Ẩn họa đầu nguồn

Việc các báo đưa thông tin một số đập thủy điện của Trung Quốc ở đầu nguồn xả lũ gây ra ngập lụt cho cuối nguồn sông Hồng phía Việt Nam đã báo hiệu một ẩn họa mà Việt Nam cần nhìn nhận và lường trước để tránh hậu họa lớn hơn có thể xảy ra.

Khi các dòng sông có sự can thiệp của con người, đặc biệt khi những công trình hồ đập thủy điện lớn được xây dựng sẽ làm đổi thay chế độ tự nhiên của dòng sông, điều hòa nước để sử dụng cho các nhu cầu của con người.

Bên cạnh những lợi ích con người có được thì luôn đi kèm những ẩn họa khôn lường. Những ẩn họa này có thể gây nên từ sự cố vỡ đập, tạo nên động đất và cả việc xả lũ đột ngột kết hợp với lũ thiên nhiên gây nên thảm họa cho hạ du.

Khi thiết kế các con đập, người ta đã tính đến tất cả các tổ hợp nguy hiểm nhất có thể xảy ra khi con đập đi vào vận hành. Tuy nhiên, thiên nhiên cũng ẩn chứa nhiều điều con người không thể lường hết được.

Đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu, hiểm họa sẽ gia tăng khi các tiêu chuẩn thiết kế chưa tính toán, đề cập đến yếu tố này.

Việt Nam có hai dòng sông lớn (liên quốc gia) ở hai đầu đất nước. Đây là những dòng sông có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự sống còn của đất nước, đó là sông Hồng và sông Mekong. Chúng ta đều nằm ở hạ lưu của hai con sông quốc tế này.

Với sông Hồng có gần 1/2 lưu vực và gần 40% lượng nước phát sinh từ Trung Quốc và một phần nhỏ từ Lào.

Còn sông Mekong chúng ta chỉ có 8% lượng nước, còn lại trên 90% lượng nước chảy về đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc từ nguồn nước tại các quốc gia thượng nguồn, trong đó có Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan và Campuchia.

Do đó khu vực đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc gần như hoàn toàn vào sự “hắt hơi sổ mũi” của hai dòng sông này.

Sự phát triển của các quốc gia thượng nguồn ảnh hưởng vô cùng lớn đến Việt Nam. Trên thượng nguồn sông Hồng ở Trung Quốc ngoài gần 20 công trình thủy điện lớn còn nhiều công trình thủy điện, thủy lợi nhỏ khác.

Trên sông Mekong, Trung Quốc đã đẩy mạnh xây dựng hàng loạt công trình thủy điện lớn trên dòng chính. Và hiện nay, phần hạ lưu sông Mekong phía Lào, Thái Lan đang đẩy mạnh xây dựng các công trình thủy điện trên dòng chính. Mà những nhà đầu tư xây dựng các công trình thủy điện này chủ yếu là Trung Quốc, Thái Lan.

Các hồ chứa thủy điện lớn nhỏ thật sự là mối hiểm họa cho hạ lưu các công trình trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng của chúng ta khi chúng tích quá nhiều nước. Điều này cần được nhìn nhận và lường trước.

Là quốc gia ở hạ lưu các dòng sông quốc tế, Việt Nam có những công cụ pháp lý nào để bảo vệ quyền lợi và tránh được những thảm họa cho đất nước trước những ẩn họa phát triển đập thượng lưu?

Năm 1997, Liên Hiệp Quốc, sau 15 năm đàm phán, đã bỏ phiếu thông qua Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước quốc tế cho mục đích phi giao thông thủy (Công ước 1997). Đến nay đã có 103 quốc gia ký kết, thông qua, trong đó có Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam đã bỏ phiếu tán thành công ước này vào năm 2014.

Công ước 1997 đã có hiệu lực pháp lý thi hành. Những nguyên tắc rất cơ bản khi các nước chia sẻ và sử dụng chung nguồn nước quốc tế cần tuân thủ là công bằng, hợp lý và không gây hại. Các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác và chia sẻ thông tin liên quan…

Thế nhưng cũng buồn thay, Trung Quốc là quốc gia không bỏ phiếu cho Công ước 1997!

Vì sự an toàn của con người và sự phát triển bền vững của khu vực, Việt Nam cùng các nước trong khu vực cần phải có trách nhiệm lên tiếng mạnh mẽ để ủng hộ việc tuân thủ những quy định mà Công ước 1997 đã đặt ra.

Trí Lê (Theo Tuổi trẻ)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề