40 năm doanh nghiệp Việt

Chuyên gia kinh tế tài chính Bùi Kiến Thành, người từng làm Trưởng đại diện đầu tiên của Ngân hàng Quốc gia VN tại Mỹ (1956 – 1958), sau 1975 định cư tại Pháp và đã về nước tham gia xây dựng chính sách đổi mới của đất nước từ những năm đầu thập niên 80 thế kỷ trước, nhận định: Môi trường kinh doanh ở miền Nam đã phát triển ngay cả trong thời gian chiến tranh, tuy nhiên sau năm 1975, tinh thần đó đã bị chững lại ít nhất 20 năm cho đến ngày VN chính thức được tháo dỡ lệnh cấm vận thương mại.

20 năm chững lại

Có thể tạm chia quá trình 40 năm qua thành 4 giai đoạn, gắn với 4 cột mốc quan trọng: Đổi mới (1986), Mỹ tháo bỏ lệnh cấm vận (1994), VN gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO (2007) và đến 2015, thời điểm VN bắt đầu hội nhập sâu với hàng loạt các ký kết thương mại với nhiều quốc gia, khu vực. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, trừ đi 20 năm “chững lại”, các doanh nghiệp (DN) Việt, đặc biệt khối DN tư nhân, chỉ có nhiều cơ hội để vươn lên và phát triển trong tầm 20 năm trở lại đây.

Giai đoạn 10 năm đầu sau thống nhất đất nước, VN vận hành nền kinh tế bao cấp, nên những người “xé rào” để làm kinh tế chỉ ở tầm đơn giản, mang tính tự phát với mục đích đáp ứng nhu cầu thiếu hụt hàng hóa trong nước. Chỉ trong vòng 4 năm từ 1977 – 1980, miền Nam đã tiến hành hợp tác hóa toàn bộ, các tập đoàn sản xuất có nghĩa vụ bán sản phẩm làm ra cho nhà nước theo giá đã được định hoặc thấp hơn nhiều giá thị trường. Khái niệm “con buôn”, “chợ đen”… đã xuất hiện trong thời kỳ này. Ông H.L, hiện làm trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản, từng giữ chức Chủ tịch HTX sản xuất tại một tỉnh miền Tây những năm 80 thế kỷ trước, chia sẻ: “Mô hình HTX vốn không thành công trước đây ở miền Bắc, khi được áp dụng vào miền Nam đã nhanh chóng tan rã chỉ sau thời gian ngắn, tôi nhớ đâu chỉ vài ba năm”. Một số tài liệu trong giai đoạn này còn ghi lại, năm 1979, riêng khu vực miền Nam có gần 1.300 HTX được thành lập với hơn 15.000 tổ sản xuất. Thế nhưng, sang năm 1980, các tổ chức này ngưng hoạt động hoặc tự giải thể. Hoạt động sản xuất nông nghiệp của toàn miền Nam, nơi được coi là vựa lúa thứ 2 của cả nước cũng chững lại.

Giai đoạn làm ăn “khốn khó chắp vá kiểu ăn bữa hôm lo bữa mai” của DN Việt không ngừng tại cột mốc Đổi mới năm 1986, mà kéo dài 3 – 4 năm sau. Năm 1988, tức giai đoạn 2 sau ngày đổi mới, là giai đoạn chứng kiến khát vọng “đổi mới” của cả dân tộc. Năm 1990, luật Công ty và luật DN tư nhân được Quốc hội thông qua và được “hiện thực hóa” vào năm 1992, khi Hiến pháp mới công nhận: “Công dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định pháp luật”. Trong một lần trò chuyện với chúng tôi, ông Hoàng Ngọc Phan, nhà sáng lập Trường cao đẳng Việt Mỹ, nói: “Tuy đã đổi mới nhưng những ai muốn bứt ra làm tư, hoặc những người Việt từ nước ngoài về nước đầu tư trong giai đoạn còn mới mẻ này, nhẹ nhất cũng sứt đầu mẻ trán, nặng thì ôm đầu máu để quay về nhà”. Ông Phan nói vui nhưng đó là thực tế khi ông chia sẻ nhiều Việt kiều về nước, đổ hết tiền đầu tư nhưng chính sách tại các địa phương chưa theo kịp nhu cầu đổi mới của cả nước. Một tờ giấy phép thành lập công ty thôi cũng dễ dàng “ngốn” của những người muốn bứt ra làm tư 2 – 3 năm.

Khó khăn, song, giai đoạn này chứng kiến sự có mặt, chuyển mình, hoặc phát triển mạnh mẽ của nhiều thương hiệu Việt: gốm sứ Minh Long, kem đánh răng P/S, kem đánh răng Dạ Lan, xà bông Cô Ba, nước ngọt Tribeco, bia Huda, bánh kẹo Kinh Đô, bánh kẹo Bibica, kềm Nghĩa… Tuy nhiên, không ít thương hiệu nổi tiếng sau ngày VN mở cửa, và đặc biệt, sau khi VN gia nhập WTO, đã rơi rụng dần và biến mất. “Trước làn sóng đầu tư nước ngoài, mạnh về tài lực, con người và quản trị, DN Việt, trong tâm thế mới thoát nền kinh tế tự cung tự cấp, lẽ tất nhiên là bị chao đảo trong môi trường mới này rồi. Một mặt khác, chính nhà nước cũng chưa chuẩn bị tinh thần để đón nhận sự “chao đảo” của các DN, dẫn đến những hệ lụy như chúng ta đã thấy: Mất hàng loạt thương hiệu tốt vào tay các tập đoàn lớn nước ngoài, hội nhập và đánh mất thế làm chủ, chỉ có làm thuê, làm gia công”, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhận xét.
Đang có những doanh nghiệp giỏi thật sự

Trước cơn lốc ồ ạt đầu tư của các tập đoàn nước ngoài, đặc biệt từ sau năm 2000, đã có không ít nhận xét từ báo chí nước ngoài về nền kinh tế VN như “con rồng mới của châu Á”, đang thức dậy và lớn mạnh…

“Báo chí nói hay đôi khi chúng ta tự huyễn hoặc vào chính mình. Có một thực tế tôi thấy, giai đoạn này VN xuất hiện rất nhiều người biết làm ăn kinh doanh giỏi, có học hành bài bản, có tinh thần cầu tiến, họ sẽ là thế hệ doanh nhân VN mới trong thời đại mới, nhưng hình như cũng có không ít đã rời bỏ cuộc chơi khi cuộc chơi đang thời điểm cao trào”, một chuyên gia tư vấn đầu tư phát biểu. Dẫn chứng cho nhận định này, ông nói: “Phở 24 là thương hiệu quá tốt được ra đời và phát triển mạnh trong giai đoạn tiền hội nhập và sau này thế nhưng đã sớm bán lại cho đối tác ngoại. Tôi đánh giá cao những chủ DN có sáng kiến, dám nghĩ dám làm của các thương hiệu Phở 24, Hoàng Anh Gia Lai, VinGroup, Trung Nguyên, Phú Thái… Họ, nếu có chính sách tốt, sẽ là những nhân tố đẩy VN lên “con rồng” trong tương lai”.

Như vậy, sau 40 năm thống nhất, đặc biệt sau 20 năm mở cửa, sau 10 năm hội nhập, DN Việt đang lớn mạnh ở mức nào? Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: “DN Việt, một số có thể lớn, nhưng chưa mạnh. Và đó cũng chính là điều chúng ta cần nhìn nhận thấu đáo. VN liệu sẽ có những tập đoàn cỡ như C.P của Thái, Samsung của Hàn hay Sony của Nhật không? Sẽ có nếu chúng ta học hỏi các nước này làm chính sách cho DN, đặc biệt khối DN tư nhân. Phát triển kinh tế tư nhân, dưới sự định hướng chiến lược của Chính phủ và hậu thuẫn mạnh mẽ từ Chính phủ về chính sách tài chính, vốn, đất đai, nhà xưởng, đầu tư… tôi tin chắc, chúng ta có thể lạc quan vào tương lai của DN Việt một ngày không xa”.

Cẩn trọng hơn, chuyên gia kinh tế tài chính Bùi Kiến Thành nói: “Tôi đã đồng hành với Chính phủ và DN Việt qua nhiều thời kỳ, tôi nhận thấy, mỗi khi chúng ra quản lý theo tư duy bảo thủ, nói một đằng làm một nẻo, bất nhất trong quản lý hàng dọc từ T.Ư đến địa phương, DN Việt sẽ tiếp tục gặp khó nữa, rơi rụng nữa cho đến khi chỉ thấy toàn người nước ngoài đến VN làm chủ”.

Ông Thành cũng cho rằng, nói ra điều này có vẻ hơi bi quan, nhưng trong không khí hội nhập sâu, VN khát khao làm giàu cho bằng “anh bằng em”, nếu Chính phủ không quyết liệt đổi mới, đồng hành với DN, sẽ khó có nền kinh tế bứt phá.


Hai luật DN 1999 và 2005 tạo cú hích lớn phát triển kinh tế tư nhân. Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (Bộ KH-ĐT), sau 10 năm kể từ khi luật DN 1999 ra đời, số lượng DN đăng ký mới gấp 9 lần và số DN tư nhân tăng đến 15 lần với tổng số vốn tăng 19 lần. Tuy nhiên, trước cơn lốc hội nhập, suy thoái kinh tế, khó khăn chồng chất, đã có số lượng lớn DN giải thể, phá sản hoặc ngưng hoạt động. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, riêng năm 2014, cả nước đã có hơn 67.800 DN khó khăn buộc phải giải thể, ngưng hoạt động.

Trong cái khó ló cái khôn

Ông Nguyễn Thanh Lâm, người từng có hơn 20 năm “gánh” hàng Việt sang châu Âu, cho rằng kinh tế bao cấp đã làm thui chột ý chí làm giàu của nhiều người. “Là một nước nông nghiệp nhưng trong 5 năm đầu sau ngày thống nhất đất nước, VN đã phải nhập khẩu trên 5,6 triệu tấn lương thực, thực phẩm”, ông Lâm nhớ lại. Song, trong cái khó ló cái khôn, cũng chính giai đoạn này, khái niệm “khoán” bắt đầu xuất hiện. Nhiều công ty, tổ chức kinh tế nhà nước đã nỗ lực tìm mọi cách để tìm đầu ra, giải quyết việc làm cho người lao động. Chẳng hạn, Công ty lương thực TP.HCM, Công ty lương thực An Giang đã áp dụng giá thị trường vào thu mua lúa gạo, các xí nghiệp sản xuất thuốc lá, vải… chủ động vay ngoại tệ từ ngân hàng để nhập nguyên liệu phục vụ sản xuất.

Thanh Niên


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề