Cuộc đột kích bin Laden được dọn đường pháp lý như thế nào

“Tôi sẽ cho anh biết bí mật lớn nhất tại Washington”, thứ trưởng quốc phòng nói với một luật sư khoảng 5 tuần trước cuộc đột kích bin Laden, khi luật sư cùng ba người khác chuẩn bị nhận nhiệm vụ mở đường pháp lý cho hoạt động này.

cuoc-dot-kich-bin-laden-duoc-mo-duong-nhu-the-nao

Từ trái qua, hàng trên: cố vấn pháp lý Hội đồng an ninh quốc gia James W. Crawford III, cố vấn pháp lý Tham mưu trưởng liên quân Jeh C. Johnson.

Hàng dưới: luật sư trưởng của  CIA Stephen W. Preston và bà Mary DeRosa, cố vấn pháp lý Hội đồng an ninh quốc gia. Ảnh: NYTimes

4 luật sư liên bang bí mật mở đường pháp lý cho chiến dịch đột kích, tiêu diệt bin Laden tại Pakistan là Stephen W. Preston – luật sư trưởng của CIA, Mary B. DeRosa – cố vấn pháp lý của Hội đồng An ninh Quốc gia, Jeh C. Johnson – trưởng cố vấn pháp lý Lầu Năm Góc và cựu chuẩn đô đốc James W. Crawford III – cố vấn pháp lý tham mưu trưởng liên quân.

Các luật sư này đã làm việc với bí mật cao độ. Họ được yêu cầu ghi chép trên những chiếc máy tính xách tay được bảo mật cao, trao đổi bản dự thảo qua những người đưa tin đáng tin cậy. Lo ngại rò rỉ thông tin, Nhà Trắng không cho phép họ trao đổi với các trợ lý, thậm chí họ cũng không tiết lộ cho Bộ trưởng Tư pháp Eric H. Holder Jr. Cuối cùng ông Holder chỉ được thông báo vào ngày ngay trước khi cuộc đột kích diễn ra, tức là khá lâu sau khi các câu hỏi về mặt pháp lý đã được giải quyết.

Những vấn đề mà các luật sư phải chứng minh có cơ sở pháp lý để thực hiện là: đưa lực lượng trên mặt đất Mỹ vào Pakistan dù chưa có sự chấp thuận của quốc gia này, triển khai đặc nhiệm làm nhiệm vụ tiêu diệt thay vì bắt giữ, trì hoãn việc báo cáo quốc hội cho đến tận sau chiến dịch và thủy táng bin Laden.

Thông tin về vai trò của 4 luật sư được làm sáng tỏ thông qua các cuộc phỏng vấn với nhiều quan chức cả đương nhiệm lẫn về hưu trong chính phủ Mỹ. Họ thuộc số ít những người được báo cáo trực tiếp về quá trình hoạch định cuộc đột kích.

Giữ bí mật với Pakistan

Ông Preston và bà DeRosa tháng 3/2011 tới Lầu Năm Góc để gặp ông Johnson và Đô đốc Crawford, hai luật sư hàng đầu của quân đội. Các vị khách đã đặt ra một câu hỏi: “Giả dụ chúng ta tìm thấy một mục tiêu rất giá trị. Những vấn đề gì sẽ được nêu lên?”

Cuộc đối thoại giữa Preston, DeRosa và hai luật sư quân đội vào thời điểm đó vẫn còn khá mập mờ. Chỉ Preston và DeRosa biết rằng CIA đã tìm thấy vị trí khu nhà của bin Laden tại Abbottabad, thị trấn phía đông bắc Pakistan.

Sau đó, cố vấn an ninh quốc gia của ông Obama là Thomas E. Donilon đã cho phép tóm tắt thông tin về việc này cho hai vị luật sư quân đội. “Tôi sẽ cho anh biết bí mật lớn nhất tại Washington”, Michael G. Vickers, thứ trưởng quốc phòng phụ trách tình báo nói với ông Johnson vào ngày 24/3/2011, khoảng 5 tuần trước cuộc đột kích vào khu nhà của bin Laden.

Để dọn đường pháp lý cho chiến dịch, ông Johnson đã viết một bản ghi nhớ về vấn đề vi phạm chủ quyền Pakistan. Theo luật pháp quốc tế, khi hai quốc gia đang không trong tình trạng chiến tranh, thì nước này không thể sử dụng vũ lực trên lãnh thổ nước kia khi chưa được chấp thuận. Điều này khiến Mỹ phải đề nghị chính phủ Pakistan bắt bin Laden hoặc cho phép Mỹ thực hiện cuộc đột kích. Nhưng Washington lo ngại tình báo Pakistan có thể đã che giấu sự hiện diện của bin Laden, khiến việc thông báo cho Pakistan có thể đánh động trên trùm khủng bố.

Các luật sư quyết định rằng một cuộc xâm nhập quân sự đơn phương có thể là hợp pháp theo một ngoại lệ có phần gây tranh cãi liên quan đến chủ quyền. Theo đó, trong những tình huống mà một chính phủ “không sẵn sàng hoặc không đủ khả năng” trấn áp một mối đe dọa lên các nước khác xuất phát từ lãnh thổ nước mình, quốc gia bị đe dọa có thể có hành động quân sự đơn phương.

Việc dẫn chứng ngoại lệ này là một thách thức luật pháp vì hai lý do. Thứ nhất, nhiều quốc gia không công nhận điều này. Thứ hai, không có tiền lệ nào cho việc vận dụng điều này tương tự như vụ đột kích bin Laden. Tuy nhiên, trước lo ngại rò rỉ thông tin, các luật sư vẫn chấp thuận sử dụng phương án này.

Ông Preston đã viết một bản ghi nhớ về vấn đề khi nào chính quyền phải báo cáo cho các lãnh đạo quốc hội, theo một điều luật về các hoạt động bí mật. Trong tình huống này, các luật sư quyết định rằng chính phủ hoàn toàn hợp pháp khi trì hoãn thông báo cho tới sau cuộc đột kích. Nhưng sau đó họ mới biết rằng, giám đốc CIA, Leon E. Panetta, trước đó đã báo cáo tóm tắt cho một số nhà lập pháp cấp cao về kế hoạch đột kích, dù Nhà Trắng chưa cho phép.

cuoc-dot-kich-bin-laden-duoc-mo-duong-nhu-the-nao-1

Khu nhà tại Abbottabad, Pakistan, nơi bin Laden bị đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt. Ảnh:NYTimes

Nổ súng tiêu diệt

Các luật sư cũng tranh cãi về việc liệu có hợp pháp khi đưa một đội biệt kích SEAL tới Pakistan với mục đích chính là tiêu diệt bin Laden. Họ thống nhất rằng việc này là hợp pháp, trong một bản ghi nhớ do bà DeRosa soạn. Và ông Obama sau đó đã đưa ra mệnh lệnh rõ ràng cho nhiệm vụ này là tiêu diệt bin Laden, các quan chức tiết lộ.

Đặc nhiệm SEAL đã lường trước khả năng có kháng cự, và có tâm lý sẵn sàng nổ súng, dựa trên căn cứ pháp lý là quốc hội cho phép quân đội sử dụng vũ lực với những kẻ gây ra vụ khủng bố ngày 11/9.

Ngoài ra, các luật sư cảnh báo rằng, luật giao chiến yêu cầu quân đội phải chấp thuận bất kỳ đề nghị đầu hàng nào được xem là khả thi. Nhưng họ cũng biết rằng khả năng chấp nhận đầu hàng trong tình huống như vụ đột kích bin Laden khá hạn hẹp.

Họ đã bàn về những tình huống có thể khiến việc nổ súng giết bin Laden vẫn hợp pháp ngay cả khi hắn tỏ dấu hiệu đầu hàng, ví dụ như, các tay súng gần hắn ta đang nổ súng, hoặc nếu hắn ta che giấu một áo chứa bom tự sát, các quan chức cho biết.

Matt Bissonnette, một trong những đặc nhiệm SEAL tham gia cuộc đột kích, kể lại trong cuốn hồi ký năm 2012 rằng, trong quá trình chuẩn bị, một luật sư Washington nói với họ rằng: “Nếu hắn ta hoàn toàn không mặc gì với hai tay giơ lên hàng thì các cậu không được nổ súng”.

Thực tế, ông Bissonnette và một đồng đội kể lại rằng, trong những giây phút cuối đời của bin Laden, hắn ta không kháng cự cũng không đầu hàng.

cuoc-dot-kich-bin-laden-duoc-mo-duong-nhu-the-nao-2

Trùm khủng bố bin Laden. Ảnh: AP

Thủy táng

Câu hỏi pháp lý cuối cùng, đó là liệu nước Mỹ có thể thả xác bin Laden xuống biển hay không. Việc này nhằm tránh việc chôn cất và xây mộ cho tên trùm khủng bố, có nguy cơ trở thành nơi thờ tự của những kẻ Hồi giáo cực đoan.

Công ước Geneva kêu gọi các nước chôn cất những kẻ thù bị tiêu diệt trên chiến trường theo nghi thức tôn giáo của họ. Với những người Hồi giáo, điều này có nghĩa là được chôn trong lòng đất, hướng về thánh địa Mecca, trong một ngôi mộ có tên rõ ràng.

Dù vậy, một số văn bản của đạo Hồi cho phép thủy táng khi đang trong chuyến hành trình trên biển. Đô đốc Crawford đã viện dẫn ngoại lệ này để chứng minh việc thủy táng là chấp nhận được và không phải một sự báng bổ trong bản ghi nhớ do mình soạn thảo.

Các luật sư cũng quyết định rằng, Arab Saudi, quê nhà của bin Laden, phải được hỏi ý kiến liệu họ có muốn giữ thi thể của tên này hay không. Nếu không, việc thủy táng là chấp nhận được. Và đúng như dự đoán, người Saudi từ chối, giới chức Mỹ cho biết.

Ngày 1/5/2011, cuộc đột kích diễn ra. Ông Preston mang theo đồ dùng cá nhân để có thể ở lại qua đêm tại trụ sở CIA, đề phòng trường hợp chiến dịch có diễn biến xấu. Ông vào phòng họp của giám đốc CIA, nơi được xem như một trung tâm chỉ huy. Còn bà DeRosa tới Nhà Trắng. Đô đốc Crawford và ông Johnson tới một trung tâm tác chiến của Lầu Năm Góc.

Khi đặc nhiệm SEAL tiếp cận khu nhà tại Pakistan, ông Obama đi vào một căn phòng nhỏ trong Phòng Situation để xem hình ảnh trực tiếp được truyền về. Hầu hết các cộng sự cấp cao của ông đi theo, và tất cả được ghi lại trong một bức ảnh nổi tiếng. Riêng 4 luật sư, những người đã giúp mở đường cho chiến dịch lại không có mặt trong bức hình này.

cuoc-dot-kich-bin-laden-duoc-mo-duong-nhu-the-nao-2

Tổng thống Obama và các quan chức theo dõi diễn biến cuộc đột kích. Ảnh: The White House

Nguồn vnexpress.net


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề