10 xu hướng chiến lược trên bàn cờ địa chính trị ASEAN

Từ cuộc bầu cử của Myanmar đến xây dựng cộng đồng ASEAN, năm 2015 sẽ là một năm đầy sôi động đối với các quốc gia Đông Nam Á. Dưới đây là 10 xu hướng chiến lược trên bàn cờ địa chính trị Đông Nam Á.

1. Tiến tới Cộng đồng ASEAN

Tạp chí Diplomat nhận định, năm 2015 sẽ là một năm quan trọng đối với hội nhập khu vực. Cuối năm 2015 là hạn chót cho việc hình thành một Cộng đồng ASEAN, mặc dù, các cuộc hội đàm đã chuyển sang đóng khung “chương trình nghị sự sau năm 2015” về xây dựng cộng đồng.

2015 cũng là năm quan trọng đối với hội nhập kinh tế, với mục tiêu đạt được hai hiệp định thương mại tự do, bao gồm Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực và Hiệp định xuyên Thái Bình Dương do Mỹ dẫn đầu, liên quan đến 4 nước ASEAN. Cùng với sự phát triển của những sáng kiến kinh tế như Ngân hàng Đầu tư cơ sở Hạ tầng châu Á do Trung Quốc tài trợ. Do đó, năm nay sẽ là một then chốt cho tương lai của hội nhập khu vực và vai trò của cả Washington và Bắc Kinh.

2. Malaysia đảm nhận cả hai vai trò tại ASEAN và Liên Hợp Quốc

Malaysia sẽ là tâm điểm chú ý trong năm 2015 khi đảm nhiện cả vai trò chủ tịch của ASEAN cũng như thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Mặc dù đây sẽ là cơ hội cho đất nước này tiếp tục khẳng định vai trò thành viên sáng lập ban đầu của ASEAN và tạo nên tiềm lực ảnh hưởng trên trường quốc tế, nhưng đồng thời, Malaysia cũng sẽ phải chịu thêm sự giám sát về chính trị nội bộ, bao gồm cả hồ sơ nhân quyền của nước này.

Malaysia làm thế nào để cân bằng giữa những thách thức và cơ hội khi đảm nhận cả hai vai trò chủ chốt sẽ là điều thú vị được chờ đợi.

Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam trên Biển Đông

Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam trên Biển Đông

3. Cuộc bầu cử ở Myanmar

Cuộc tổng tuyển cử của Myanmar vào cuối năm 2015 là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước này kể từ khi chính phủ bán dân sự lên nắm quyền vào năm 2011, sau một nửa thế kỷ chế độ quân sự cai trị đất nước.

Đây sẽ là một phép thử quan trọng về cải cách. Có thể Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ sẽ giành chiến thắng trước đảng cầm quyền Liên minh Đoàn kết và Phát triển; đồng thời, đóng vai trò hàng đầu trong việc quản lý đất nước, lần đầu tiên kể từ khi bị tước quyền bầu cử sau khi chiến thắng cuộc bầu cử năm 1990.

4. Biển Đông sẽ tiếp tục sóng gió?

Tạp chí Diplomat cho rằng, với những gì đã xảy ra trong vài năm qua, không thể không nhắc đến Biển Đông trong danh sách danh này, mặc dù rất khó để dự đoán chính xác những diễn tiến tiếp theo.

Những câu hỏi quan trọng đặt ra ở đây là các quốc gia ASEAN sẽ điều chỉnh phản ứng như thế nào để đối phó với chiến lược của Trung Quốc nhằm từng bước độc chiếm lãnh hải tại khu vực này.

Quyết định của Hội đồng trọng tài tại Toà án hình sự Quốc tế The Hague về trường hợp Philippines kiện Trung Quốc cũng có thể ảnh hưởng đến các sự kiện, và giúp các bên mở rộng sử dụng các công cụ pháp lý để tìm kiếm sự rõ ràng về các tranh chấp chủ quyền lãnh hải đang diễn ra.

5. Cải cách táo bạo ở Indonesia

Sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào năm 2014, các quan sát viên đang “nhìn ngó” nhất cử nhất động của Tổng thống Indonesia, và xem xét liệu ông Joko “Jokowi” Widodo có thể thực hiện một số cải cách táo bạo của mình trong năm 2015.

Với chính sách đối nội, ông ưu tiên cho các lĩnh vực bao gồm chăm sóc sức khỏe, giáo dục và cơ sở hạ tầng. Mặc dù đây là những bước cải cách cần thiết, nhưng ông có thể phải đối mặt với nhiều trở ngại đáng kể đến từ đảng đối lập trong quốc hội, gặp khó khăn về tài chính và một số rào cản khác.

Đối với chính sách đối ngoại, ông đã thực hiện một chính sách đối ngoại song phương mềm dẻo hơn, nhưng vẫn có thể gặp phải những thách thức cả trong và ngoài nước.

6. Thái Lan sẽ từng bước khôi phục nền dân chủ

Đây sẽ là một năm trọng điểm đối với Thái Lan, khi chính quyền quân sự cầm quyền đã vạch ra một con đường mà theo tuyên bố của họ, sẽ khôi phục nền dân chủ trong nước sau cuộc đảo chính quân sự hồi tháng 5/2014.

Theo nguồn tin từ Diplomat, một quan chức cấp cao của chính phủ đã tuyên bố cuộc bầu cử sẽ được hoãn lại cho đến ít nhất là tháng 2/ 2016, trong khi năm 2015 chính phủ sẽ tập trung soạn thảo một hiến pháp mới và thực hiện cuộc trưng cầu dân ý.

Tuy nhiên, nhiều người mong đợi thời gian này sẽ được đẩy sớm hơn, bởi nếu điều này không xảy ra, đất nước Chùa Vàng có thể phải chứng kiến các cuộc đối đầu chết người giữa quân đội và người biểu tình tái diễn.

7. Mối đe dọa từ nhà nước Hồi Giáo IS

Các chuyên gia dự đoán IS có thể sẽ tiếp tục gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho các nước Đông Nam Á vào năm 2015. Indonesia và Malaysia, hai quốc gia có đa phần dân cư là người Hồi giáo, cùng với các nước ASEAN khác và các đối tác quốc tế, cần phải thận trọng trong việc chống lại mối đe dọa này.

Các quan chức khẳng định mối đe dạo này sẽ ngày càng tăng mạnh, trở nên tàn bạo và liều lĩnh hơn. Do vậy, cuộc tấn công do IS thực hiện nhắm vào một quốc gia Đông Nam Á hoàn toàn có thể xảy ra trong năm 2015.

Năm 2014, cả thế giới bàng hoàng trước sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS

Năm 2014, cả thế giới bàng hoàng trước sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS

8. Singapore sẽ có một cuộc bầu cử đột xuất

Nhiều người mong đợi một vài cuộc bầu cử đột xuất sẽ diễn ra tại Singapore trong năm 2015, bao gồm Đảng Dân chủ đối lập Singapore; Đảng này sẽ khởi động chiến dịch tranh cử của mình vào tháng 1/2015.

Năm 2011 được coi là “bước ngoặt” về chính trị đối với Quốc đảo này, khi Đảng Nhân dân Hành động (PAP), một trong hai chính đảng chủ yếu của Singapore, nhận được tỷ lệ phiếu bầu thấp nhất từ khi đảo quốc giành được độc lập.

Do PAP đã cầm quyền trong hơn bốn thập kỷ qua, nên các cuộc bầu cử mới sẽ xác định liệu PAP tiếp tục bị “mất dần tín nhiệm” hay sẽ hồi phục. Ngay cả nếu các cuộc bầu cử không được tổ chức, năm nay vẫn là một năm quan trọng đối với Singapore vì Quốc đảo Sư tử kỷ niệm 50 năm ngày thành lập.

9. Philippines duy trì hòa bình với các nhóm nổi dậy

2015 là năm bản lề cho nỗ lực hòa bình giữa Philippines và nhóm phiến quân tại nước này. Cơ quan lập pháp Philippines cần phải thông qua Luật Bangsamoro cơ bản, là thỏa thuận thương lượng giữa chính phủ và phiến quân Hồi giáo ở miền Nam, để đảm bảo rằng sẽ đạt được sự tiến bộ tiếp theo kịp thời với việc tạo ra một chính phủ tự trị mới vào năm 2016 giúp duy trì hòa bình.

Trong khi đó, chính phủ cũng có thể khởi động lại các cuộc đàm phán chính thức với phiến quân vào đầu năm nay để kết thúc một cuộc nổi dậy kéo dài nhất châu Á. Cả hai kế hoạch này đều mang lại những thách thức, nhưng chúng giữ vai trò rất quan trọng đối với cả Philipines lẫn khối ASEAN trong tương lai.

10. Giá dầu sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế của các quốc gia Đông Nam Á

Theo dự đoán của một số chuyên gia, nếu giá dầu vẫn duy trì ở mức thấp trong năm 2015, hoặc thậm chí giảm hơn nữa, điều này có thể gây ảnh hưởng đến một số quốc gia lớn thuộc Đông Nam Á.

Một điểm đặc biệt đáng lưu ý là Malaysia, một nước xuất dầu đã chứng kiến những tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế, và các chuyên gia dự đoán điều này sẽ tiếp tục ở một mức độ nhất định vào năm 2015.

Việt Nam cũng bị ảnh hưởng, khi giữ cả hai vai trò nước xuất khẩu và tiêu thụ dầu mỏ, ngoài ra chúng ta còn chịu tác động do vấn đề tài chính công. Tất nhiên, giá dầu thấp cũng có thể đem lại lợi ích cho nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia tiêu thụ dầu thuộc khối ASEAN, và thậm chí là cả các nước sản xuất dầu mỏ trong một số trường hợp.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Diplomat, một tạp chí có trụ sở ở Tokyo, chuyên về chính trị, văn hóa và xã hội tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề