Ai sẽ xây dựng tương lai tốt đẹp hơn cho Nga?

Có người cho rằng tình trạng chuyên chế ngày nay ở Nga là còn nhẹ so với thời Xô Viết, đặc biệt là thói hành xử kiểu chủ nghĩa Stalin. Trên thực tế, nhiều người Nga phản ứng rất bị động trước những diễn biến, như trường hợp đụng độ hôm mùng 6 tháng 5 năm 2012 giữa cảnh sát và người biểu tình phản đối gian lận kết quả bầu cử hoặc cuộc đàn áp hiện nay đối với các tổ chức phi chính phủ nhận tài trợ nước ngoài.

Nhiều người coi những sự kiện này như thể cuộc chiến tranh của người ngoài. Họ có thể cảm thông với những nạn nhân vô tội, nhưng vẫn tin là vì họ chẳng làm gì ngoài việc ngồi nhấm nháp cà phê và đọc báo nên chuyện đó sẽ không ảnh hưởng đến họ. Theo cái logic đó thì chỉ những người cả nghĩ đến phát điên mới có thể so sánh sự lạm dụng chính trị nhỏ giọt ngày nay so với sự lạm quyền đặc trưng của cuộc Đại Khủng bố những năm 1930.

Song chiến dịch Đại Khủng bố những năm 1930 cũng bắt đầu từ những chuyện nhỏ. Người Nga mới chỉ nghiên cứu cái bi kịch quốc gia đó của họ một cách hời hợt và chưa bao giờ đánh giá nó bằng thước đo đạo đức hoặc pháp lí. Lấy gì để đảm bảo rằng quyết định của nhà cầm quyền cáo buộc một nhà vật lí 75 tuổi tội phản quốc chỉ vì đã tiếp xúc với người nước ngoài[1] sẽ không dẫn đến một đợt trấn áp để cuối cùng biến dòng nước nhỏ thành trận lũ quét?

Một quan niệm sai lầm khá phổ biến khác là dù ai cũng biết chế độ đang cai trị hiện nay thiếu sót như thế nào – và cuộc phiêu lưu ở Crimea thật sự liên quan đến đồng rúp yếu và các vấn đề trong thị trường bất động sản và thị trường lao động – nhưng nếu thay thế nó thì có khi còn dẫn đến một chế độ tệ hơn, thậm chí độc đoán hà khắc hơn.

Thật kỳ lạ, nhiều người vẫn ở lại Nga cho dù họ tin rằng đất nước sẽ không có tương lai chừng nào Vladimir Putin còn cai trị – ngay cả người mù cũng có thể thấy chế độ này đã khác so với hai hay ba và nhất là năm năm trước. Những người này cho rằng mặc dù tương lai thật u ám, nhưng chừng nào mọi chuyện còn ít nhiều biến chuyển được thì việc gì phải lo.

Những lý lẽ này đều hợp lý và logic. Tuy nhiên ít ai nghĩ đến thực tế là tình hình hiện tại hoàn toàn tiêu cực đúng như cô giáo của tôi và những người khác đã nhìn ra từ cách đây 25 năm, nhưng ngay cả lúc đó tình hình vẫn chưa tồi tệ đến nỗi chúng tôi, những sinh viên của cô, muốn ra đi như bây giờ.

Nhiều người bằng linh cảm đã thấy nó sẽ đến, nhưng lại dễ dãi thả mình xuôi theo dòng nước hơn là sống và hành động vì một tương lai khác, một tương lai đáng sống ở Nga hơn là phải bỏ đi như bây giờ.

Việc những người trẻ có học thức đang rời bỏ đất nước cũng đủ để những người ít thông tin hiểu rằng nước Nga đang có chuyện gì đó không ổn.

Việc những người trẻ có học thức đang rời bỏ đất nước cũng đủ để những người ít thông tin hiểu rằng nước Nga đang có chuyện gì đó không ổn.

Chính người Nga chúng ta đã mang đến cái tương lai này, và chúng ta vẫn tiếp tục lao đầu vào nó. Mỗi người đều có ngưỡng chịu đau nhất định để biện minh cho quyết định ra đi của mình, nhưng khi nhóm xã hội lẽ ra đã có thể làm cho nước Nga tốt đẹp hơn lại quyết định tách mình ra khỏi đám đông thì họ cũng như những tay chơi lật đổ ván cờ khi thấy mình ít có hi vọng chiến thắng.

Tôi không trách ai mà trách chính mình. Tôi là một trong những kẻ chỉ đứng nhìn khi sự việc đã đến mức này, và tôi là một trong những kẻ luôn nghĩ đến việc ra đi. Lo lắng duy nhất của tôi là rất khó xây dựng được một tương lai tốt đẹp hơn ở nơi khác khi người Nga chúng ta không có kỹ năng và sự kiên trì để đấu tranh vì nó chính tại quê nhà.

Ivan Sukhov là nhà báo Nga chuyên viết về các xung đột ở Nga và Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (CIS) trong 15 năm qua.

———————

[1] Ám chỉ vụ điều tra nhà khoa học Vladimir Lapygin mới đây với cáo buộc làm lộ thông tin bí mật nhà nước – NHĐ.

Nguồn: Ivan Sukhov, “Who Will Build a Better Future for Russia?The Moscow Times, 29/07/2015.

Biên dịch: Phương Nguyễn | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

 


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề