Báo Hồng Kông: Ông Tập Cận Bình đang theo bước Gorbachev

Hôm thứ Hai, 8.12, tờ Bưu điện Nam Hoa buổi sáng (SCMP) của Hồng Kông đã có bài viết ông Tập Cận Bình đang học theo bước cựu tổng thống Liên Xô Gorbachev. Bài viết này nói về các mục tiêu và biện pháp cải cách của ông Tập rất giống với lãnh đạo Liên Xô trước đây.

Cách đặt vấn đề này không mới vì trước đó, tạp chí Newsweek cũng nêu vấn đề tương tự. Theo Newsweek, việc ông Tập Cận Bình quyết định ra “chiến dịch đả hổ đập ruồi” là một bước cải cách rất nghiêm trọng.

Chu Vĩnh Khang – cựu giám đốc an ninh nội địa của Trung Quốc, được biết đến như là “Himmler của Trung Quốc”. Ông Chu cũng kiểm soát ngành công nghiệp dầu khí của Trung Quốc. Chu trải qua nhiều cấp bậc trong ngành công nghiệp dầu mỏ và kiếm một mớ tài sản đáng kể, được cho là trong hàng trăm triệu USD khi làm quan ngành béo bở này.

Trước đó, có luật bất thành văn rằng một quan chức tầm cỡ như Chu là bất khả xâm phạm. Hay trước khi bỏ tù Bạc Hy Lai vì tội tham nhũng ở tỉnh Tứ Xuyên, cũng có luật bất thành văn là các quan chức to như thế không thể bị truy cứu. Nhưng ông Tập đã thay đổi tất cả.
Sự sụp đổ của Bạc là phát súng đầu tiên cảnh báo ông Chu vì Chu được cho như người bảo vệ họ Bạc. Sự sụp đổ của Chu còn có nguyên nhân là ông này tích lũy quá nhiều quyền lực. Với quyền lực quá lớn, ông Chu đe dọa sẽ phá vỡ sự cân bằng quyền lực. Nhưng dân chúng đồng tình với ông Tập vì họ đã quá chán ngán tham quan.

Ông Tập và ông Vương Kỳ Sơn (một thành viên cao cấp trong bộ chính trị Trung Quốc) là những người điều hành các chiến dịch chống tham nhũng, họ tỏ ra nghiêm túc trong chiến dịch thanh trừng tham nhũng trong nội bộ. Kể từ đầu năm đến nay, đảng Cộng sản Trung Quốc đã thông báo thanh lọc hơn 200.000 cán bộ và Newsweek cho rằng nó là một phần của chiến dịch mà ông Tập phát động nhằm đập vỡ các phe phái phản đối cải cách.

Tuy nhiên, một khi một cuộc thanh trừng kiểu này được tiến hành với cường độ cao, rất khó để dừng lại. Newsweek cho biết trước đây, Mikhail Gorbachev không hề muốn Liên Xô sụp đổ mà chỉ muốn cải cách nó. Nhưng một khi các lực lượng của cải cách phản kháng, họ chứng minh là mình không phải đối tượng dễ bị dồn ép.

Theo cựu đại sứ Mỹ từng ở Trung Quốc, J. Stapleton Roy, Chủ tịch Tập cũng quan tâm việc “trở thành một Gorbachev của Trung Quốc”, có nghĩa là “thúc đẩy về phía trước bằng cải cách theo một con đường không bị kiểm soát”.

Có lẽ ông Tập muốn ám chỉ rằng sẽ hành động, sẽ cải cách mà không để các quyền lực cũ chi phối. Ông Tập là lãnh đạo thế hệ thứ 5 của Trung Quốc và là người đầu tiên không do ông Đặng Tiểu Bình lựa chọn.

Kể từ khi Đặng Tiểu Bình lập chương trình nghị sự năm 1992, nền kinh tế của Trung Quốc đã được tập trung vào tăng trưởng xuất khẩu. Câu nổi tiếng của Đặng Tiểu Bình: “Làm giàu là vinh quang” trở thành ánh sáng dẫn đường cho một thế hệ mới của Trung Quốc.
Bây giờ nền kinh tế đang chậm lại một cách tương đối. Cho dù nó có thể được chuyển từ dựa trên tăng trưởng do xuất khẩu sang dựa vào tiêu dùng trong nước, nhưng điều này vẫn chưa nhìn thấy triển vọng. Có lẽ vì thế mà ông Tập phải tiến hành một cuộc cải cách với các tiêu chuẩn khác với ông Đặng.

Phóng viên Evan Osnos đến từ New York nói rằng: “Ông Tập nhận ra rằng mối đe dọa lớn nhất của ông không phải là từ nước ngoài…. mà là ở trong nước”.

Nguồn: Một Thế giới


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề