Bảy ngày làm thay đổi nước Pháp

Hậu Charlie là đề tại thời sự nổi bật trên các báo Pháp số ra hôm nay 19/01/2015. Nhật báo Le Monde, số ra cho hai ngày Chủ nhật 18 và thứ Hai 19/01 quay lại những cảm xúc và biến động trong bảy ngày đầu tiên sau khi xảy ra vụ thảm sát. Tờ báo đưa hàng tựa ấn tượng « Bảy ngày làm thay đổi nước Pháp ». Đó là bảy ngày đau đớn, sợ hãi và động viên tinh thần. Bảy ngày người dân Pháp bị nhấn chìm trong một cuộc khủng hoảng chưa từng có.

Bài báo viết, trong ba ngày đầu tiên, ba tên Hồi giáo cực đoan đã đánh vào tâm lý của người dân Pháp. Chỉ trong ba ngày đó, chúng đã lạnh lùng hạ sát tổng cộng 17 người, thuộc ba thành phần chính : nhà báo, cảnh sát và người Do thái. Những tên sát nhân đó gieo rắc cái chết, nhưng đồng thời cũng muốn áp đặt một kiểu « lô-gic », thế giới tâm linh của chúng.

Quả thật ngay từ ngày đầu tiên, vừa khi vụ thảm sát được loan báo trên các phương tiện truyền thông, người dân Pháp đã bị sốc mạnh và gần như không tin vào thực tại. Để rồi từ cảm giác bàng hoàng đó, họ trở nên phẫn nộ, đến mức một thường dân phải thốt lên « Thế giới này đã trở nên bệnh hoạn đến mức cả sự hóm hỉnh cũng trở thành một nghề nghiệp rủi ro rồi». Nhiều người còn cho rằng đó là ngày « 11/09 kiểu Pháp, một sự sụp đổ tượng trưng ».

Bởi vì vụ khủng bố đó tấn công vào biểu tượng của nền cộng hòa và nền dân chủ : đó là sự « tự do ». Người Pháp đã có những phản ứng rất là ngẫu hứng. Sự im lặng khó hiểu bất ngờ nhường chỗ cho những tràng pháo tay và những tiếng hô to : « Tự do, tự do ! », « Charlie, Charlie » và « Charlie-tự do ». Dòng chữ « Je suis Charlie » đã lan truyền trên các mạng xã hội với một tốc độ chóng mặt khoảng 6000 tweet/phút. Và chỉ tính trong vòng một tuần, dòng chữ đó đã được tweet lại đến 5 triệu lần. Bởi đó là cả một dòng cảm xúc mạnh, những chất vấn, hy vọng, tức giận và phẫn nộ.

Sự việc cũng cho thấy tinh thần đoàn kết của cả một quốc gia đa văn hóa và dân chủ, bất chấp sự khác biệt về đảng phái chính trị và tôn giáo. Ngay trong đêm đầu tiên, nhiều cuộc tập hợp dân chúng đã diễn ra không chỉ ngay tại Paris mà còn ở nhiều thành phố khác trên cả nước. Bên cạnh đó, vụ thảm sát xảy ra cũng lộ rõ những bất đồng về ý thức hệ. Điều này được minh chứng qua các sự cố xảy ra trong một phút mặc niệm các nạn nhân ngày hôm sau của vụ thảm sát tại nhiều trường học, nhất là các trường ở ngoại ô Paris, nơi có đông cộng đồng Hồi giáo. Nhiều học sinh cho rằng đó là lỗi của tòa soạn, vì « họ đã xúc phạm nhà tiên tri ».

Ngày thứ Sáu đen tối

Nhưng có lẽ để thử thách tinh thần hòa hợp dân tộc đó, những tên khủng bố lại một lần nữa nhấn chìm nước Pháp trong đau thương. Vụ tấn công vào siêu thị người Do thái tại cửa ngỏ Paris đã cướp thêm bốn sinh mạng và làm nhiều người bị thương. Một ngày thứ Sáu đen tối. Tổng thống Pháp, François Hollande, một lần nữa lên tuyến đầu kêu gọi nước Pháp nén đau thương, ngẩng cao đầu, mà vượt qua những áp lực đi lên sự tự do.

Lời kêu gọi đó đã được người dân cả nước hưởng ứng và nhận được sự ủng hộ của cả cộng đồng thế giới. Hơn 3,7 triệu dân xuống đường tuần hành với sự tham gia nhiều nhà lãnh đạo thế giới. Một cuộc tập hợp đông đảo chưa từng thấy kể từ sau đất nước được giải phóng. « Một giây phút kỳ diệu ». Cả một biển người. Những người tham gia gần như ngây ngất trước hành động biểu lộ đó và cất vang lời quốc ca.

Dù vậy, tinh thần đoàn kết đó cũng không che khuất được những điểm tối tiềm tàng của nền Cộng hòa duy nhất và không thể chia cắt đó. Các vụ tấn công khủng bố đã làm gia tăng hành vi bài người Hồi giáo. Hơn 50 vụ tấn công vào các đền thờ, hành hung hay chửi bới người Hồi giáo đã xảy ra.

Đàng sau sự hòa hợp dân tộc đó, nhiều cuộc tranh luận cũng bắt đầu nổ ra, ban đầu nhẹ nhàng sau đó trở nên dữ dội hơn. Nào là phải tăng cường hơn nữa an ninh quốc gia, vị trí của đạo Hồi trong xã hội Pháp, vai trò của thế tục, giáo dục ý thức hệ…

Cho dù thế nào, thì Charlie Hebdo vẫn sống và tiếp tục sống. Một tuần sau vụ thảm sát, số báo mới vừa phát hành đã bán sạch và phải cho ấn hành thêm. Người dân Pháp đổ xô ra các tiệm báo để mua. Bất chấp các đe dọa, tít lớn trên trang nhất của tuần báo vẫn là hình ảnh nhà tiên tri Mohammed đang khóc và nói rằng « Tất cả đều được tha thứ ».

 RFI 


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề