“Bộ Nông nghiệp khôn nhà khôn chợ, còn Bộ Y tế khôn nhà, dại chợ”

Đại biểu Nguyễn Văn Tiên cho rằng, hiện chúng ta chỉ biết tuân theo những gì quốc tế đưa ra, còn hàng rào kỹ thuật của chúng ta rất kém, nhưng không thấy ai lo việc này.

Phát biểu trước Quốc hội vào sáng nay, đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) cho hay, trong Báo cáo gia nhập WTO của Chính phủ cũng như của UBTVQH có một câu không thấy đại biểu nào chú ý nhưng quan trọng, đó là khả năng lập hàng rào kỹ thuật rất yếu.

Lý giải thêm, đại biểu Tiên cho rằng, hiện chúng ta chỉ biết tuân theo những gì quốc tế đưa ra còn hàng rào kỹ thuật của chúng ta rất kém, nhưng không thấy ai lo việc này.

“Thực tế trong buổi chất vấn vừa qua nổi lên rất rõ, khi các đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát về việc hạn chế các loại thuốc bảo vệ thực vật theo hóa chất.

Thực ra, chúng tôi đánh giá rất cao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra một hàng rào kỹ thuật để bảo vệ thị trường trong nước, bảo vệ người dân để ổn định, không làm rối thêm thị trường.

Nhưng từ góc độ lợi ích nào đó của các doanh nghiệp thì họ rất thắc mắc”, ông Tiên nói.

Cũng theo ông Tiên, ý kiến phát biểu của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cũng nói là cần có hàng rào kỹ thuật về phân bón và đáng lẽ Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải mạnh mẽ hơn để bảo vệ điều này.

Chứng minh khả năng hàng rào kỹ thuật vì tâm huyết, vì quản lý đất nước. Tuy nhiên, trong lĩnh vực này, ông cho rằng bản thân không thấy Chính phủ có chỉ đạo gì, vì các Bộ làm rất khác nhau.

“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì làm rất tốt, nhưng có những bộ chủ yếu tuân theo các quy định của nước ngoài, không đưa ra hàng rào kỹ thuật, điển hình là Bộ Y tế.

Báo cáo các đại biểu, cách đây 10 năm chúng ta có hàng rào kỹ thuật về một hóa chất chúng ta chỉ được sử dụng bao nhiêu loại thuốc, nhưng 10 năm trở lại đây Bộ Y tế bỏ hàng rào kỹ thuật đó.

Một hóa chất paracetamol có 600 loại thuốc đăng ký cho nên nó làm hỗn loạn thị trường. Các nước khác, kể cả các nước tư bản, kể cả các nước phát triển như Anh và Mỹ, một hoá chất chỉ cho đăng ký 15 – 20 loại.

Tôi hỏi các giáo sư có kinh nghiệm người ta nói nước nào họ cũng có hàng rào kỹ thuật.

Họ có nguyên tắc là anh nào đăng ký trước thì được phụ vụ trước còn anh nào đăng ký sau thì phải chứng minh được tốt hơn anh đăng ký trước thì mới được đăng ký”, ông Tiên cho hay.

Vị ĐBQH này nói thêm: “Chúng ta bỏ hàng rào đó mà nói như dân gian là “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khôn nhà khôn chợ còn Bộ Y tế là khôn nhà, dại chợ”. Chúng tôi nghĩ trách nhiệm chính của Chính phủ là chỉ đạo việc lập hàng rào kỹ thuật.

Vì sắp tới đây, chúng ta gia nhập Tổ chức thương mại thế giới, FTA, TPP rất lớn, nhưng không ai lo vấn đề này thì có nghĩa chúng ta bị nước ngoài dắt mũi rất lớn và chúng ta không bảo vệ được thị trường trong nước.

Do đó, tôi đề nghị Chính phủ, Quốc hội phải quan tâm đến vấn đề này. Vì những hàng rào kỹ thuật này không phải là luật, chúng ta không thể đưa vào luật được.

Nên Chính phủ phải đặc biệt chú ý đến vấn đề này và đặc biệt tuyển chọn những người có tâm huyết, có khả năng, có kinh nghiệm để làm vấn đề này. Nếu chỉ đi theo nước ngoài thì một lần nữa chúng ta tiếp tục “khôn nhà dại chợ”

Nguồn Trí thức trẻ


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề