Bắc Triều Tiên kiếm lợi trên nỗi đau của các gia đình ly tán
Kể từ năm 2000 đến nay, hàng trăm gia đình Nam Bắc Triều Tiên bị ly tán vì chiến tranh (1950-1953) có cơ hội được đoàn tụ, do quan hệ hai miền được cải thiện. Tuy nhiên, đằng sau vẻ ngoài của cuộc “đoàn tụ” được quảng bá rầm rộ là bao nhiêu nỗi bất hạnh. Một phóng sự do AFP thực hiện cho thấy chính quyền Bắc Triều Tiên đã triệt để sử dụng như thế nào nỗi đau của các nạn nhân để nhận được nhiều nhân nhượng từ Hàn Quốc.

Bà Kim Kum Sun và người anh em Bắc Triều Tiên được nhìn thấy nhau lần cuối vào năm 1951. Trong lần gặp lại mới đây, họ chỉ có 12 giờ đồng hộ để hội ngộ, sau hơn 60 năm xa cách. Có thể nói đây là những người may mắn trong số hơn 65.000 người Hàn Quốc đăng ký. Tuy nhiên, được hội ngộ không hẳn đã là hạnh phúc.

Các cuộc hội ngộ về nguyên tắc kéo dài trong ba ngày, nhưng trên thực tế, hai bên chỉ được gặp nhau sáu lần, mỗi lần hai tiếng. Và trong những lần gặp đó, hai bên chỉ được gặp riêng một lần mà không bị giám sát.

Trở lại Seoul, bà Kim Kum Sun kể lại với AFP: « Chỉ riêng việc được nhìn lại người anh em, tôi đã cảm thấy hạnh phúc ». Tuy nhiên, bà thừa nhận: « cuộc hội ngộ diễn ra quá ngắn ngủi, không thể chấp nhận được. Chỉ đến bây giờ tôi mới cảm thấy một nỗi đau ghê gớm khi tôi hiểu rằng chắc hẳn sẽ không bao giờ được gặp lại người thân ».

Kể từ năm 2000, sau cuộc thượng đỉnh lịch sử Liên Triều, chính quyền Bình Nhưỡng cho phép một số người Bắc Triều Tiên được gặp lại thân nhân sống tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, nhiều cuộc tái ngộ đã bị Bình Nhưỡng hủy bỏ vào phút cuối, và cuộc hội ngộ chỉ được tổ chức với nhịp độ hàng năm và có xu hướng ngày càng thưa hơn. Bắc Triều Tiên coi đây là một sự rộng rãi về chính sách ngoại giao, cần được Hàn Quốc đáp trả bằng nhiều nhân nhượng. Trong vòng năm năm trở lại đây, chỉ có hai cuộc “đoàn tụ” như vậy được tổ chức.

Ngay từ đầu, chính quyền Seoul đã gây áp lực để các thân nhân được gặp nhau nhiều hơn và thời gian gặp gỡ kéo dài hơn. Tuy nhiên, theo một quan chức Bộ Thống nhất Hàn Quốc, « các thương lượng với Bắc Triều Tiên diễn ra rất căng thẳng và Bắc Triều Tiên không bao giờ nhân nhượng về vấn đề thời gian gặp và số lượng lần gặp ». Theo các nhà quan sát, Bắc Triều Tiên không được lợi trực tiếp từ các cuộc gặp của những người thân Triều Tiên bị ly tán do chiến tranh, thậm chí chính quyền miền bắc còn muốn rút bớt thời gian gặp gỡ giữa những người Bắc Triều Tiên thường là nghèo khổ với những người thân khá giả ở miền nam.

Thêm một điều mà những người Hàn Quốc, đã trải qua hội ngộ, phàn nàn. Đó là việc người thân miền bắc của họ tiếp tục bị khống chế về tinh thần trong thời gian hội ngộ. Bà Sun Kyeong Soo, 71 tuổi, có cuộc gặp với người em họ mới đây, cho biết: ngay trong thời gian gặp gỡ, trong buổi gặp với sự có mặt của người giám sát, người anh em miền bắc của bà đã phải dành rất nhiều thời gian để nói những lời ca ngợi « tính ưu việt của hệ thống chính trị Bắc Triều Tiên ».

Nhưng ngay cả trong buổi gặp riêng, một phần đáng kể thời gian cũng được dành cho việc ca ngợi chính quyền Bình Nhưỡng, và phê phán sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Hàn Quốc. Bà Sun Kyeong Soo nhận xét: tôi đoán chắc là ông ấy đã phải trải qua một khóa đào tạo tư tưởng trước khi gặp lại chúng tôi.

Trong đợt “đoàn tụ” gia đình Triều Tiên năm nay, được tổ chức tại Bắc Triều Tiên, chỉ có năm gia đình – vợ chồng ly tán hay bố mẹ mất con – được tham dự, trong tống sổ gần 400 người Hàn Quốc và 140 người Bắc Triều Tiên tham gia cuộc hội ngộ. Năm 2010, có 23 gia đình như vậy.

RFI tiếng việt


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề