B-52 khoét sâu mâu thuẫn Mỹ – Trung trên Biển Đông

Những chuyến bay của B-52 Mỹ trên Biển Đông trong tương lai có thể làm bùng lên xung đột với Trung Quốc.

b-52-khoet-sau-mau-thuan-my-trung-tren-bien-dong

Máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ. Ảnh: Military.com

Ngày 18/12, Bộ Quốc phòng Mỹ thừa nhận một chiếc máy bay ném bom chiến lược B-52 của không quân nước này đã vô tình bay vào khu vực hai hải lý gần một hòn đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp trên Biển Đông, đồng thời cho biết đang điều tra vụ việc sau khi nhận được kháng thư của Trung Quốc, theo Wall Street Journal.

Một quan chức Mỹ tiết lộ với ABC News rằng hai chiếc B-52 của Mỹ xuất phát từ căn cứ trên đảo Guam và thực hiện chuyến bay tuần tra như thường lệ trên vùng biển gần quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Khi bay qua khu vực này, một trong hai chiếc máy bay ném bom đã đi vào khu vực hai hải lý gần đá Châu Viên và bị lực lượng quân đội Trung Quốc đóng quân trên đảo nhân tạo phi pháp này phát tín hiệu cảnh báo.

Mặc dù ông Bill Urban, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định rằng chiếc B-52 này “không cố tình bay vào khu vực 12 hải lý của bất cứ bãi đá nào” và “đây không phải là một chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải”, giới phân tích cho rằng vụ việc trên đã khiến Mỹ can dự sâu hơn vào tình hình Biển Đông.

Armin Rosen, chuyên gia phân tích an ninh quốc phòng của Business Insider, cho rằng kháng thư của Trung Quốc đã khoét sâu hơn sự rạn nứt về địa chính trị đầy nguy hiểm giữa Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông. Cơ sở để Trung Quốc kháng nghị là họ cho rằng chiếc B-52 đã vi phạm cái gọi là “không phận” của một đảo nhân tạo mà họ bồi đắp phi pháp trên Biển Đông để phục vụ cho tham vọng chủ quyền của họ ở khu vực này.

Trong khi đó, Mỹ kiên quyết không thừa nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo phi pháp, và điều này được thể hiện rõ qua chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải mà Mỹ thực hiện gần đá Subi hồi tháng 11. Sau đó, Mỹ còn điều một chiếc B-52 bay qua một đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp phi pháp vào ngày 12/11, dù không tiến vào khu vực 12 hải lý.

Theo WSJ, Trung Quốc coi việc chiếc B-52 bay gần đá Châu Viên là “sự khiêu khích quân sự nghiêm trọng”, là hành vi xâm phạm đến cái gọi là “chủ quyền lãnh thổ” mà Bắc Kinh không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, phía Mỹ bác bỏ hoàn toàn cáo buộc này và cho rằng những đảo nhân tạo trên không hề đại diện cho lãnh thổ của Trung Quốc.

Ông Rosen cho rằng bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc về địa vị pháp lý của các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang bồi đắp trái phép trên Biển Đông không phải là nguy cơ duy nhất có thể làm dậy sóng vùng biển chiến lược này. Theo Reuters, Trung Quốc đang lên kế hoạch thực hiện các cuộc tập trận lớn trên Biển Đông vào cuối tháng này, với sự tham gia của “tàu ngầm và chiến đấu cơ mô phỏng các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình vào tàu chiến đối phương”.

b-52-khoet-sau-mau-thuan-my-trung-tren-bien-dong-1

Ảnh vệ tinh chụp đá Châu Viên hồi tháng 11/2014. Ảnh: CSIS

Mới đây, Nhật Bản cũng đã nâng cấp hệ thống phòng thủ trên các hòn đảo xa ở biển Hoa Đông. Đây là những hòn đảo do Nhật Bản kiểm soát, nằm rất gần với nhóm đảo Senkaku/Điều Ngư tranh chấp với Trung Quốc, và có thể khống chế các tuyến đường biển chiến lược nối từ biển Hoa Đông ra Thái Bình Dương.

Hôm 27/11, Trung Quốc đã điều 6 chiếc máy bay ném bom chiến lược H-6K bay trên vùng đặc quyền kinh tế và vùng nhận diện phòng không của Nhật Bản gần đảo Miyakojima ở phía nam nước này. Dù máy bay Trung Quốc không vi phạm không phận hay chủ quyền Nhật Bản, chuyến bay này được coi là một lời nhắc nhở của Trung Quốc về sức mạnh quân sự của họ, ngay cả trong bối cảnh địa chính trị rất nhạy cảm.

Từ trước tới nay, Mỹ luôn thể hiện rõ lập trường rằng họ không muốn các bên thay đổi hiện trạng trên Biển Đông và Hoa Đông. Một trong những lý do quan trọng để Mỹ “xoay trục” sang châu Á là nhằm kiềm chế bất cứ sự bành trướng sức mạnh nào của Trung Quốc trong khu vực, theo ông Rosen.

Chuyên gia này cho rằng việc Mỹ tăng cường hỗ trợ quân sự cho nhiều quốc gia trong khu vực, tổ chức các cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn với các đồng minh như Thái Lan, Philippines đều được coi là dấu hiệu cho thấy Washington sẵn sàng hậu thuẫn những nước có nguy cơ bị Trung Quốc lấn chiếm lãnh thổ trong tương lai.

Thời gian gần đây, máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ đóng quân tại căn cứ không quân Andersen ở Guam thường xuyên tiến hành các hoạt động tuần tra và huấn luyện trong khu vực, trong đó trọng tâm là ở Biển Đông, theo USA Today.

“Những chuyến bay này được thực hiện nhằm duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu và thể hiện cam kết của chúng tôi rằng sẽ bay, đi lại, hoạt động ở bất cứ nơi nào được luật pháp quốc tế cho phép”, ông Urban tuyên bố.

“B-52 của Mỹ có khả năng răn đe chiến lược. Nhưng cuộc tranh cãi ngoại giao xung quanh chuyến bay của chiếc B-52 trên cho thấy chính sách này có thể ẩn chứa những nguy cơ tiềm tàng, đến lúc nào đó có thể làm bùng lên xung đột giữa hai nước dù họ có quan hệ rất sâu sắc về kinh tế và ngoại giao”, ông Rosen nhấn mạnh.

Nguồn vnexpress.net


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề