Áp lực hạn chế quyền phủ quyết ở Liên Hiệp Quốc

Quyền phủ quyết của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc đối mặt thách thức sau khi hơn 100 nước cam kết không phản đối những nghị quyết về tội ác chống nhân loại.

Đại diện của Trung Quốc (giữa) sử dụng quyền phủ quyết trong một phiên họp bàn về tình hình Syria ở HĐBA LHQ  - Ảnh: ReutersĐại diện của Trung Quốc (giữa) sử dụng quyền phủ quyết trong một phiên họp bàn về tình hình Syria ở HĐBA LHQ – Ảnh: Reuters
Theo AFP, tính đến ngày 23.10, một ngày trước khi Liên Hiệp Quốc chính thức tròn 70 tuổi (24.10.1945 – 24.10.2015), đã có 104 trong tổng số 193 quốc gia thành viên ký cam kết nói trên. Trong đó có cả Anh và Pháp, 2 thành viên thường trực Hội đồng bảo an; cùng Nhật, Ukraina và Uruguay, 3 nước sẽ giữ ghế thành viên không thường trực ở Hội đồng bảo an từ tháng 1.2016.
Cam kết mới, còn gọi là bộ quy tắc ứng xử, được soạn thảo và vận động ủng hộ bởi ACT, nhóm gồm 27 quốc gia vừa và nhỏ cùng làm việc nhằm cải thiện tính trách nhiệm, nhất quán và minh bạch của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc. Theo đó, các quốc gia cam kết “không bỏ phiếu chống lại một dự thảo nghị quyết đáng tin cậy” nhằm tìm cách kết thúc hoặc ngăn chặn tội diệt chủng, tội ác chiến tranh hay những tội ác chống lại nhân loại. Bộ quy tắc trao cho Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon quyền xác định khi nào thì một vụ bùng phát bạo động có thể dẫn đến những tội ác hủy diệt hàng loạt, theo AFP.
Cam kết trên được cho là nhằm tránh để Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc rơi vào tình trạng bế tắc như vụ xung đột kéo dài hơn 4 năm qua và khiến hơn 250.000 người thiệt mạng ở Syria, sau khi những dự thảo nghị quyết về vấn đề này liên tục bị một số thành viên thường trực phủ quyết. Nga và Trung Quốc, 2 thành viên thường trực của HĐBA Liên Hiệp Quốc, đã phủ quyết mọi nỗ lực trừng phạt chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad mà phương Tây cho là cần thiết để chấm dứt bạo lực ở Syria.
Hồi tháng rồi, Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vitaly Churkin lên tiếng bác bỏ lời kêu gọi hạn chế sử dụng quyền phủ quyết và cho rằng nó phi thực tế. Ông lập luận rằng quyền xác định việc có hay không những tội ác hủy diệt hàng loạt có thể được sử dụng như một công cụ chính trị, theo AFP. Mỹ và Trung Quốc cũng không ủng hộ.
Trong khi đó, Giám đốc phụ trách công lý quốc tế thuộc Tổ chức Theo dõi nhân quyền Richard Dicker cho rằng bộ quy tắc mới “có thể thách thức việc lạm dụng quyền phủ quyết của vài thành viên thường trực, một sự lạm dụng xúc phạm nhiều nước thành viên Liên Hiệp Quốc”. “Bộ quy tắc có thể làm gia tăng tổn thất chính trị của việc bỏ phiếu chống lại một nghị quyết đáng tin cậy của Hội đồng bảo an trước những tội ác hủy diệt hàng loạt”, AFP dẫn lời ông Richard nhận định.
Hội đồng bảo an có 5 thành viên thường trực và 10 thành viên không thường trực luân phiên. Tuy nhiên, chỉ có 5 thành viên thường trực có quyền phủ quyết. Tính đến nay, Liên Xô rồi tới Nga đã sử dụng quyền phủ quyết tổng cộng 81 lần, trong khi Mỹ dùng 77 lần, trong đó có 30 lần cho những nghị quyết về vấn đề Israel – Palestine.
Còn số lần viện đến quyền phủ quyết của Anh, Pháp và Trung Quốc lần lượt là 32, 18 và 9, theo AFP.
Theo Thanh nien


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề