Ả Rập Saudi trả giá

Quỹ Tiền tệ quốc tế cảnh báo Ả Rập Saudi có thể cạn tiền mặt trong vòng 5 năm nếu giá dầu vẫn dao động ở mức 50 USD/thùng

Chính phủ Ả Rập Saudi hôm 28-12 tuyên bố sẽ tăng 50% giá bán xăng nội địa, đồng thời bãi bỏ hàng loạt biện pháp trợ giá sau khi ghi nhận mức thâm hụt ngân sách cao kỷ lục – 98 tỉ USD năm 2015. Con số này dự kiến đạt mức 87 tỉ USD trong năm 2016. Không chỉ xăng mà điện, nước, dầu diesel và dầu hỏa cũng bị tăng giá. Trợ giá là vấn đề nhạy cảm ở Ả Rập Saudi bởi người dân nước này quen sử dụng xăng dầu, điện, nước giá thấp.

Cuộc chiến giá dầu

Ả Rập Saudi hiện là nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới với 90% nguồn thu ngân sách đến từ sản phẩm này. Tuy nhiên, giá dầu lao dốc mạnh thời gian qua khiến ngân sách nước này hao hụt nặng. Ngoài ra, Riyadh cho biết họ phải chi tiêu nhiều hơn dự tính vào các khoản như an sinh xã hội, lương bổng cho người lao động và quân đội.

Để đối phó, nước này kêu gọi cắt giảm 14% ngân sách năm 2016 – từ 260 tỉ USD xuống còn 224 tỉ USD. Ả Rập Saudi còn áp dụng các biện pháp nhằm cải thiện tình hình tài chính hiện tại, trong đó có thiết lập trần ngân sách, rà soát lại chi tiêu công cho các dự án… Các nhà chức trách cũng hy vọng có thể tăng nguồn thu bằng cách đánh thuế giá trị gia tăng và thu phí những “mặt hàng độc hại”, như thuốc lá và nước giải khát.

Có thể nói Ả Rập Saudi đang phải trả giá vì theo đuổi cuộc chiến giá dầu nhằm giữ thị phần. Bằng cách không chịu giảm sản lượng khai thác ngay cả khi nguồn cung trên thị trường thừa mứa khiến giá dầu giảm mạnh, nước này hy vọng có thể đẩy các đối thủ, trong đó có các nhà sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ, vào cảnh thua lỗ để rút khỏi thị trường.

Dù vậy, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) gần đây nhận định Riyadh có thể cạn tiền mặt trong vòng 5 năm tới nếu giá dầu dao động ở mức 50 USD/thùng. Theo IMF, nước này cần giá dầu ở mức 106 USD/thùng để cân bằng ngân sách. Tuy nhiên, đây là một mục tiêu xa vời bởi giá dầu vào dịp cuối năm 2015 có lúc xuống dưới 35 USD/thùng, so với mức trên 100 USD/thùng hồi giữa năm 2014.

Nga bức xúc

Chính sách trên không chỉ gây chia rẽ mạnh mẽ trong nội bộ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) mà còn khiến không ít nhà sản xuất dầu bên ngoài chỉ trích. Mới nhất, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak hôm 28-12 cáo buộc Ả Rập Saudi làm mất ổn định thị trường dầu mỏ thế giới bằng việc tăng nguồn cung thêm 1,5 triệu thùng/ngày.

Phát biểu trên kênh truyền hình Rossiya 24, quan chức này dẫn dự báo của các chuyên gia cho rằng cán cân cung cầu của thị trường dầu mỏ có thể cân bằng trở lại vào nửa cuối năm 2016. Tuy nhiên, những yếu tố như Iran đẩy mạnh xuất khẩu sau khi được dỡ bỏ trừng phạt có thể tác động đến thị trường. Có thể hiểu được bức xúc này bởi Nga đang là một trong những nước bị thiệt hại nặng khi giá dầu lao dốc không phanh.
Trong trường hợp không có sự nhượng bộ nào nhằm cắt giảm nguồn cung, các nhà đầu tư dự báo giá dầu có thể giảm còn 25, 20 hoặc thậm chí là 15 USD/thùng trong năm 2016. Ông Jeffrey Currie, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu hàng hóa cơ bản thuộc Ngân hàng Goldman Sachs, nhận định dầu có nguy cơ giảm còn 20 USD/thùng trong trường hợp nhu cầu sụt giảm do mùa đông ở Bắc bán cầu không quá lạnh. “Chúng tôi dự báo tình trạng thừa mứa dầu sẽ tiếp diễn trong năm tới” – ông Jeffrey Currie nói với trang Bloomberg.

Trung Quốc chuộng dầu Nga

Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GAC) vào tuần rồi công bố Nga đã vượt qua Ả Rập Saudi để trở thành nhà cung cấp dầu thô lớn nhất của nước này trong tháng 11 – lần thứ ba trong năm nay. Theo số liệu của GAC, Trung Quốc mua trung bình 949.925 thùng dầu/ngày từ Nga trong tháng rồi, nhiều hơn so với 886.950 thùng/ngày từ Ả Rập Saudi. Trước đó, sản lượng dầu thô xuất khẩu từ Ả Rập Saudi sang Trung Quốc trong năm 2014 đạt 50 triệu tấn, giảm 5 triệu tấn so với năm trước đó. Ngược lại, theo GAC, con số này của Nga tăng 36% lên 34 triệu tấn.

Báo Junge Welt (Áo) nhận định bước đi trên cho thấy Bắc Kinh đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung năng lượng. Trong khi Trung Quốc lo ngại về ảnh hưởng chính trị tiêu cực từ Ả Rập Saudi thì việc chuyển hướng của Bắc Kinh giúp Nga hạn chế được tác động của các biện pháp trừng phạt từ phương Tây. Ngoài ra, diễn biến này còn cho thấy mối quan hệ đối tác phát triển trong thương mại, năng lượng và những lĩnh vực kinh tế khác giữa Moscow và Bắc Kinh.
Theo nld.vn


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề