8B Lê Trực: Chủ đầu tư đề xuất hiến phần vi phạm cho Nhà nước
Đại diện chủ đầu tư tòa nhà 8B Lê Trực chia sẻ đề xuất được hiến phần xây dựng vi phạm tại toà nhà này cho Nhà nước để dư luận xem xét.

Đó là ý kiến đề xuất của ông Đỗ Thế Hùng – Giám đốc Ban quản lý dự án, đại diện chủ đầu tư tòa nhà 8B Lê Trực (Ba Đình – Hà Nội).

Theo đó, trong buổi sáng tiến hành tháo dỡ, cắt ngọn tầng tum và tầng 19 tòa nhà 8B Lê Trực, trả lời báo chí, ông Đỗ Thế Hùng đã đề xuất phương án được hiến phần xây dựng vi phạm tại toà nhà này cho Nhà nước để dư luận xem xét.

Ông Đỗ Thế Hùng – Giám đốc Ban quản lý dự án 8B Lê Trực.

Theo vị Giám đốc Ban quản lý dự án, thay vì cắt ngọn, sẽ tốt hơn nếu giữ nguyên phần diện tích này để hiến cho Nhà nước, sử dụng vào những việc có ích cho xã hội.

Ông Đỗ Thế Hùng nói: “Công trình của chúng tôi đã sai, chúng tôi xin nhận khuyết điểm. Tuy nhiên, vấn đề tôi muốn nói ở đây là không chỉ chúng tôi sai, liệu công trình chúng tôi có nằm trong vị trí nhạy cảm bắt buộc phải cắt ngọn, hay là chúng ta có thể dùng vào việc khác. Tôi đưa ra phương án này để dư luận, các cơ quan chức năng xem xét.

Vị Giám đốc Ban quản lý dự án 8B Lê Trực cho rằng, hiện nay, tòa nhà đang lành lặn, nếu phá đi thì sẽ rất không đẹp và lại thải ra môi trường một khối lượng rác thải xây dựng khổng lồ.

 

“Về mặt kinh tế, chúng tôi chịu trách nhiệm, bỏ thêm nhiều tỷ đồng để tiến hành việc tháo dỡ phần công trình sai phép. Nhưng việc phá dỡ lại đẩy ra xã hội một đống rác chứ không dùng được vào việc gì. Vậy, nên chăng là chúng ta sử dụng tài sản này vào mục đích khác, tốt hơn cho cộng đồng chứ không phải chúng ta phá bỏ” – ông Hùng nói với báo chí.

Tòa nhà 8B Lê Trực đang được tháo dỡ giai đoạn 1.

Theo ông Hùng, hiện nay không riêng 8B Lê Trực sai và nếu tòa nhà nào cũng cắt bỏ phần đã xây dựng sai phép thì sẽ lãng phí một số lượng lớn diện tích nhà ở.

Ông Hùng chia sẻ: “Trên sự công bằng, nếu cơ quan chức năng cắt ông A thì phải cắt ông B, ông C… Như vậy sẽ mất rất nhiều diện tích, trong khi đó thành phố đang cần thêm rất nhiều diện tích nhà ở. Bây giờ ông A không cắt diện tích sai phép mà hiến diện tích này thì ông B, ông C cũng hiến theo. Như vậy thành phố sẽ có thêm rất nhiều diện tích phục vụ xã hội.”

Trước ý kiến cho rằng, ở nước ta chưa có tiền lệ chủ đầu tư được phép giữ lại phần công trình sai phép để hiến cho Nhà nước, ông Hùng thể hiện mong muốn được làm đầu tiên để người khác đi theo”.

Nguồn nguoiduatin.vn


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề