25 năm hình thành APEC: Thúc đẩy mạnh mẽ liên kết kinh tế khu vực

Năm 2014 đánh dấu 25 năm Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ra đời và 20 năm thực hiện mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư.

Sau 1/4 thế kỷ, APEC tiếp tục khẳng định vị thế là diễn đàn hợp tác kinh tế quy mô lớn nhất, góp phần thúc đẩy xu thế hợp tác, liên kết kinh tế trong khu vực.

Trong xu thế ấy, Việt Nam đã có những đóng góp tích cực, chủ động và hiệu quả với nhiều sáng kiến trong mọi lĩnh vực.

Từ ngày 5-11/11, tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc diễn ra chuỗi sự kiện trong Tuần hội nghị cấp cao APEC lần thứ 22.

Với chủ đề “Định hình tương lai quan hệ đối tác châu Á-Thái Bình Dương: sáng tạo, kết nối, hội nhập, phồn vinh,” 21 nền kinh tế thành viên sẽ tập trung thảo luận ba vấn đề: Kết nối nội khối; Hình thành khu thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) và các nội dung hợp tác kinh tế-thương mại mới. Hội nghị cũng nhìn lại những thành tựu đạt được sau 25 năm hợp tác và định hướng APEC trong thời gian tới.

Thành lập ngày 6/11/1989 tại Canberra (Australia), ban đầu APEC có 12 thành viên và con số này hiện đã tăng lên 21, trong đó hội tụ hầu hết các nền kinh tế năng động nhất châu Á-Thái Bình Dương – khu vực đại diện cho khoảng 40% dân số thế giới, đóng góp 55% GDP và 44% thương mại toàn cầu.

Hợp tác APEC hướng tới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, đẩy mạnh tự do hóa thương mại và đầu tư trong khu vực thông qua việc thực hiện các mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư đối với các thành viên phát triển vào năm 2010 và các thành viên đang phát triển vào năm 2020.

Bên cạnh đó, APEC cũng đẩy mạnh hợp tác nhằm hỗ trợ hệ thống thương mại đa phương, tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư và hợp tác kinh tế-kỹ thuật. Hợp tác của APEC ngày càng đa dạng về quy mô, phạm vi, nội hàm và mức độ cam kết.

Từ năm 1989-2012, GDP thực tế của khu vực đã tăng từ 15.700 tỷ USD lên 30.300 tỷ USD, GDP bình quân đầu người tăng 36%. Thương mại hàng hóa nội khối tăng 7 lần, từ 1.700 tỷ USD năm 1989 lên 11.500 tỷ USD năm 2014. Nếu tính từ khi thực hiện các Mục tiêu Bogor cách đây 20 năm, APEC đã đạt được những kết quả đáng kể về tự do hóa thương mại và đầu tư.

Hoạt động kinh doanh giữa các nước thành viên ngày càng thuận lợi và được coi là giải pháp hiệu quả để phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và liên kết khu vực.

Mức thuế trung bình trong khu vực đã giảm từ 17% năm 1989 xuống còn 5,7% năm 2012; rào cản thương mại giảm từ 16,9% năm 1989 xuống còn 5,8% năm 2010. Tính đến tháng 4/2014, tổng cộng 55 FTA đã được ký kết trong APEC thành viên. APEC cũng đã triển khai khoảng 1.600 dự án (từ năm 1993), hỗ trợ khoảng 150 dự án/năm với tổng giá trị 23 triệu USD.

APEC là Diễn đàn hợp tác đa phương đầu tiên đạt thỏa thuận Danh mục chung về hàng hóa môi trường – vấn đề mà Tổ chức thương mại thế giới (WTO) thúc đẩy hơn một thập niên qua.

Theo thỏa thuận này, 54 mặt hàng môi trường sẽ giảm thuế ở mức 5% trở xuống vào năm 2015. APEC cũng đặt mục tiêu nâng cao 10% chất lượng chuỗi cung ứng khu vực vào năm 2015, cải thiện môi trường kinh doanh theo tiêu chí rẻ hơn, nhanh hơn và đơn giản hơn 25% trước năm 2015; thúc đẩy các biện pháp thương mại đầu tư “thế hệ mới” như tăng trưởng sáng tạo, chuỗi cung ứng đáng tin cậy,… APEC đã thiết lập mạng lưới gồm 46 Trung tâm cơ hội số APEC (ADOC) tại 10 nền kinh tế thành viên.

Hợp tác kinh tế kỹ thuật (ECOTECH) là một trọng tâm hợp tác được APEC và các thành viên coi trọng, nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển, hỗ trợ các nền kinh tế đang phát triển tận dụng các cơ hội của quá trình tự do hóa thương mại và đầu tư, bảo đảm sự phát triển năng động và thịnh vượng của toàn khu vực.

Hợp tác ECOTECH tập trung vào việc chia sẻ thông tin và kinh nghiệm hoạch định chính sách, xây dựng các thực tiễn điển hình, tổ chức đào tạo, hội thảo nhằm nâng cao nhận thức và năng lực xử lý các vấn đề chính sách và kỹ thuật cho các nền kinh tế thành viên.

Trong hơn một thập kỷ đầu thế kỷ XXI, với sự thúc đẩy của các thành viên phát triển, xu hướng mới trong liên kết APEC là mức độ cam kết cao hơn và ràng buộc hơn, mở rộng sang những vấn đề thương mại-đầu tư “thế hệ mới” và gắn kết với ứng phó các thách thức toàn cầu. An ninh phi truyền thống đã trở thành một ưu tiên của APEC từ sau sự kiện 11/9/2001.

Đến APEC năm 2006 tại Hà Nội, mục tiêu hình thành FTAAP được chính thức thúc đẩy. Sau cuộc khủng hoảng kinh tế – tài chính toàn cầu 2008-2009, một trong những trọng tâm của APEC là thúc đẩy chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng bền vững. Các thành viên đều nhất trí rằng APEC cần đóng góp vào việc điều phối, gắn kết các cơ chế khu vực tiến tới hình thành FTAAP.

Việt Nam tham gia APEC năm 1998, đánh dấu bước triển khai quan trọng trong chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Trong 16 năm qua, Việt Nam đã tích cực tham gia và đóng góp thúc đẩy hợp tác APEC, là một trong những thành viên chủ động đề xuất và tham gia nhiều sáng kiến mới, với hơn 80 sáng kiến ở hầu hết mọi lĩnh vực (thương mại, đầu tư, hợp tác kinh tế-kỹ thuật, đối phó với tình trạng khẩn cấp, y tế, chống chủ nghĩa khủng bố, an ninh lương thực…).

Việt Nam đã đề xuất và được thông qua 9 sáng kiến để triển khai trong năm 2015 về thành lập trung tâm phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam, tạo thuận lợi cho chuỗi giá trị may mặc toàn cầu, hỗ trợ ngành công nghiệp phụ trợ, quản lý thiên tai dựa trên cộng đồng, giải quyết rào cản về đầu tư đối với năng lượng tái tạo, cải thiện đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi cho các nhà cung cấp, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tiếp cận sâu thị trường quốc tế, kinh nghiệm và thực tiễn tốt về phát triển nhượng quyền kinh doanh; thúc đẩy đối tác công-tư về đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng, tăng cường tính cạnh tranh, ủng hộ tự do hóa về giá cả của các sản phẩm thiết yếu.

Trong giai đoạn hiện nay, APEC tiếp tục là một trong những cơ chế quan trọng ở khu vực trong nỗ lực triển khai đường lối của Đại hội Đảng lần thứ XI và Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, trong đó coi trọng và phát huy vai trò tại các cơ chế hợp tác ở châu Á-Thái Bình Dương.

Có thể nói APEC là khu vực gắn bó chặt chẽ, mật thiết với sự phát triển của Việt Nam trên mọi mặt kinh tế, đối ngoại, an ninh và phát triển.

Liên kết kinh tế khu vực nói chung và trong khuôn khổ APEC nói riêng, cũng như hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta đang chuyển sang giai đoạn mới với nội hàm sâu, mức độ cam kết cao hơn, mở rộng sang nhiều vấn đề thương mại và đầu tư thế hệ mới.

Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò trong APEC, đặc biệt phối hợp với các thành viên khởi động chuẩn bị đăng cai Năm APEC 2017. Điều đó sẽ giúp Việt Nam triển khai mạnh mẽ chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, thể hiện tầm nhìn dài hạn của Việt Nam về châu Á-Thái Bình Dương.

Đây cũng sẽ là đóng góp thiết thực nữa của Việt Nam vào việc duy trì vai trò và vị thế của APEC, xây dựng một châu Á-Thái Bình Dương trong thế kỷ 21 năng động, tự cường và thịnh vượng-động lực của tăng trưởng kinh tế toàn cầu./.

Theo TTXVN.


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề