Bắc Kinh can thiệp vào cuộc bầu cử tại trường Đại học Hong Kong?

Một cuộc đấu tranh kéo dài nhiều tháng để bổ nhiệm một chức vụ cấp cao tại trường Đại học Hong Kong đã trở thành tiêu điểm cho giới phê bình. Giới này cho rằng cuộc đấu tranh cho thấy Bắc Kinh đang tìm cách bành trướng ảnh hưởng chính trị tại một lãnh thổ từ lâu đã hưởng quyền tự trị nhiều hơn.

Hồi tháng 12, ủy ban tìm kiếm của trường đại học đã đồng thanh thừa nhận giáo sư Trần Văn Mẫn (Johannes Chan), từng làm khoa trưởng trường luật, là người được chọn làm hiệu phó của trường.

Tuần này, sau một thời gian trì hoãn 9 tháng, hội đồng của trường đại học đã bác bỏ việc bổ nhiệm ông Trần là một trong 5 hiệu phó với số phiếu kín là 12 chống 8 mà không có lời giải thích. Hội đồng này gồm sinh viên và nhân viên của trường đại học nhưng nhóm lớn nhất gồm các thành viên ngoài trường, trong đó có nhiều người được chọn bởi vị hành chánh trưởng quan thân Bắc Kinh.

Lần đầu tiên một ứng viên hội đủ điều kiện học thuật bị bác bỏ

Trong lịch sử trường đại học chưa hề xảy ra trường hợp một ứng viên được ủy ban tuyển chọn đề cử bị bác bỏ. Vào ngày sau cuộc bỏ phiều, chủ tịch liên đoàn sinh viên, đã dự cuộc họp của hội đồng, cho biết ông Trần bị bác vì những lý do tương đối không có liên hệ gì tỷ như ông không có bằng tiến sĩ và việc bổ nhiệm ông sẽ gây ra “sự chia rẽ thêm trong trường đại học.”

Ông Trần là một luật sư nhân quyền rất nổi tiếng và là một học giả ủng hộ dân chủ và có liên hệ với một giáo sư luật học khác là ông Benny Tsai, một trong những người ủng hộ phong trào Chiếm Trung ủng hộ dân chủ.

Người biểu tình cầm ô màu vàng để kỷ niệm một năm ngày xảy ra phong trào Chiếm Trung bên ngoài trụ sở của chính quyền Hong Kong hôm 28/9.

Người biểu tình cầm ô màu vàng để kỷ niệm một năm ngày xảy ra phong trào Chiếm Trung bên ngoài trụ sở của chính quyền Hong Kong hôm 28/9.

Những người ủng hộ nói sự kiện đó khiến ông không được sự chấp nhận của Bắc Kinh, là phía đã dùng ảnh hưởng của mình đối với hội đồng trường đại học để bỏ phiếu chống lại việc bổ nhiệm ông.

Ông Dixon Sing, phó giáo sư phân khoa khoa học xã hội của trường Đại học Khoa học Kỹ thuật, nói: “Tôi nghĩ việc này nêu bật sự kiện ông Tập Cận Bình rất thiếu khoan nhường với cái gọi là nguồn gốc của các lực lượng cấp tiến. Ông rất quyết tâm loại trừ những tiếng nói can trường trong xã hội dân sự không những ở lục địa Trung Quốc mà còn ở cả Hong Kong nữa.”

Các trường đại học nuôi dưỡng phong trào đòi dân chủ ở Hong Kong

Các trường đại học với những học giả có đầu óc cấp tiến lâu nay vẫn là nền tảng của các lực lượng đòi dân chủ ở Hong Kong. HKU, trường đại học hàng đầu ở Hong Kong, đã là nơi tốt nghiệp của một số các nhân vật chính trị nổi tiếng nhất lãnh địa, trong đó có ông Tôn Dật Tiên, cựu thống đốc Lord Wilson of Tillyorn và ông Martin Lee, chủ tịch sáng lập đảng Dân chủ ở Hong Kong.

Giới phê bình nói vị trí hiệu phó của trường là có quá nhiều thế lực nên Bắc Kinh không để để lọt ra khỏi tay được.

Tuy nhiên, giới quan sát nói Bắc Kinh đã gửi đi một lời cảnh báo nghiêm trọng tới các nhà học thuật khác.

Ông Sing nói thêm: “Đối với mọi người trong giới học thuật, nhất là những người ở cấp quản trị, nếu họ trực tiếp hay gián tiếp ủng hộ một phong trào đòi dân chủ, thì họ có thể bị rắc rối về mặt sự nghiệp”.

Những người khác lo ngại rằng việc công khai chính trị hóa như thế có thể làm hoen ố thanh danh học thuật của Hồng Kông trên trường quốc tế.

Một xu hướng đáng lo ngại trong hệ thống đại học Hong Kong

Chuyên gia về giáo dục cấp ba toàn cầu Jamil Salmi nói rằng nếu ông Trần bị bác bỏ vì những lý do không có liên quan gì đến trình độ và điều kiện của ông, thì đó sẽ là một lý do gây quan ngại.

Là tác giả bản phúc trình của Ngân hàng Thế giới có tựa là “Thách thức của việc Thành lập các trường Đại học đẳng cấp thế giới”, ông Salmi nói:
“Ngay lúc này, Hong Kong có một hệ thống đại học cấp quốc tế, thay đổi cách quản trị sẽ tiêu biểu cho một mối đe dọa đối với thành tích cấp cao đó.”

Chuyên gia này lập luận rằng, thay vì có quyền tự trị, trường đại học có thể bắt đầu tuyển mộ và chọn lựa những người lãnh đạo, không dựa vào thành tích chuyên môn và tài năng, mà dựa vào tiêu chuẩn chính trị.

Ông Bryane Michael, một giảng viên kỳ cựu cả tại trường Luật của Đại học Hong Kong lẫn trường Đại học Oxford, nói vụ tranh cãi về ông Trần do hệ thống tạo ra, gây chia rẽ giữa hai lực lượng đối đầu nhau: các chính trị gia đối đầu với phe học thuật.

Ông truy nguyên cội rễ của vấn đề là Bộ luật của trường Đại học Hong Kong từ năm 1911. Bộ luật này dành cho các cá nhân có liên hệ chính trị những ghế trong các hội đồng quản trị các trường đại học, ban cho họ những quyền quyết định cách thức điều hành các trường đại học này.

Theo ông Bryane Micheal, các trường Đại học không nên bị chi phối bởi bộ luật cũ kỹ từ năm 1911 này. Trường phải độc lập đối với chính phủ. Trường phải tự quản trị. Như thế, mới không có tranh cãi.”

Voa tiếng Việt


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề