Bayern, Man City & luật công bằng tài chính

Đó là một trận đấu của một gã nhà giàu mới nổi với một thế lực mang tính truyền thống của làng bóng đá thế giới. Và xung quanh cuộc đối đầu này lại có rất nhiều thứ đáng ngẫm về cách quản lý và phát triển bóng đá.

Man City không phải là một đội bóng yếu trên bình diện châu Âu. Họ sở hữu một dàn sao đủ để khiến bất kì đối thủ nào cũng phải thèm thuồng. Chỉ có điều, họ chưa thực sự được coi là một đội bóng lớn vì không có truyền thống.

Man City: 1,1 triệu bảng/1 điểm

Man City chỉ mới nổi lên trong hơn một nửa thập kỷ trở lại đây, với thành công được mua bằng tiền của các ông chủ Arab. Hồi đầu tháng 11 vừa qua, trang Arabian Business đã đưa ra tính toán rằng mỗi điểm mà CLB này giành được ở giải ngoại hạng trong 6 năm qua, trị giá tới 1,1 triệu bảng. Cụ thể, Man City đã chi 483 triệu bảng để tăng cường lực lượng và giành được 441 điểm trong 6 mùa đó. 1,1 triệu bảng/1 điểm dĩ nhiên là một con số quá khổng lồ và khó tin.

Năm 1999 khi Christian Vieri chuyển từ Lazio đến Inter Milan với mức phí 32 triệu bảng, cố Giáo hoàng Jean Paul II đã thốt lên rằng đó là một sự phỉ báng với người nghèo. Chiếu theo quan điểm ấy của Giáo hoàng thì hành trình lột xác của Man City rõ ràng là không thể chấp nhận được. Chính những nhà quản lý bóng đá ở châu Âu cũng không chào đón việc sử dụng những liều doping tiền như trường hợp của Man City. Luật công bằng tài chính ra đời chính là một biện pháp của UEFA nhằm ngăn chặn những câu chuyện đổi đời chỉ sau 1 đêm tương tự như Man City trong tương lai.

Sức mạnh của nền tảng tài chính

Khi đội bóng quá lệ thuộc vào hầu bao của ông chủ thì đấy không phải là một sự phát triển bền vững. Nhưng lật ngược vấn đề luật công bằng tài chính lại cũng giống như một sự bảo hộ cho sự thống trị của những CLB khổng lồ. Bayern Munich chính là một ví dụ.

Với bề dày gây dựng và phát triển của mình, CLB xứ Bavaria đã tạo dựng được một vị thế tuyệt đối trong làng bóng đá Đức cả về nhân sự, truyền thống cho đến tài chính. Trong đó, quan trọng nhất chính là nền tảng tài chính. Bayern Munich đáng sợ đến mức, họ đã trả đủ khoản nợ từ việc xây dựng sân Allianz trước tới 16 năm so với dự kiến. Với tiềm lực như vậy, Bayern Munich dễ dàng chiêu mộ bất kì ngôi sao nào mà CLB này muốn, đặc biệt là trong biên giới nước Đức. Cách đây vài mùa, Dortmund còn lập nên chiến tích 2 lần liên tiếp đăng quang tại Bundesliga (2010-2011 và 2011-2012). Nhưng ở thời điểm này, CLB vùng Ruhr hoàn toàn không có cửa cạnh tranh với Bayern Munich.

Điều đó thể hiện qua sự chênh lệch điểm số khủng khiếp giữa 2 đội bóng trong 2 mùa giải gần đây (mùa 2012-2013 là 25 điểm, còn mùa 2013-2014 là 19 điểm). Tình trạng của Dortmund năm nay còn bi đát hơn khi họ đang ngụp lặn tận vị trí thứ 16 trên BXH. Sở dĩ, Bayern Munich tạo được cú lội ngược dòng ngoạn mục và chóng vánh như vậy chính là nhờ năng lực tài chính vượt trội của họ so với phần còn lại ở Bundesliga.

Mạnh vì gạo…

Bayern Munich dễ dàng cướp những ngôi sao từ tay Dortmund bằng những bản hợp đồng hậu hĩnh. Mùa 2013-2014 là Mario Goetze, năm nay là Lewandowski và mùa bóng sang năm rất có thể là Marco Reus. Chiến thuật ấy thực sự là một mũi tên trúng 2 đích: vừa làm Bayern Munich mạnh lên, đồng thời khiến đối thủ suy yếu. Đây có thể coi là một vũ khí chiến lược giúp Bayern Munich duy trì sự thống trị của mình ở Bundesliga.

Thật ra, các CLB của Đức không lạ gì những nước cờ của CLB xứ Bavaria. Nhưng họ đơn giản là không thể cưỡng lại được, khi cán cân tài chính là quá chênh lệch. Luật công bằng tài chính của UEFA sẽ ngăn không cho bất kì đội bóng Đức nào có thể tạo nên sự đột biến (kể cả những CLB thuộc sở hữu tư nhân như Leverkusen hay Wolfsburg).

Vì thế, khi Man City đương đầu với Bayern Munich đêm nay. Hẳn nhiều CLB Đức cũng ao ước có được may mắn đổi đời như Man City. Chỉ tiếc rằng, viễn cảnh ấy giờ là quá xa vời.

Theo TTVH.


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề