Bloomberg: Kinh tế Trung Quốc đi xuống, Việt Nam và Ấn Độ phục hồi dần

Đà tăng trưởng chững lại của Trung Quốc bộc lộ điểm yếu và làm lu mờ nhiều ‘ngôi sao’ đang lên trong nền kinh tế châu Á. Song Bloomberg cũng cho hay nhiều dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế Việt Nam, Ấn Độ là các điểm sáng.

Bốn năm sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, các nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu.

Song Bloomberg hôm nay 13.7 đưa tin mức tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc đang làm giảm đà tăng trưởng kinh tế, bộc lộ rõ các điểm yếu của khu vực này: từ nhu cầu vay mượn của Indonesia tới khoản nợ khổng lồ của các hộ gia đình Hàn Quốc hay tình trạng quan liêu, tham nhũng đang ngăn cản các dự án cơ sở hạ tầng ở Philippines.

Xuất khẩu của 9 trên tổng số 12 nền kinh tế chủ chốt của châu Á đang sụt giảm mạnh, theo số liệu của Bloomberg. Cụ thể, xuất khẩu từ Hàn Quốc, vốn đóng góp tới 50% GDP của nước này, đã liên tục sụt giảm, chủ yếu vì nhu cầu từ nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới yếu đi. Trung Quốc là thị trường lớn nhất của Hàn Quốc.

Tháng 5, xuất khẩu của Philippine cũng giảm 17,4% so với cùng kỳ năm trước. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) vừa hạ dự báo tăng trưởng năm 2015 và 2016 của Philippines xuống còn 6,2% và 6,5%.

Điều làm tình hình nghiêm trọng hơn là không giống như thời kỳ năm 2008-2009, khi châu Á triển khai vô số các biện pháp kích thích kinh tế để chống lại khủng hoảng, lần này, khu vực đang ngập trong nợ. Ở một số nền kinh tế, lãi suất đã về mức thấp kỷ lục.

“Sự kết hợp giữa lợi suất đầu tư sụt giảm và nợ ở mức cao có thể dẫn đến tình trạng xuất khẩu vốn”, báo cáo của nhóm nghiên cứu tiền tệ ở ngân hàng Morgan Stanley cho biết. Một nhóm các giám đốc tài chính ở Singapore tham gia cuộc khảo sát của Bank of America Merrill Lynch nhận định tình hình có thể tồi tệ hơn.

Ngoài diễn biến kinh tế Trung Quốc, châu Á còn đối mặt với những nguy cơ như khả năng Hy Lạp rời khỏi eurozone và việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất.

Indonesia và Malaysia là hai trong số các nền kinh tế nhạy cảm nhất với đợt nâng lãi suất của Fed và xu hướng rút vốn. Hai nước này đồng nội tệ yếu trong khi vay nợ bằng ngoại tệ tăng cao. Đồng rupiah của Indonesia đã giảm 7% so với đô la Mỹ kể từ đầu năm, còn ringgit của Malaysia giảm gần 8% so với USD.

Ngược lại với tình hình trên, dấu hiệu hồi phục ở Việt Nam và Ấn Độ được Bloomberg đánh giá là những điểm sáng trong khu vực.
Song Gareth Leather, chuyên gia theo dõi các vấn đề kinh tế châu Á trong suốt một thập niên tại Capital Economics (London), nhận định: “Bức tranh tổng quát nhất là các nước sẽ tăng trưởng chậm hơn nhiều so với quá khứ”.

Vũ Văn (Theo Thanh Niên)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề