Ba bài học của người Việt cho hội nhập ở Đức

Linh Nguyen (Nguyễn Linh) xuất thân từ Việt Nam, là người sáng lập và giám đốc điều hành một doanh nghiệp chuyên tư vấn, thiết kế thời trang và phong cách ở Berlin với Website Kisura.de. Đứng trước làn sóng người tị nạn và những tranh cãi xung quanh việc hội nhập, Linh Nguyen đã viết bài trên tạp chí Capital, nêu lên ba bài học về hội nhập rút ra từ kinh nghiệm bản thân, từ một người tị nạn trở thành một doanh nhân, sau đây là nội dung bài viết của chị:

Khi năm tuổi, tôi đã cùng cha mẹ và hai anh trai từ Việt Nam sang Đức. Chúng tôi không phải chạy trốn chiến tranh, khủng bố hay đói nghèo. Cha mẹ tôi đi theo một viễn cảnh và giấc mơ có thể mang lại cho con mình một nền giáo dục và một cuộc sống mà ở Việt Nam trong những năm 80 không thể đạt được. Tuy nhiên, đó là một sự mạo hiểm khi dám từ bỏ cuộc sống của mình ở quê hương. Cha mẹ tôi đã cùng chúng tôi rời bỏ một đất nước, nơi chúng tôi đã lớn lên và chúng tôi vẫn mang trong mình gốc rễ của nó để đến một mục tiêu vô định, có thể cũng chỉ là một ảo tưởng. Đích của chúng tôi năm 1991 là Zwickau ở bang Sachsen.

Nếu tôi theo dõi cuộc tranh luận quanh chủ đề „Hội nhập“, mà hiện nay đưa ra những vấn đề và thách thức thời sự hơn bao giờ hết, thì tôi luôn cảm thấy được gợi nhớ lại thời gian đầu của chúng tôi ở nước Đức. Dĩ nhiên, tình hình của chúng tôi khi đó không thể so sánh với tình hình khó khăn của những người tị nạn ngày nay. Nhưng nước Đức lại đặt chủ đề „Hội nhập“ lên vị trí cao trong chương trình nghị sự và như vậy, một phần lịch sử của những năm 90 được lặp lại. Người ta có thể học hỏi được nhiều từ kinh nghiệm của những người nhập cư và thế hệ con cái những người nhập cư thời đó.

Việc cha mẹ tôi đặt tương lai của con cái lên trên nhu cầu bản thân và đưa chúng tôi sang Đức đã khắc đậm dấu ấn lên cuộc đời và tính cách của tôi. Sự nỗ lực của họ hướng tới điều tốt đẹp hơn và đi xa hơn cũng là động lực của tôi với tư cách là một nhà doanh nghiệp. Bởi vì những tính cách quan trọng của một doanh nhân là không bao giờ được hài lòng với hiện trạng và những cái đã có mà phải thường xuyên tìm kiếm những giải pháp mới và những con đường mới. Phải thực tế, nhưng cũng phải thích ứng nhanh chóng với những thay đổi và coi sự cản trở là một phần trong tổng thể hoặc thậm chí là động cơ thúc đẩy.

1. Học tập là tài sản cao nhất

Trong văn hóa Việt Nam, học tập có vị trí đặc biệt cao: Con cái phải đạt được những gì mà thế hệ cha mẹ không làm được. Người ta nói: „Chỉ có học tập mới thoát ra khỏi ruộng lúa“ và đó là động lực để cha mẹ không chấp nhận được những điều kiện làm việc thường rất tồi cho con cái. Hậu quả là họ di cư. Trong khi ở Đức chúng tôi có điều kiện làm bằng tốt nghiệp trung học thì cha mẹ chúng tôi làm những công việc đơn giản để nuôi chúng tôi. Tình hình thị trường lao động thời kỳ đó rất khó. Đặc biệt, việc cha mẹ tôi không thạo tiếng Đức là một trở ngại lớn. Vì vậy chỉ có con đường phải hành nghề tự lập: Quán hàng ăn nhanh, quầy bán hoa bên hè phố và những cửa hàng thực phẩm nhỏ là nguồn thu nhập tốt với ít rào cản ban đầu. Việc cha mẹ chúng tôi làm việc vất vả như vậy càng kích thích sự nỗ lực học tập của chúng tôi.

Nhiều người Việt Nam sống ở Đức hành nghề độc lập và là một phần của đời sống công cộng. Động lực của họ hầu hết là sự học tập và tương lai của con cái. Thế hệ cha mẹ của những người nhập cư cho thấy chúng tôi phải hiểu học tập là một cơ hội không phải đương nhiên có. Để làm điều đó, con người sẵn sàng thay đổi cuộc sống và mạo hiểm. Đối với chúng tôi là con thì có một nguyên tắc đơn giản là: Mang điểm tốt về nhà. Ngoài ra thì cha mẹ chúng tôi và sự giáo dục của họ rất tự do.

2. Giải pháp thay vì là vấn đề

Những ai trong những ngày này lo sợ rằng trật tự đang hoạt động tốt hiện nay bị chao đảo thì được khuyên là hãy nhìn vào các lớp học ở trường. Trong các lớp mới, trẻ em nước ngoài thường cho thấy có tham vọng rất lớn và ngôn ngữ chỉ là một rào cản nhỏ nhất. Hội nhập sẽ không phải là một vấn đề, nếu gặp gỡ các em không phải bằng lý trí và định kiến, mà bằng trái tim.

Khi tôi vào trường tiểu học lúc sáu tuổi, tôi cũng có cơ hội như những đứa trẻ khác để bắt đầu một giai đoạn mới trong cuộc đời. Anh em tôi học tiếng Đức dễ dàng như chơi, đó là điều chúng tôi thuận lợi hơn cha mẹ mình. Và trong nhiều điểm thì cách tiếp cận của trẻ con trong việc sống chung, làm chung với nhau thì ngày nay vẫn còn là tấm gương của một tư duy định hướng giải pháp hơn là gây ra vấn đề, bởi vì mỗi người có tiềm năng đề ra mục tiêu cho mình để chứng minh và phát triển. Tôi tìm cách duy trì điều đó trong khi thành lập doanh nghiệp để đối phó với những thách thức mới. Cởi mở, tò mò và sự dũng cảm tạo điều kiện cho tăng trưởng; Sự vô tư giúp có những giải pháp nhanh chóng. Việc có các nền văn hóa và cách tư duy khác nhau cùng tụ hội làm cho cuộc sống phong phú thêm và tôi coi đó là cơ hội cho tiến bộ và đổi mới. Trong doanh nghiệp Kisura của tôi có tới hơn 10 dân tộc khác nhau làm cùng trong một nhóm. Làm quen với văn hóa, ngôn ngữ, cách tư duy và những thói quen khác nhau có thể truyền cảm hứng và tạo động lực rất lớn cho những ý tưởng mới. Một tập thể cần có sự bổ sung cho nhau để có thể phát triển, một xã hội cũng vậy.

3. Chủ nghĩa thực dụng

Hãy cứ làm đi đã! Cách suy nghĩ rất thực dụng này và nghị lực của cha mẹ tôi, vốn rất đặc trưng cho văn hóa Việt Nam đã khắc đậm dấu ấn lên tôi: Người ta cứ làm và xem điều gì diễn ra, sau đó mới sửa lại và tối ưu hóa. Khi chúng tôi tới Đức, chúng tôi chỉ có hy vọng vào một cuộc sống tốt đẹp hơn. Người ta đến với điều đó như thế nào và điều đó trông như thế nào thì trước mắt là thứ yếu. Vì vậy, ví dụ như anh tôi và tôi được nhập học mà không biết một chút tiếng Đức nào, tuy nhiên, việc học tiếng ở lứa tuổi này không phải là rào cản.

Giờ đây, anh tôi khi nhớ lại hai năm học đầu tiên từ lớp 5 đến lớp 7 vẫn phải mỉm cười vì khi đó chẳng hiểu gì cả. Sau khi học hết lớp 10, anh chuyển sang Gymnasium và sau khi tốt nghiệp phổ thông thì học Đại học Luật ở Göttingen. Cũng bởi vì cha mẹ tôi chẳng biết tiếng Đức chứ từng nói đã được học cách quản lý một nhà hàng, vậy mà một thời gian dài, họ làm chủ một nhà hàng thành công. Có lúc họ chuyển ngành sang bán hoa. Với thu nhập đó họ đã nuôi được gia đình năm người. Có nghĩa là: Nếu người ta muốn, thì người ta sẽ tìm ra được đường đi

Từ nhãn quan của mình, tôi cho rằng cản trở lớn nhất đối với thành công và sự hài lòng là chủ nghĩa cầu toàn tự cao tự đại. Nhiều người cứ bám quá lâu vào những kế hoạch xơ cứng. Dĩ nhiên, người ta không muốn từ bỏ những sự hình dung lý tưởng. Nhưng hoàn cảnh xung quanh năng động và thay đổi. Vì vậy, một kế hoạch tốt cũng phải phản ứng được một cách linh hoạt và thích ứng với những thay đổi. Vì vậy, cởi mở là nền tảng để nhận ra những thay đổi và những cơ hội không lường trước được gắn liền với nó. Vì vậy, nhu cầu duy trì kế hoạch ban đầu luôn phải được cân nhắc với những cơ hội mới xuất hiện.
Nếu mọi người bây giờ gặp tôi với tư cách là nhà doanh nghiệp, thì quá trình trưởng thành của tôi không còn rõ nữa. Nhưng tôi vẫn biết rằng mong muốn có triển vọng vẫn là một động lực để nhiều người tới nước Đức. Việc nhập cư có thể là một cơ hội đối với địa điểm đào tạo là nước Đức, nếu con đường hội nhập được mở ra đúng. Và động lực hành nghề tự lập có thể là một trong nhiều câu trả lời và giải pháp của hội nhập, mà chúng ta phải đối mặt với sự cởi mở và một sự năng động nhất định. Như vậy, một thế hệ các nhà doanh nghiệp mới có thể nhập cư và mở ra nhiều khả năng và con đường cho đất nước chúng ta, mà bây giờ chúng ta chưa hình dung hết được.

Việc được học tập và tham gia vào thế giới lao động (bất kể tự lập, làm thuê hay đang đào tạo) sẽ tạo khả năng có tiếng nói riêng của các công dân mới trong tranh luận công khai. Nhưng việc mở đường cho sự phát triển tích cực này thông qua hội nhập sẽ là nhiệm vụ của chúng ta.

Văn Long – Thoibao.de (Lược dịch)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề