​Nga thách thức trật tự thế giới hậu Chiến tranh lạnh

Năm 2015 chứng kiến chiến lược phát triển quân sự của Nga nhằm thay đổi trật tự thế giới do phương Tây thiết lập sau Chiến tranh lạnh đã đạt được những kết quả nhất định.

Ngày 30-9-2015, Nga chính thức can thiệp quân sự vào Syria với chiến dịch không kích hỗ trợ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Như vậy, Tổng thống Nga Vladimir Putin trở thành nhà lãnh đạo Nga đầu tiên kể từ khi ông Leonid Brezhnev (tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, người quyết định đưa quân vào Afghanistan năm 1979) triển khai lực lượng quân sự bên ngoài biên giới của các nước Liên Xô cũ.

Sau khi Nga bắt đầu chiến dịch không kích ở Syria, báo Mỹ New York Post mô tả ông Putin “đã trở thành nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới” chứ không phải Tổng thống Mỹ Barack Obama. Tháng 11-2015, tạp chí Forbes cũng tiếp tục đưa ông Putin vào đầu danh sách những người quyền lực nhất thế giới.

Tăng cường quân sự

Trên thực tế, Nga đã có những bước chuẩn bị cần thiết từ vài năm trước để hiện thực hóa tham vọng thay đổi trật tự thế giới.

Đầu tiên là việc đầu tư rất mạnh vào quốc phòng, đặc biệt sau khi ông Putin cải tổ quân đội năm 2008. Chính phủ Nga công bố ngân sách quốc phòng năm 2014 vào khoảng 69,3 tỉ USD, đứng thứ ba thế giới sau Mỹ và Trung Quốc. Con số này tăng lên 83,7 tỉ USD năm 2015 và dự kiến lên tới 93,9 tỉ USD vào năm 2016.

Với nguồn ngân sách dồi dào, quân đội Nga ồ ạt mua sắm và phát triển các loại vũ khí mới. Mục tiêu của Matxcơva là hiện đại hóa 70% lực lượng vũ trang vào năm 2020.

“Nga đang đuổi kịp phương Tây” – chuyên gia Nick Larrinaga của tạp chí quốc phòng IHS Jane’s nhận định. Trong năm 2014 và 2015, quân đội Nga mua 88 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, mới đây thử thành công tên lửa Bulava bắn từ tàu ngầm.

Bộ binh Nga thời gian qua tiếp nhận hàng loạt tên lửa Iskander có tầm bắn 500km và xe tăng công nghệ Armata được đánh giá là hùng mạnh nhất thế giới.

Không quân Nga sắm sửa hơn 450 máy bay chiến đấu và trực thăng mới trong năm 2014 và 2015, bao gồm các chiến đấu cơ hiện đại Su-34, Su-35 và trực thăng tấn công Mi-28…

Bên cạnh tăng cường vũ trang, Nga tái thiết lại các căn cứ quân sự ở gần Bắc Cực. Tính đến tháng 10-2015, Nga đã sắp hoàn tất xây dựng một căn cứ khổng lồ ở đảo Kotelny ngoài khơi phía đông Siberia.

Không chỉ mua sắm vũ khí, quân đội Nga còn liên tục tổ chức các cuộc tập trận quy mô lên tới hàng chục nghìn binh sĩ với thời gian chuẩn bị cực ngắn. Trong một cuộc tập trận từ ngày 16 đến 21-3-2015, Nga triển khai tới 80.000 binh sĩ cùng 12.000 loại vũ khí, 65 tàu chiến, 15 tàu ngầm và 220 máy bay chiến đấu.

Nhà phân tích Johan Norberg của Cơ quan Nghiên cứu quốc phòng Thụy Điển đánh giá: ‘’Nga muốn cho phương Tây thấy rằng quân đội nước này luôn chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến quy mô lớn”.

Triển khai quân sự ở nước ngoài

Sau khi sáp nhập Crimea, Nga liên tục triển khai máy bay chiến đấu áp sát không phận nhiều quốc gia phương Tây, bao gồm Mỹ.

Và đến tháng 9-2015, Nga khiến cả phương Tây bất ngờ khi triển khai máy bay chiến đấu không kích dữ dội các lực lượng nổi dậy ở Syria.

Trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Tổng thống Nga Putin lên án các chính sách của phương Tây gây bất ổn ở Trung Đông, bao gồm Iraq, Libya và Syria, tạo điều kiện cần thiết để nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) trỗi dậy.

“Tôi muốn hỏi những người đã tạo ra tình hình này rằng các ông có nhận ra được điều mình đã làm hay không. Nhưng tôi sợ rằng câu hỏi đó sẽ không được trả lời, bởi họ sẽ không bao giờ từ bỏ chính sách của mình, các chính sách dựa trên sự kiêu ngạo, coi mình là trên hết, không thể bị đụng đến” – ông Putin cáo buộc phương Tây.

DW dẫn lời nhà báo Nga Konstantin Eggert nhận định với việc triển khai lực lượng ở Syria, ông Putin đã buộc Mỹ phải coi Nga là ngang hàng, bình đẳng.

Khi đưa các máy bay chiến đấu đến Syria, nơi trước đây Mỹ và các nước đồng minh có tiếng nói quyết định, Nga đã ra tuyên bố rằng quân đội nước này đã trở lại với trường quốc tế.

DW dẫn lời chuyên gia Dmitri Trenin, giám đốc Trung tâm Carnegie Matxcơva, nhận định: “Cũng giống như Ukraina, Syria là bước trực tiếp ông Putin thực hiện để thách thức trật tự thế giới do phương Tây lập ra thời hậu Chiến tranh lạnh, nơi chiến tranh và hòa bình do Mỹ và các nước đồng minh quyết định”.

Trên RT, nhà báo Mỹ Robert Bridge, người sống và làm việc ở Matxcơva, mô tả năm 2015 là “năm Nga nói với Mỹ rằng đã đủ rồi”.

Ngoài ra, các nhà phân tích cũng nhận định việc Nga và Trung Quốc tăng cường hợp tác cũng là chiến lược thách thức trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo.

Nguồn tuoitre.vn


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Có 1 phản hồi cho bài viết “​Nga thách thức trật tự thế giới hậu Chiến tranh lạnh”:

  1. Cao Nam viết:

    Nga hoàn toàn có quyền phát triển sức mạnh quốc gia. Nhưng cách thức mà Putin thể hiện đã cho thấy sự rủi ro nguy hiểm cho chính người dân Nga và cộng đồng thế giới; và đáng lo ngại hơn, hình ảnh nước Nga xa rời xu thế và giá trị chung nhân loại càng hiện hữu. Tức, châu Âu cần chuẩn bị tâm thế cho một tình huống như Crime ở Baltic hay lân cận. Đề phòng từ xa, đương nhiên, châu Âu và Mỹ phải tìm mọi lý do hợp lý để ngăn chặn sức mạnh Nga. Và Putin đã, đang và sẽ phải trả giá rất đắt cho tham vọng nguy hiểm của mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề