BÌNH LUẬN: Arsene Wenger chính là ‘cái chết’ dễ chịu của Arsenal!

Đã đến lúc chúng ta cần tách bạch giữa những ấn tượng của quá khứ vinh quang và hiện tại, giữa cảm giác an toàn và tham vọng thực sự của một đội bóng lớn, giữa sự kính trọng dành cho một trong những tên tuổi lớn và cách đánh giá hiệu quả công việc của ông ta, để chỉ ra nguyên nhân thực sự của khủng hoảng là HLV Arsene Wenger.

Nhà cầm quân người Pháp có đủ mọi quyền lực, sự ủng hộ, và thừa thời gian ở Arsenal, nhưng những gì ông làm được hiện tại hoàn toàn không có ý nghĩa so với những gì ông đã làm cách đây một thập kỷ, khi Pháo thủ còn là một thế lực lớn của bóng đá Anh.

Sự bất lực của ông Wenger

HLV người Pháp chính thức thừa nhận thất bại trong cả mùa giải (“Arsenal hết hy vọng vô địch”), dù mùa bóng mới đi qua 11 vòng, tức chỉ mới 1/4 chặng đường. Nếu những lời đó là của Jose Mourinho, đó nhiều khả năng là một “chiêu trò” nào đó, nhưng nếu là của Wenger, thì có lẽ là những lời lẽ bất lực và buông xuôi rõ ràng.

Thất bại trên sân Swansea khiến Arsenal khép lại 11 vòng với chỉ 17 điểm, số điểm tệ thứ nhì trong triều đại Wenger sau 11 vòng. Đáng nói hơn, số điểm tệ nhất qua 11 vòng đến cách đây chỉ 2 mùa, 16 điểm vào mùa 2012-13. Tức là tình hình ngày một tồi tệ hơn, dù đáng ra theo thời gian và quyền lực được mở rộng của ông Wenger, mọi chuyện phải tốt lên.

Số nợ dùng để xây sân Emirates đã được trả hết cách đây một mùa bóng, và quyền hạn của ông Wenger trên thị trường chuyển nhượng đã được chứng minh bằng hai bản hợp đồng lớn của CLB này, là Mesut Oezil mùa trước và Alexis Sanchez mùa này. Đầu tháng Tám, ông Wenger lên báo tuyên bố rằng giai đoạn mà Arsenal phải “bán máu” để tồn tại đã chấm dứt: “Chúng tôi khó bị tổn thương hơn, đó là điều chắc chắn”.

Quyền lực của Wenger ở Arsenal thì không cần phải bàn nữa. Ông có thể quyết định mọi thứ mình muốn. Từ hai năm trước, tờ Independent đã đặt dấu hỏi về mối quan hệ giữa trợ lý Steve Bould và ông Wenger: HLV người Pháp hầu hết đích thân làm mọi việc, và khiến công việc của trợ lý trở nên thừa thãi. Trên SkySport, Stewart Robson, một cựu tiền vệ Arsenal, chỉ trích rằng Wenger là một ‘kẻ độc tài’.

Ngay cả khi những câu chuyện ở trên có là sản phẩm thêu dệt của báo chí đi chăng nữa, thì chúng ta có lẽ đều thống nhất rằng ở Arsenal, Wenger có toàn quyền làm những gì ông muốn và thay đổi những gì ông cảm thấy có thể cản trở đội bóng tiến lên.

Wenger là một “cái chết” dễ chịu?

Đây là mùa thứ 17 liên tiếp Arsenal dự vòng bảng Champions League, đều dưới kỷ nguyên Wenger, một sự ổn định đáng kinh ngạc. Sự ổn định ấy có thể khỏa lấp đi một thực tế rằng họ chỉ mới vừa giải tỏa được cơn khát danh hiệu kéo dài 9 năm.

Nhưng không cần phải so sánh quá nhiều cũng thấy rằng khoảng cách từ một vị trí dự Champions League đến một nhà vô địch lẫm liệt của một thập kỷ trước là quá xa, và Arsenal thậm chí đang tệ đi. Dự vòng bảng Champions League không còn là một cuộc dạo chơi như những năm đầu của thời kỳ suy thoái: 3/4 mùa gần đây, họ đều phải đá vòng play-off. 2/3 mùa gần đây, như đã nói, họ giành số điểm tệ nhất và tệ nhì trong kỷ nguyên Wenger sau 11 vòng.

Nếu như việc Arsenal rơi từ trên ngai vàng xuống bậc thềm góp vui cho bữa tiệc Champions League được chấp nhận một cách đơn giản vì sự sùng kính dành cho quá khứ của ông Wenger, thì cũng sẽ đến một ngày, họ có thể chấp nhận một kết quả tệ hại hơn. Một ‘cái chết’ dễ chịu của đội bóng đã từng là thế lực đáng nể bậc nhất Premier League.

Ông Wenger có thể đem lại cảm giác an toàn vào lúc này, nhờ uy tín đã tạo lập được ở đây và khoảng thời gian gắn bó quá dài, nhưng chọn ông Wenger có lẽ cũng là chọn một chảo nước đang sôi lên từ từ và Arsenal là con ếch nằm trong đó. Con ếch sẽ chết trước khi nhận ra rằng đó là một chảo nước nóng. HLV người Pháp đã làm tất cả những gì có thể với quyền lực vô hạn ở Arsenal, nhưng mọi chuyện đã tuột khỏi tầm tay.

Theo TTVH.


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề