“Nhiều người đang đi làm ở các doanh nghiệp địa phương, cất bằng đại học để làm công nhân thì cũng là việc làm. Đã đi làm, bất cứ việc gì cũng là vinh quang” – Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền trả lời chất vấn liên quan đến 174.000 sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng chưa tìm được việc làm.

Mới đây, Viện Khoa học Lao động và Xã hội thuộc Bộ LĐTBXH công bố tỉ lệ thất nghiệp cả nước quý II/2014 là 1,84%, Việt Nam vẫn nằm trong số quốc gia có tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới. Vì sao tỉ lệ thất nghiệp của Việt Nam lý tưởng quá vậy, xin thưa vì chạy xe ôm, bán trà đá, bán hàng rong cũng là công việc. TS Nguyễn Thị Lan Hương (Viện Khoa học Lao động và Xã hội) phân tích: “Có thể nói, một người đi làm như thế là chất lượng việc làm chưa tốt, thu nhập thấp, nhưng không phải thất nghiệp”.

Đương nhiên cử nhân, kỹ sư đi làm công nhân, xe ôm cũng là việc làm, làm việc gì cũng có giá trị đối với cuộc sống. Không phân biệt.

Nhưng ở đây không phải là giải quyết việc làm một cách tích cực, chủ động trong việc đào tạo, hướng nghiệp đúng với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội, mà hoàn toàn bị động do công tác dự báo kém. Nếu như chỉ để tuyển dụng lao động phổ thông làm công nhân, thì 174.000 người được đào tạo từ các trường đại học, cao đẳng sẽ là một sự lãng phí lớn. Và đó chính là sự thất bại trong đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực.

Rất đồng ý với Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền là việc gì cũng là việc, nhưng rất không đồng ý với hai từ “vinh quang”. Chính bộ trưởng nói tiền lương hiện nay chỉ áp ứng được 60% mức sống tối thiểu. Công nhân trong các nhà máy có mức sống dưới mức trung bình, bị teo cơ vì thiếu ăn. Không ai có thể công nhận đó là “vinh quang”.

Tất nhiên, sinh viên ra trường hàng loạt nhưng thất nghiệp nhiều không phải hoàn toàn thuộc trách nhiệm của Bộ LĐTBXH. Hậu quả này còn có nguyên nhân từ công tác dự báo trong đào tạo, chất lượng đào tạo đại học, cao đẳng của cả nước. Mặt khác, chính phụ huynh và cá nhân từng sinh viên cũng chịu trách nhiệm về việc lựa chọn và định hướng nghề nghiệp của mình. Ai cũng muốn có tấm bằng đại học và xem đó là con đường sống duy nhất, trong lúc học nghề bị coi là thất bại của đời người.

Nếu như Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đánh giá thực trạng thất nghiệp một cách khách quan, khoa học, đúng bản chất hơn thì mới có những chính sách phù hợp để giải quyết. Tạo ra một thị trường lao động lành mạnh, sử dụng lao động hợp lý, quan hệ lao động hài hòa, thu nhập của người lao động ổn định và sống được ra con người, đó là trách nhiệm của nhiều bộ, ngành.

Còn nhìn theo cách “cất bằng đại học làm công nhân” cũng là việc làm thì học làm gì cho phí.

Theo Lao Động.


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề