Ba tháng trinh sát theo chân ông chủ sản xuất nước mắm giả

Vì Minh rất đa nghi, các trinh sát phải đóng vai thợ sửa đường ống nước, thợ sửa điện hoặc người thu mua đồng nát vờ vào nhà Minh để quan sát

Ngày 12/9, cơ quan cảnh sát điều tra Công an Nghệ An đã tạm giữ Nguyễn Như Minh (45 tuổi, trú tại huyện Thanh Chương) về hành vi Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm.

minh.jpg

Nguyễn Như Minh lúc bịp bắt. Ảnh: Cảnh sát cung cấp.

Theo cơ quan điều tra, gia đình Nguyễn Như Minh chuyên buôn bán hàng tạp hóa. Họ có một cửa hàng bán đồ bảo hộ lao động tại cổng chợ Vinh do người vợ quản lý và một quán tạp hóa ở huyện Thanh Chương do bố Minh trông coi. Ngoài ngôi nhà hai tầng tại xã Thanh Khai (Thanh Chương), vợ chồng Minh còn có nhà riêng tại phường Hưng Bình, TP Vinh.

Năm 2013, Nguyễn Như Minh từng bị Công an huyện Thanh Chương xử phạt hành chính về tội làm hàng giả. Anh ta sau đó vẫn buôn bán và giàu lên nhanh chóng khiến nhiều người trong vùng ngỡ ngàng.

Ba tháng trước, cảnh sát kinh tế Công an Nghệ An xác minh việc Nguyễn Như Minh sản xuất nước mắm giả ngay tại nhà riêng ở xã Thanh Khai. Để đảm bảo an toàn, tường rào ngôi nhà xây cao, nước mắm giả được “chế biến” ngay trong ngôi nhà cấp 4 sau vườn. Đây là “khu vực cấm”, chỉ có người trong gia đình mới được vào. Là người sống khép kín, hàng xóm cũng rất ít khi qua lại nhà anh ta.

Thiếu úy Cao Hoài Nam (Phòng cảnh sát kinh tế) nhận nhiệm vụ cùng đồng nghiệp theo dõi hành tung của Nguyễn Như Minh ròng rã 3 tháng qua kể, để vào nhà Minh, họ chọn thời điểm chỉ có con của gia chủ ở nhà. “Phải đóng vai thợ sửa đường ống nước, thợ sửa điện hoặc người thu mua đồng nát vờ vào nhà Minh để quan sát”, trinh sát Nam kể lại.

Quá trình theo dõi, các trinh sát đều chung nhận xét Minh rất cẩn trọng và đa nghi đến mức khó tưởng. Hàng ngày, mỗi khi rời khỏi nhà dù ban đêm hay ngày, Minh vẫn nhìn trước ngó sau, chọn con đường nhỏ quanh co ở cách đồng để đi mà không chọn đường chính. Tới thành phố, Minh vẫn chọn đường nhỏ trong ngõ để đi vòng. Mục đích là dễ quan sát, nếu có người theo dõi sẽ “cắt đuôi”.

tang-vat_1442046378.jpg

Bao bì, nhãn mác giả tang vật vụ án. Ảnh: Hải Bình.

Để việc sản xuất nước mắm giả không bị phát hiện, Minh không thuê công nhân mà chủ yếu tự pha chế vào mỗi đêm. 4h sáng hàng ngày, anh ta dùng xe máy chở khoảng 300-400 chai nước mắm giao cho các đại lý ở TP Vinh và vùng lân cận. Rất hiếm khi Minh thay đổi thời gian vận chuyển hàng vào ban ngày vì sợ có người nghi ngờ.

“Những lúc bám theo xe chở hàng của nghi phạm, để tránh bị phát hiện, cảnh sát phải chạy sau chừng 200 m và tắt đèn xe. Vì quá đa nghi nên chỉ cần thấy ánh đèn xe hoặc phát hiện người đi phía sau là Minh dừng lại, đợi đi qua hoặc nấp vào ngõ”, trinh sát kể.

Trưa 10/9, lãnh đạo ban chuyên án nhận được thông tin Minh chuẩn bị chở hàng vào ban ngày vì đại lý yêu cầu gấp. Kế hoạch vây bắt “ông chủ” sản xuất nước mắm giả được triển khai.

Khoảng 14h chiều 10/9, Minh đóng 6 thùng hàng lên xe máy vội vã chạy từ nhà riêng ở huyện Thanh Chương hướng về Vinh và không hay biết có trinh sát bám theo, khi tới ngã tư giao giữa đường tránh TP Vinh và quốc lộ 46 thì bị tổ công tác ép xe vào lề đường và bắt giữ. Tang vật thu giữ tại chỗ là 360 chai nước mắm Chin Su – Nam Ngư 3 trong 1 loại chai 500 ml.

Lúc Minh bị bắt có một người thân của nghi phạm ở gần đó nhìn thấy. Cảnh sát xác định người này có thể gọi điện thông báo cho vợ con của nghi phạm ở quê nhà và các đại lý tẩu tẩu tán tang vật. Cùng lúc này Minh ngỏ ý muốn hối lộ 100 triệu đồngđể được bỏ qua.

“Khi thấy điện thoại của Minh liên tục có cuộc gọi của vợ, để chị này yên tâm rằng chồng không bị bắt, cảnh sát giả vờ sẽ nhận số tiền 100 triệu đồng theo ngỏ ý của Minh. Anh ta được phép nghe máy và bình tĩnh trả lời rằng yên tâm đi, bố giải quyết xong rồi…”, một cảnh sát kể.

Sau khi tổ công tác khám xét nhà riêng của nghi phạm, thu giữ thêm 750 chai nước mắm giả nhãn hiệu Nam Ngư và 120 lít đã pha chế cùng nhiều vỏ chai, nhãn mác, nguyên liệu, Minh mới biết việc hối lộ bất thành.

Minh khai, pha chế từ các loại nước mắm rẻ tiền trộn thêm nước, mì chính cùng với một ít nước mắm nguyên chất Nam Ngư, phụ gia sẽ cho ra sản phẩm Nam Ngư giả. Nước mắm được đóng bao bì, nhãn mác, tem sản xuất tại cửa hàng quảng cáo của Hồ Viết Đồng, TP Vinh. Riêng vỏ chai được đặt tại một cửa hàng ở miền Bắc và thường xuyên gửi về bằng xe khách. Tất cả khâu từ pha chế, đến đóng gói, gián nhãn mác đều được làm thủ công.

co-so-san-xuat.jpg

Bao bì, nhãn mác được Minh đặt in tại nhà của Hồ Viết Đồng. Tại đây, cảnh sát đã thu 150 kg tem, vỏ thùng. Ảnh: Cảnh sát cung cấp.

“Dùng máy sấy tóc hơ nóng thủ công thì sẽ tạo được nắp chai khá giống với nắp chai của nước mắm thật”, cán bộ công an nói và cho hay để xác định được một chai nước mắm giả do Minh sản xuất là rất khó. Giá mỗi chai nước mắm do anh ta sản xuất rẻ chỉ bằng một nửa so với nước mắm thật mỗi khi nhập cho đại lý.

Ngày 12/9, cơ quan điều tra đã gửi mẫu nước mắm giả để kiểm định xem có tác hại gì đến sức khỏe người tiêu dùng. Nhiều đại lý tiêu thụ nước mắm do Minh sản xuất đã bị cảnh sát kiểm tra hành chính, tịch thu gần 2.000 chai.

Cảnh sát xác định, Nguyễn Như Minh đã sản xuất nước mắm giả từ khoảng đầu năm 2014. Trung bình mỗi ngày, nếu tiêu thụ tốt, Minh tuồn ra thị trường khoảng 400-500 chai nước mắm giả. Cơ sở tiêu thụ nước mắm giả không chỉ ở TP Vinh mà còn len lỏi tới các huyện miền núi của Nghệ An.

Theo vnexpress


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề