Bao giờ mới hết tình trạng tiêu thụ nông sản bằng tình thương?

Nông dân trồng không theo quy hoạch, làm ăn không theo hợp đồng, bộ chuyên lo thị trường thì đi giúp người dân bán trực tiếp từng quả dưa, quả vải. Không biết, tới khi nào, Việt Nam mới chấm dứt tình trạng tiêu thụ nông sản bằng tình thương như thế này.

Nhìn hình ảnh cánh đồng dưa và người nông dân Quảng Nam khốn khổ với dưa bị ngập nước lũ trái mùa, những chiếc xe container lớn chở đầy dưa hấu bị ùn ứ ở Lạng Sơn, những quả dưa đỏ lòng bị vất dọc hai bên đường chờ thông quan ở cửa khẩu Tân Thanh… không một người dân Việt nào có thể kìm lòng được.

Quá xót xa cho nông sản Việt khi bao năm rồi vẫn đi theo cách làm cũ: cứ trồng thật nhiều, thậm chí phá vỡ quy hoạch, rồi ùn ùn đưa lên cửa khẩu xuất sang Trung Quốc không cần hợp đồng.

Với cách làm tự nhiên, không ràng buộc, “được ăn cả ngã về không” như vậy, nhiều mặt hàng nông sản chất lượng của Việt Nam vừa bị tư thương ép giá: mua rẻ, bán đắt, vừa bị ùn ứ tại cửa khẩu mà không biết kêu ai, ngoại trừ tình thương của xã hội.

Những ngày qua, không thể không cảm thấy vui mừng khi khởi nguồn từ cộng đồng mạng xã hội chia sẻ các hình ảnh cánh đồng dưa của Quảng Nam bị ngập nước lũ, tư thương ép giá dưa chỉ có vài trăm đồng/kg, nhiều thành viên mạng xã hội đã chung tay chuyển từ thiện các chuyến dưa ra Hà Nội, hay các tỉnh, thành khác chỉ với giá 5.000 đồng/kg dưa hấu.

Hay Công đoàn Bộ Công Thương đã thu gom hàng chục tấn dưa hấu đang bị ách tắc ở Tân Thanh, Lạng Sơn để bán cho người dân ngay tại trụ sở Bộ với giá 7.000 đồng/kg.

Hầu hết các điểm bán dưa ủng hộ đồng bào bị lụt hay tắc ở cửa khẩu đều nhanh chóng hết sạch dưa. Người dân ở nhiều nơi cũng lần đầu tiên được ăn dưa hấu ngọt, rẻ tới như vậy. Mừng vì người dân miền Trung bán được dưa, mừng vì người dân các vùng khác được ăn dưa ngon, rẻ và cũng mừng vì giữa thế giới ảo mênh mông, khó tin nhưng tình người là thật.

Nhưng chúng ta có thể trông đợi gì vào một phương thức mua – bán hàng cứu cánh đầy tình cảm như thế? Nhất là với một đất nước có nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có chất lượng như đất nước ta?

Quan chức Bộ NN&PTNT thì cho rằng, bộ đã thường xuyên khuyến cáo các địa phương về vấn đề quy hoạch phát triển vùng nông sản. Tuy nhiên, để giữ vững quy hoạch lại là điều dường như không thể với các địa phương. Người dân thì luôn trồng cây, nuôi con, tạo đàn theo phong trào, làm không theo hợp đồng dẫn tới tình trạng cung luôn quá cầu. Chưa kể, thị trường xuất khẩu nông sản chỉ cần một cơn “hung hắng” nào đó sẽ ảnh hưởng sâu rộng tới nông dân Việt Nam.

Tình trạng động viên nhau ăn dưa hấu khiến ta không thể vui. Nó cũng tương tự như năm ngoái, vị thứ trưởng Bộ Công Thương phải đi kêu gọi 90 triệu dân Việt Nam ăn vải là đã ủng hộ những người trồng vải ở Bắc Giang.

Chúng ta cũng rất cảm kích khi cán bộ Bộ Công Thương mang hàng chục tấn dưa ngược từ biên giới về tiêu thụ ở Hà Nội, rất mừng khi “Người Việt dùng hàng Việt” nhưng sẽ là trọn vẹn và bền vững nếu các bộ, ngành như Công Thương, NN&PTNT, các địa phương rốt ráo, ngồi lại với nhau để nghiêm khắc với nhau hơn, tìm kế sách lâu dài, “khép” người nông dân vào sản xuất bài bản, chuyên nghiệp cho phát triển nông sản Việt hơn là những vụ việc kêu gọi tình thương của người Việt.

Đây mới là những sản phẩm đại đa số người dân có thể tiêu thụ được, ngay và luôn. Nhưng với những sản phẩm nông nghiệp khác như hải sản, cao su, hồ tiêu… ai dám khẳng định, ngày mai lại không có điều gì xảy ra, không có những cơn “húng hắng” của thị trường thế giới mỗi lúc một biến động? Khi đó, ngành Công Thương lại cũng đứng ra động viên người dân trong nước mua ủng hộ?

Thực tế, trong quý I vừa qua, một số mặt hàng xuất khẩu đã thất thu khoảng 30% do suy giảm ở các nhóm nông, lâm, thủy hải sản như gạo, cà phê… tương đương với việc mất khoảng 500 triệu USD từ xuất khẩu nông sản.

Trong lúc nhiều đoàn đàm phán của chúng ta tích cực đi tìm kiếm thị trường nước ngoài, ký kết các hiệp định thương mai tự do và Bộ Công Thương cho rằng đây là cơ hội cho xuất khẩu nông sản của ta, thì mong bộ chuyên lo thị trường này cũng tìm ra được cách cho nông sản ở chính thị trường trong nước ở tầm vĩ mô, chứ không phải là việc cán bộ ngành đi bán trực tiếp cho người nông dân từng quả dưa./.

(Tổ Quốc)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề