Al-Shabaab – mối đe dọa lớn với an ninh toàn cầu

Sau cuộc thảm sát 148 sinh viên tại Đại học Moi ở thị trấn Garissa, Đông Bắc Kê-ni-a, lực lượng Hồi giáo Al-Shabaab của Xô-ma-li có quan hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda đã đe dọa người dân Kê-ni-a về “một cuộc tắm máu kế tiếp”. Với những hành động khủng bố đẫm máu, Al-Shabaab đang trở thành một mối đe dọa lớn với an ninh trong khu vực và toàn cầu. Vậy tổ chức Hồi giáo vũ trang này là ai?

Tổ chức Hồi giáo cực đoan nhất

Al-Shabaab trong tiếng A-rập có nghĩa là “tuổi trẻ”. Nhóm này liên kết với tổ chức Liên minh Tòa án Hồi giáo kiểm soát thủ đô Mô-ga-đi-su của Xô-ma-li vào năm 2006, trước khi rút về kiểm soát một phần miền Trung và Nam Xô-ma-li. Theo chuyên gia R.Mác-san (Roland Marchal) ở Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp, Al-Shabaab là tổ chức Hồi giáo cực đoan nhất trong các tổ chức Hồi giáo ở Xô-ma-li. Tổ chức này muốn đưa Xô-ma-li trở thành một quốc gia Hồi giáo, CNN dẫn tin từ Hội đồng Quan hệ quốc tế cho biết.

Khoảng năm 2008-2010, Al-Shabaab có khoảng 15.000 quân. Năm 2009, Al-Shabaab tuyên chiến với Chính phủ Xô-ma-li. Đến tháng 10-2011, Kê-ni-a đưa quân vào Xô-ma-li và phối hợp với quân đội chính phủ mở chiến dịch Linda Nchi (bảo vệ đất nước) tấn công Al-Shabaab. Tổ chức này bị đánh bật khỏi nhiều địa bàn, nhưng vẫn chiếm nhiều vùng nông thôn rộng lớn.

Hiện nay, Al-Shabaab là một trong hai tổ chức Hồi giáo lớn nhất Xô-ma-li và chỉ còn khoảng 7000 đến 9000 thành viên. Al-Shabaab đưa các chiến binh sang Áp-ga-ni-xtan và I-rắc chiến đấu và học tập kinh nghiệm tác chiến. Al-Shabaab cũng đã dung nạp nhiều phần tử thánh chiến nước ngoài, trong đó có nhiều công dân Mỹ và châu Âu. Từ năm 2008, Al-Shabaab bắt đầu nhập khẩu kỹ thuật đánh bom tự sát.

Trong Al-Shabaab gồm nhiều phe nhóm đối địch nhau. Một số nhóm theo chủ nghĩa dân tộc, chủ trương đánh để chiếm quyền lực ở Xô-ma-li. Ngược lại, nhiều nhóm có liên hệ với Al Qaeda lại chủ trương thánh chiến toàn cầu.

Nhiều nguồn tin cho biết, Al-Shabaab có thể có liên kết với những tổ chức Hồi giáo khác tại châu Phi như Boko Haram ở Ni-giê-ri-a và Al-Qaeda tại sa mạc Xa-ha-ra. Al-Shabaab bị Mỹ, Anh xem là tổ chức khủng bố, theo BBC. Mỹ cáo buộc nhiều thành viên của Al-Shabaab có liên kết với Al-Qaeda và một số lãnh đạo cấp cao của tổ chức này từng được Al-Qaeda huấn luyện và chiến đấu tại Áp-ga-ni-xtan. Năm 2012, thủ lĩnh Al-Qaeda A.An Da-oa-hi-ri (Ayman al-Zawahiri) tuyên bố sự liên kết chính thức của hai tổ chức, theo ABC News.

Cách thức Al-Shabaab tuyển dụng thành viên và kiếm tiền

Theo CNN, Al-Shabaab duy trì một hệ thống truyền thông bao gồm cả mạng xã hội Twitter hết sức tinh vi. Thậm chí năm 2009, tổ chức này còn sản xuất hẳn một chương trình truyền hình thực tế, nhằm kêu gọi những người trẻ gia nhập nhóm. Al-Shabaab còn thiết lập một mạng lưới tuyển mộ tại Kê-ni-a, đặc biệt là gần bến cảng của thành phố Mom-ba-xa, nơi có nhiều người Hồi giáo sinh sống.

Về tài chính, ngoài việc nhận tài trợ của Al Qaeda, Al-Shabaab còn có “thu nhập” từ một loạt các hoạt động bất hợp pháp khác. CNN cho biết nhóm này làm giàu bằng các hình thức thu thuế và các lệ phí tại các sân bay, cảng biển, thuế hàng hóa và nhiều hình thức tống tiền khác giả danh những khoản đóng góp vì nghĩa vụ tôn giáo. Báo cáo từ tổ chức Giám sát Xô-ma-li và các quốc gia Bắc Phi của LHQ cho biết, mỗi năm, Al-Shabaab thu về từ 70 đến 100 triệu USD.

Tấn công đẫm máu

Tổ chức Hồi giáo Al-Shabaab từng thực hiện vụ tấn công đẫm máu kéo dài 4 ngày tại trung tâm mua sắm Westgate ở thủ đô Nai-rô-bi (Kê-ni-a) khiến 67 người thiệt mạng. Những người Hồi giáo đã được 4 tay súng thả đi trong khi những người không đọc được một đoạn kinh Cô-ran thì bị giết hại, theo ABC News. Al-Shabaab cũng từng nhận trách nhiệm nhiều cuộc tấn công khủng bố khác trong khu vực, như vụ đánh bom tại U-gan-đa khiến hơn 70 người thiệt mạng năm 2010.

Ngoài ra, tổ chức này còn thực hiện nhiều cuộc tấn công tại Kê-ni-a, nhắm mục tiêu vào binh lính thuộc Liên minh châu Phi và các tòa nhà chính phủ tại Xô-ma-li. Al-Shabaab còn áp đặt luật đạo Hồi Sharia hà khắc tại những khu vực mà tổ chức này kiểm soát, trong đó có việc ném đá đến chết những phụ nữ ngoại tình và chặt tay những ai ăn cắp, theo BBC.

Tại sao nhằm vào Kê-ni-a?

Theo Roi-tơ, A-Shebab tuyên bố cuộc thảm sát tại Trường đại học Moi ở Kê-ni-a làm gần 150 người thiệt mạng và hơn 100 người khác bị thương là đòn trả thù việc Chính phủ Kê-ni-a đưa quân vào Xô-ma-li và đối xử tệ với người Hồi giáo ở Kê-ni-a.

Trên thực tế, hiện có khoảng 3.500 binh sĩ Kê-ni-a tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hiệp châu Phi (AU) tại Xô-ma-li. Tuy nhiên CNN dẫn lời một số chuyên gia quân sự nhận định, Al-Shabaab tấn công thường dân ở Kê-ni-a vì đang trở nên suy yếu trước những đợt tấn công của lực lượng AU. Các chiến dịch tấn công bằng máy bay không người lái và lực lượng đặc nhiệm của Mỹ càng khiến Al-Shabaab rơi vào khủng hoảng. Năm 2006, Al-Shabaab kiểm soát thành phố Mô-ga-đi-su, thủ đô Xô-ma-li, và những năm sau đó là cả miền Trung và miền Nam Xô-ma-li. Tuy nhiên hiện tại, lực lượng AU đã chiếm lại Mô-ga-đi-su và nhiều thành phố ở miền Nam Xô-ma-li. Al-Shabaab cũng đánh mất thành phố cảng trọng yếu Ki-xmai-ô, do đó mất đi một nguồn tài chính cực kỳ quan trọng.

Nhiều thủ lĩnh Al-Shabaab đã bị lực lượng Mỹ tiêu diệt. Tháng 3 vừa qua, máy bay không người lái của Mỹ đã tiêu diệt thủ lĩnh A. Ga-ra (Adnan Garar) của Al-Shabaab, người được cho là đã lên kế hoạch cho vụ tấn công tại Westgate. Mỹ gọi đây là một đòn mạnh đối với tổ chức khủng bố này, theo ABC News. Các cuộc không kích vào năm 2014 và trước đó là năm 2013 cũng đã tiêu diệt nhiều thủ lĩnh khác của Al-Shabaab.

Hãng tin A-rập Al-Jazeera dẫn lời chuyên gia J.Mơ-xơ-vây (Joshua Meservey) thuộc Trung tâm châu Phi của Hội đồng Thái Bình Dương cho biết, hiện Al-Shabaab không còn đủ sức tấn công lực lượng AU. Do đó chúng buộc phải trả đũa bằng việc tấn công thường dân ở Kê-ni-a. Al-Shabaab trung thành với Al-Qaeda và muốn gây tiếng vang bằng những cuộc bạo lực đẫm máu để tăng uy tín, ảnh hưởng và thu hút những kẻ cực đoan từ các nước khác.

Quân đội Nhân dân


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề