nước. Việt Nam không thiết lập quan hệ với nước này để làm tổn hại đến nước khác.

“Chúng tôi tạo điều kiện cho tất cả quốc gia đến Cam Ranh với mục đích sử dụng dịch vụ hậu cần. Tôi phải nói rằng sân bay của chúng tôi, những địa điểm ở đất nước chúng tôi và những hiệp định mà chúng tôi ký kết với nước khác sẽ không bao giờ gây nguy hại cho một bên thứ ba”, báo Tuổi trẻ dẫn lời đại sứ Vinh phát biểu trước nhiều khán thính giả ở Washington.

Về phần mình, đại sứ Ted Osius bày tỏ quan điểm Mỹ tôn trọng những hiệp định mà Việt Nam ký kết với những nước khác.

“Chúng tôi tôn trọng và hiểu những mối quan hệ truyền thống của Việt Nam. Nhưng tôi cho rằng Nga không nên sử dụng hiệp định ký kết với Việt Nam để tham gia những hành động gây căng thẳng trong khu vực” – đại sứ Ted Osius nói.

Về mua bán vũ khí, đại sứ Phạm Quang Vinh mong muốn Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Ông cho biết năm nay là dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước, nên hai bên phải bình thường hóa tất cả lĩnh vực, trong đó có lệnh cấm bán vũ khí sát thương.

Tuy nhiên, đại sứ Ted Osius xác nhận hiện hai bên chưa có ký kết hợp đồng mua bán vũ khí nào dù thời điểm hiện tại là cơ hội rất thuận lợi.

“Việt Nam có nhiều đối tác truyền thống trong lĩnh vực này và Việt Nam cũng đã quen thuộc với những đối tác này. Chúng tôi là đối tác mới nên việc buôn bán và chuyển giao vũ khí cho Việt Nam không thể diễn ra nhanh được mà đòi hỏi một quá trình từ từ” – đại sứ Ted Osius giải thích.

Đại sứ Phạm Quang Vinh cho rằng Việt Nam và Mỹ cần xác định nhu cầu của nhau, Việt Nam cần thiết bị nào và Mỹ có thể cung cấp gì. Ông Vinh cũng nhấn mạnh hai nước đang trong quá trình thảo luận để hiểu nhau hơn, việc Việt Nam đề nghị Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương là nằm trong chính sách phòng vệ của Việt Nam.

Lê Hiếu (theo Đất Việt)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề