28/09/1918: Lính Anh tha mạng cho Adolf Hitler

Vào ngày 28/09/1918, đã xảy ra một biến cố được ghi nhận trong lịch sử Thế chiến I. Mặc dù các chi tiết của sự kiện này vẫn chưa thực sự rõ ràng, nhưng Binh nhì Henry Tandey – một người lính Anh đang phục vụ gần làng Marcoing, Pháp – đã báo cáo về việc gặp một người lính Đức bị thương, tuy nhiên, ông lại không bắn người này. Điều đó đã giữ lại mạng sống cho chuẩn hạ sĩ Adolf Hitler, khi ấy mới 29 tuổi.

Tandey, một người gốc Warwickshire, đã tham gia vào Trận Ypres đầu tiên (10/ 1914) và trận Somme (1916) – nơi ông bị thương ở chân. Sau khi xuất viện, ông được chuyển giao cho Tiểu đoàn 9 tại Pháp và bị thương một lần nữa trong Trận Ypres thứ ba, tại Passchendaele vào mùa hè năm 1917. Từ tháng 7 đến tháng 10/1918, Tandey phục vụ trong Trung đoàn thứ 5 đặt theo tên Công tước Wellington (the 5th Duke of Wellington Regiment). Trong thời gian này, ông đã cùng quân Anh giành lại Marcoing thành công, nhờ đó, ông đã được trao Anh dũng bội tinh Victoria vì lòng dũng cảm của mình.

Tandey kể lại với các nguồn tin rằng: trong những giây phút cuối cùng của trận chiến đó, khi quân Đức đã rút lui, một người lính Đức bị thương đã vào đúng tầm đạn của ông. “Tôi đã nhắm nhưng lại không thể bắn một người bị thương,” Tandey hồi tưởng, “thế nên tôi để hắn đi.” Người lính Đức gật đầu cảm ơn rồi biến mất.

Dù không có bằng chứng nào để xác thực vị trí chính xác của Adolf Hitler vào ngày hôm đó, vẫn có một mối dây liên kết cho thấy rằng ông ta thực sự là người lính được Tandey tha mạng. Bức ảnh Tandey giúp một người lính bị thương tại Ypres năm 1914 đã xuất hiện trên khắp các tờ báo London, và sau đó được nghệ sĩ người Ý Fortunino Matania vẽ lại trên vải, nhằm tôn vinh những nỗ lực trong chiến tranh của quân Đồng Minh.

Câu chuyện cứ thế tiếp tục. Năm 1938, Thủ tướng Anh Neville Chamberlain sang Đức để gặp Hitler, trong nỗ lực cuối cùng nhằm ngăn chặn một cuộc chiến tranh ở châu Âu. Khi ấy, ông được Quốc trưởng đưa tới chỗ ở mới của mình tại Bavaria – nơi mà Hitler đã cho Chamberlain xem bản sao bức tranh của Matania và nói rằng “Đó là người đàn ông suýt nữa đã bắn tôi.”

Tính xác thực của cuộc gặp gỡ giữa Tandey và Hitler vẫn còn đang được tranh cãi, dù bằng chứng cho thấy rằng Hitler đã có bản sao bức tranh của Matania ngay từ đầu năm 1937 – đây quả là điều không thể ngờ với một người đàn ông vốn đã vô cùng tức giận và tuyệt vọng sau khi Đức thua Đồng Minh trong Thế chiến I. Khi còn là một người lính, Hitler từng bị mù tạm thời do một cuộc tấn công khí mù tạc ở Bỉ hồi tháng 10/1918 và sau đó thì nằm trong một bệnh viện quân đội ở Pacewalk, Đức, khi ông nhận được tin quân Đức đầu hàng. Những kinh nghiệm trên chiến trường – từ chiến thắng đầu tiên cho đến sự vỡ mộng và chán nản cuối cùng – sẽ tô màu cho phần đời còn lại cũng như sự nghiệp của Hitler. Như chính ông ta đã thừa nhận vào năm 1941, sau khi đưa đất nước mình vào một cuộc xung đột khác: “Khi tôi trở về từ Thế chiến (I), tôi đem theo với mình cả những kinh nghiệm trận mạc; và từ đó tôi dựng lên cộng đồng Quốc xã của tôi.”

theo Nghiên Cứu Quốc Tế


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề