Bầu cử Anh: Cuộc đua khó dự đoán nhất trong nhiều thập kỉ

Hôm nay (7/5) Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland tiến hành cuộc tổng tuyển cử để bầu ra quốc hội mới.

Sự kiện thu hút sự quan tâm không chỉ tại nước Anh mà toàn bộ châu Âu, vì kết quả bầu cử sẽ quyết định thành phần chính phủ quản lí nền kinh tế đứng thứ 5 trên thế giới, cũng như tương lai của quốc gia này trong khối 28 nước thành viên Liên minh châu Âu.

Tại điểm bỏ phiếu ở Thư viện Bristol sáng 7/5 (ảnh: The Guardian)

Tại điểm bỏ phiếu ở Thư viện Bristol sáng 7/5 (ảnh: The Guardian)

Các điểm bỏ phiếu mở cửa lúc 7h sáng nay (giờ địa phương), với 50.000 điểm bỏ phiếu trên toàn đất nước. Có hơn 45 triệu cử tri hợp lệ đi bỏ phiếu. Các cử tri Anh sẽ lựa chọn 650 nghị sĩ trong số hơn 3.900 ứng cử viên tranh cử. Lần đầu tiên người dân Anh có thể đăng kí bỏ phiếu qua mạng điện tử.

Kết quả sơ bộ dự kiến được công bố ngay trong đêm nay và kết quả cuối cùng được dự đoán thông báo vào chiều mai.

Sau 5 tuần tranh cử quyết liệt với nỗ lực không ngừng nghỉ của các đảng, kết quả khảo sát trước thềm bầu cử cho thấy, Đảng bảo thủ của Thủ tướng Anh David Cameron và công đảng đối lập của ông Ed Miliband vẫn theo đuổi nhau sát nút. Điều này cho thấy, hai đảng này khó có khả năng giành được đa số quá bán tại Hạ viện 650 ghế để độc lập thành lập chính phủ.

Trong một nỗ lực cuối cùng kêu gọi các cử tri ủng hộ cho đảng Bảo thủ, Thủ tướng Cameron hôm qua tuyên bố, chỉ có đảng Bảo thủ mới có thể đảm bảo một chính phủ ổn định và vững mạnh. Những lựa chọn khác sẽ gây ra bất ổn.

“Đây là một cuộc bầu cử xác định tương lai của thế hệ này. Chúng ta sẽ tiếp tục công việc đã hoàn thành trong 5 năm qua, hay chúng ta quay lại điểm xuất phát và bỏ phí tất cả những hi sinh và nỗ lực đã đưa ra. Hãy xây dựng trên những gì chúng ta đã cống hiến. Nếu các bạn muốn có một tương lai tươi sáng hơn, hãy bỏ phiếu cho đảng bảo thủ”. Ông Cameron nói.

Đảng Bảo thủ với cương lĩnh tranh cử giảm thuế thu nhập cho 30 triệu người dân, trong khi thắt chặt chi tiêu để xóa bỏ mức thâm hụt ngân sách hiện là 5% Tổng sản phẩm quốc nội.

Trong khi đó, Công đảng cũng tuyên bố sẽ cắt giảm thâm hụt ngân sách hàng năm, ưu tiên bảo vệ lợi ích tầng lớp người lao động. Lãnh đạo Công đảng Ed Miliband cho biết: “Chúng tôi đang đấu tranh vì một nước Anh- nơi mà chúng ta giành những điều tốt đẹp vì sự nỗ lực của tất cả mọi người, chứ không đơn thuần chỉ là những người có thu nhập cao. Chúng tôi đang đấu tranh cho một nước Anh – nơi thế hệ trẻ sẽ có một cuộc sống tốt hơn cha mẹ mình”.

Nếu không đảng nào giành chiến thắng đa số, các cuộc đối thoại sẽ bắt đầu ngày mai với các đảng nhỏ hơn. Nếu các đảng không thể đàm phán để thành lập một chính phủ, nước Anh có thể đối mặt với giai đoạn bất ổn chính trị mới, thậm chí là một cuộc bầu cử thứ 2.

Ngoài ra, với kết quả không có đảng nào chiếm đa số, một chính phủ liên minh sẽ bao gồm nhiều đảng nhỏ với các chương trình nghị sự khác nhau cũng sẽ khiến “xứ sở sương mù” bước vào một giai đoạn mới không ổn định.

Cuộc bầu cử tại Anh cũng đang là tâm điểm của dư luận châu Âu với việc Thủ tướng Anh David Cameron cho biết, nếu ông giành thắng lợi trong cuộc bầu cử, sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên của nước này trong EU vào năm 2017.

Điều này được tiến hành ngay sau khi ông đàm phán về các hiệp ước Liên minh châu Âu, trong đó có quyền giới hạn người nhập cư trong khối 28 nước thành viên. Trong thông điệp đưa ra trước thềm bầu cử, Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini nhấn mạnh, Anh nên ở lại Liên minh châu Âu, vì điều này mang lại lợi ích cho cả Anh cũng như Liên minh châu Âu./.

Vũ Văn (Theo VOV News)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề